Dệt tình yêu bằng lá thư tình thời chiến
Mở đầu lời tâm sự về vợ, người bạn đời và câu chuyện tình cổ tích của mình, ông Thành nói với chúng tôi bằng những lời vô cùng giản dị: “Bà ấy chính là đôi mắt của cuộc đời tôi”.
Sinh ra tại quê hương Thanh Hóa, nhờ học giỏi, chàng trai Cao Văn Thành đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Công nghiệp nhẹ. Những ngày tháng ngồi trên ghế giảng đường, chàng trai ấy đã đem lòng cảm mến cô bạn tên Kim Song (quê Hưng Yên).
Năm 1972, đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh, tuy là sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp nhẹ với 1 tương lai đã định sẵn, chàng trai Cao Văn Thành vẫn xung phong cầm súng ra chiến trường.
Dù đã cảm mến Kim Song từ lâu nhưng đến ngày lên đường nhập ngũ, chàng trai ấy mới ngỏ lời với người mình yêu. Mối tình của đôi trẻ ngày ấy được bắt đầu với lời dặn dò: “Anh cứ yên tâm chiến đấu. Em sẽ đợi anh về”.
Ngày tháng sinh tử nơi chiến trường, những lá thư biên vội của anh lính trẻ với cô sinh viên đã xóa đi cái cảm giác xa xôi, cách trở. Những lá thư như những trang nhật ký khiến cả hai luôn cảm nhận được sự có mặt của người kia ở bên cạnh.
Thế rồi, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Thành bị thương bị mù đôi mắt. Nghĩ mình đã là người vô dụng, không xứng với tình yêu với bạn gái, ông Thành muốn từ bỏ. Thế nhưng, bằng niềm tin và tình yêu, bà Kim Song ngày ấy đã vượt qua tất cả để đến với ông.
Tháng 12/1975, khi sức khỏe của ông đã ổn định và bà đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông bà quyết định làm đám cưới. Đến ngày đi đăng ký kết hôn, ông bà mới biết có cùng ngày sinh 2/2/1951. Mọi thứ, với họ đều trùng hợp đến lạ kỳ. Đôi trai gái cho đó là định mệnh, số phận đã an bài.
Chính vì vậy, dù hai bên gia đình can ngăn rất nhiều, 1 đám cưới vẫn được tổ chức ấm cúng tại thị xã Thanh Hóa. Trong ký ức của nhiều người, có lẽ đám cưới của ông bà Thành – Song là đám cưới đặc biệt nhất khi cô dâu đèo chú rể trên chiếc xe đạp cà tàng.
Chia nhau đôi mắt, vun đầy tình yêu
Sau đám cưới, cuộc sống của ông Thành – bà Song đứng trước cả núi khó khăn. Hạnh phúc ban đầu chưa kịp thấm, hai người đã đối diện với nỗi đau bất hạnh khi đứa con đầu lòng của họ bị câm điếc bẩm sinh.
Vượt qua nỗi đau ấy, ông bà đã cố gắng cùng xây dựng cuộc sống đầm ấm hạnh phúc. Giữa câu chuyện, ông Thành nhớ lại: "Gần 40 năm từ ngày lấy bà ấy, vợ chồng chúng tôi chưa một lần to tiếng. Cuộc sống thời bao cấp dẫu khó khăn nhưng căn nhà hơn chục mét vuông do cha ông để lại chưa khi nào ngớt tiếng cười. Ngày đó, chế độ của thương bệnh binh chẳng đáng bao nhiêu, gánh nặng gia đình đều dồn lên vai vợ".
Ban ngày, bà Song đi làm ở công ty nhẹ gần nhà. Tối về ông bà tăng gia, nuôi lợn, nuôi gà. Cứ như thế, bà cùng ông xây dựng gia đình, tạo dựng mái ấm và vun đắp cho hạnh phúc nhỏ bé của mình.
Dù mù đôi mắt nhưng ông vẫn luôn giữ được khí chất của 1 người lính “tàn nhưng không phế”. Thời còn ở Thanh Hóa, ông đã đi đến các sở, ban, ngành xin phép thành lập Hội Người mù thị xã Thanh Hóa, rồi sau này là thành lập Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa.
Không phụ sự cố gắng của ông Thành, Hội người mù thị xã Thanh Hóa cũng được ra đời với 20 thành viên ban đầu, rồi sau này phát triển rộng lớn, trở thành Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Ông trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội người mù Thanh Hóa. Rồi sau này ông trở thành Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.
Kể lại về hành trình hạnh phúc của mình, ông Thành xúc động bảo: “Tôi sẽ chẳng làm được gì nếu không có bà ấy. Bà ấy đã hi sinh và chia sẻ tuyệt đối với tôi.”
Chúng tôi hỏi bà Song, những ngày tháng bên nhau, bà còn nuối tiếng nhất điều gì mà chưa thực hiện được cho chồng? Bà trả lời PV rằng: "Nếu có điều gì tiếc nuối nhất, có lẽ đó là việc tôi chưa thể thực hiện được ước mơ lớn nhất của mình. Ước mơ của tôi là tặng cho chồng 1 mắt.
Khi đó, cả hai chúng tôi đều có cơ hội nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp xung quanh, cùng nhìn con cái lớn lên, dưng vợ gả chồng, cùng nhìn cháu nội, cháu ngoại chào đời".
Trần Phương