Lấy vợ qua câu "chối tội"
Ông sinh ra ngay sau khi Việt Nam ký Hiệp định Geneve năm 1954. Cha mẹ thấy đất nước đã ký hiệp định, được bình yên một nửa nên đặt tên ông là Nguyễn Văn Êm. Về sau này ông đi diễn và lấy tên là nghệ sỹ hài Quốc Thái. Ngay từ khi 15 tuổi, Quốc Thái đã tham gia chống giặc ngay mảnh đất Đồng Tháp nơi ông sinh ra. Lúc ấy ông làm quân báo cho xã, chuyên tìm hiểu quân địch đóng ở đâu, có bao nhiêu quân... Làm được vài năm, một lần do thám quân địch trà trộn vào trường học, ông bị lính ngụy bắt giữ. Lúc ấy ông không biết làm sao để thoát nạn. Chợt ông nhớ tới một cô bé ở cách nhà mình không xa đang học tại trường này nên nói đại: "Tôi có hẹn với út Chóp đang học trong này nên tới đợi". Rồi sau đó chúng thả ông về. Đến khi trường học tan, bọn lính tới hỏi út Chóp "mày hẹn với sáu Êm sao không ra xem chút tao bắn nó bể đầu" thì bị ngay một trận chửi thê thảm. Tức vì bị ông lừa nên bọn lính tìm đến nhà bắt ông giam giữ vì nghi ngờ đến gài bom.
Khi ấy út Chóp mà Quốc Thái nói chỉ mới 16 tuổi, chẳng quen biết gì sáu Êm. Thế rồi định mệnh xui khiến đã tạo nên một chuyện tình như cổ tích. Nghệ sỹ Quốc Thái nhớ lại trong tiếng cười: "Khi ấy tôi bị bắt, cha mẹ tôi lo lắng lắm. Cha mẹ tôi biết đầu đuôi câu chuyện lúc tôi chối tội với tụi lính ngụy nên mới tìm đến nhà út Chóp, năn nỉ cha mẹ út Chóp. Nói mãi, cha mẹ út Chóp mới chịu chấp nhận vì thời điểm ấy họ chẳng muốn dây dưa với tụi ngụy sợ mang họa. Họ kêu út Chóp ra đồn địch thanh minh là có hẹn với tôi để bọn chúng không nghi ngờ nữa. Thế là tôi thoát tội. Từ đó tôi quen cô ấy, rồi thương lúc nào không hay".
Nhận bằng kỷ lục gia.
Đã có một cuộc tình như cổ tích trong thời mưa bom bão đạn mà Quốc Thái rất trân trọng nó. Ông kể lại: "Một lần bộ đội chủ lực của ta về các anh quyết định đánh đồn địch. Mình là du kích địa phương am hiểu đường đi lối lại quanh khu đồn địch nên được giao làm trinh sát. Trước trận đánh lớn, lực lượng du kích phải huy động người dân tìm chỗ lánh nạn, sơ tán. Nhà của út Chóp lại ở gần đồn địch rất nguy hiểm. Tôi không an tâm, liền chạy qua nhà cô ấy kêu cô ấy qua nhà tôi để tôi nói ba má cho đi lánh nạn chung, còn tôi thì ở lại.
Trận đánh cam go cũng nổ ra. Địch sau hồi bàng hoàng cũng kịp huy động một lực lượng máy bay đuổi theo quân dân ta để nhả bom B52. Tôi chạy theo các anh và một số người dân. Bom thả ngay trước mặt tôi, một số người đi trước và hai bên tôi trúng bom. Tôi cũng bị đất vùi, cảm giác như ngưng thở, lúc ấy tôi lại nhớ tới hình bóng út Chóp đang chạy. Tôi vùng dậy và chạy tiếp theo mấy anh bộ đội. Mãi sau khi họ chuyển vùng công tác tôi mới về lại quê hương và tham gia công tác du kích ở xã tiếp tục đánh giặc".
Ngay sau khi đất nước được giải phóng, cảm tình trước út Chóp đã cứu mạng mình Quốc Thái quyết định cưới cô làm vợ. Và họ trở về làm những người nông dân chân chất. Sau hai năm họ sinh liền hai đứa con. Ông chia sẻ: "Lúc đó tôi nghĩ mình cứ chôn chân nơi đất này làm một người nông dân thì đời khổ lắm, nói cũng chẳng ai nghe. Sẵn có máu nghệ sỹ tôi liền rời gia đình lên Đồng Tháp xin vào phòng Văn hóa thông tin làm bên đoàn văn công.
Sau hai năm tôi về rước vợ con lên, năm năm sau đó một mình tôi lại đi lên Sài Gòn. Được ba năm tôi lại về rước vợ con về Cần Thơ sống. Ở trên ấy chúng tôi cất cái chòi sinh sống qua ngày suốt tám năm. Sau đó tôi lại một mình khăn gói ra đi lên Sài Gòn. Một lần đang tập diễn chợt vợ tôi gọi điện kêu là sẽ ra ngoài ruộng cất chòi ở vì không chịu nổi mẹ tôi, tôi ứa nước mắt mà không làm gì được. Sau một thời gian tôi kiếm được chút tiền thì về đón vợ con lên Sài Gòn ngay lập tức. Cuộc sống cứ quanh quẩn lận đận, chuyên tâm làm việc, hát hò, mãi những năm gần đây mới khá lên được".
Nghệ sỹ Quốc Thái sống bình dị trong căn nhà hạnh phúc của mình.
Độc diễn "6 trong 1"
Gần bốn mươi năm đi diễn hài, hát cải lương nghệ sỹ hài Quốc Thái để lại nhiều vai diễn đáng nhớ. Nhưng có lẽ kỷ niệm vở diễn xuất chúng nhất của Quốc Thái chính là vở "Pháp sư trừ tà". Quốc Thái cho biết: "Thời kỳ tôi mới đi diễn ở đoàn tuồng xã tôi đã diễn vở này. Ngày ấy lương của những người nghệ sỹ lưu động như tôi chỉ đủ nuôi miệng. Nhiều nghệ sỹ đã bỏ ngang hay chẳng còn nhiệt tâm nữa. Hôm đó diễn vở "Pháp sư trừ tà" có tới 6 nhân vật, trước khi diễn đã sắp người nhận vai hết. Nhưng đến khi chuẩn bị ra sân khấu thì tất cả năm người kia đều xin phép nghỉ ốm, người thì kêu bỏ luôn. Ban tổ chức lo cuống cuồng vì không biết lấy đâu ra người. Tôi mới đề nghị thôi để tôi diễn thử tất cả sáu vai diễn. Hết cách, ban tổ chức đành đánh liều để tôi ra sân khấu. Tôi độc diễn sáu vai trên sân khấu gồm vai: Ông Tư, bà Tư, anh Tư, chị Tư, thằng Út, pháp sư. Ngoài ra còn thêm hai vai: Con nít và công an".
Chuyện một người diễn sáu vai trong một vở diễn khiến nhiều người nghi ngờ. Tuy nhiên khi nghe Quốc Thái diễn mọi suy nghĩ đều chỉ quay lại một chữ "tài". Trong vở diễn ấy cái khó khăn không nằm ở giọng đàn bà, đàn ông hay con nít mà lại chính là một kẻ say. Nghệ sỹ Quốc Thái chia sẻ: "Tôi không biết uống rượu, chưa từng say nên diễn say thật khó. Vai say rượu ấy là vai thằng Út say rượu, say cần sa cứ phải vặn qua vặn lại, giọng thì méo đi. Mới đầu bỡ ngỡ nhưng rồi cuối cùng tôi cũng thực hiện được và lâu dần thành thuần thục". Về sau này, năm 2006 chính nhờ tài năng trong vở diễn này mà nghệ sỹ Quốc Thái được Trung tâm kỷ lục gia Việt Nam tặng thưởng kỷ niệm chương "Người diễn nhiều vai nhất trong một vở diễn".
Nghệ sỹ Quốc Thái đi hát rong cũng tạo nên nhiều phong cách. Ông chia sẻ: "Khi mới lên Sài Gòn tôi ở quán cà phê nghệ sỹ của một người bạn, có sô thì đi diễn. Hồi đó nhiều quán nhậu cũng mời chúng tôi vào hát nhưng khách nhậu thì cũng chẳng mấy người để ý chúng tôi diễn. Tôi mới nghĩ ra một chiêu gây chú ý mà cho tới bây giờ tôi vẫn làm. Đó là mở màn bằng tiếng chó sủa. Ngay sau khi làm như vậy mọi con mắt đều dồn về phía tôi, chú ý tôi diễn, tán thưởng và ngưỡng mộ. Sau tôi xin vào Đoàn văn nghệ Thanh Nga, chung với Bảo Quốc, Phượng Liên, Kiều Mai Ý... Tôi mướn nhà rồi về rước vợ con lên. Vợ đi bán rau củ quả, thấy lời, cả mấy đứa con cũng đi bán, cũng được khá tiền. Về sau mấy đứa lớn mua quần áo về bán, thấy nhàn mà có lời nên làm đến nay. Họ cũng là nhân lực lao động chính trong nhà chứ cho đến nay đời nghệ sỹ của tôi chẳng dư đồng nào".
Cuộc đời ông là sự đối nghịch với tên khai sinh của ông. Nhưng trong tâm tưởng của Quốc Thái luôn hiện lên một điều gì đó hài lòng, êm ả. Bởi xung quanh ông luôn có những tràng pháo tay tán thưởng mỗi khi ông lên sân khấu, những giỏ trái cây ngũ sắc của khán giả tặng mỗi lần diễn xong. Nghệ sỹ Quốc Thái tâm sự: "Mỗi lần đi diễn lưu động cực lắm. Mọi thứ mình đều tự làm tự sắp xếp kể cả vở diễn. Nhưng sau mỗi lần diễn xong nhìn thấy khán giả rộn tiếng cười tự nhiên thấy lòng mình hạnh phúc vô bờ. Giờ tuy đã lớn tuổi nhưng có buổi diễn mà người ta mời tôi độc diễn "Pháp sư trừ tà" tôi luôn sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi".
Hớt tóc dạo nuôi đời hát Tâm sự về đời nghệ sỹ lang thang, nghệ sỹ hài Quốc Thái tâm sự: "Lúc ở Cần Thơ, nhà tôi nghèo quá, tôi muốn có tiền nhưng lại muốn hát hò. Lúc ấy thấy hớt tóc kiếm được nhiều tiền nên tôi nhờ một số người dạy. Chỉ sau một tuần là tôi hớt tóc được. Từ đó ban ngày tôi đi hớt tóc dạo, tối đến lại đi hát. Người ta mê tôi hát mà tới hớt tóc ở chỗ tôi. Làm được tám năm tôi vẫn nghèo, tôi phải từ giã Cần Thơ lang thang lên chốn thị thành Sài Gòn hát dạo". |
Hoàng Minh