Bỏ đồng bằng lên miền núi lập nghiệp
Trong chuyến công tác Lai Châu, tôi được những người bạn đi cùng kể cho nghe câu chuyện tình đầy cảm động giữa chàng trai kỹ sư điện miền xuôi và cô giáo mầm non người Thái. Mỗi khi nhắc đến mối lương duyên này ai cũng bảo đó là "chuyện tình công tơ điện". Chẳng quản đường sá xa xôi, hiểm trở, tôi rời Điện Biên lên thị trấn Mường Tè Lai Châu để được gặp anh.
Men theo dòng sông Đà hùng vĩ, hiểm trở trong áng văn của nhà văn Nguyễn Tuân, tôi được dịp phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Những quả đồi xanh thẫm được điểm tô sắc trắng của hoa ban. Bao quanh những ngọn núi cao sừng sững là màu trắng tinh khôi của mây trời. Tất cả như hòa quyện với nhau để tạo ra bức tranh thiên nhiên đẹp lung linh và huyền ảo.
Thiên nhiên đã đẹp, con người nơi đây lại càng đẹp hơn: Hiền hòa, chân thành, mến khách. Đặc biệt những cô gái, chàng trai vùng cao luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho những người dưới xuôi lên: Đằm thắm, dịu dàng, nhân hậu. Cảm mến cái đẹp, yêu cái đẹp, cái dịu dàng thanh tao ấy, nhiều chàng trai đã quyết tâm ở lại mảnh đất này. Trong số những người ấy, chàng kỹ sư điện Trần Văn Toan không phải là ngoại lệ. Anh là nhân vật chính trong chuyện tình công tơ điện đầy cảm động.
Trần Văn Toan quê ở Ân Thi, Hưng Yên, là con trai duy nhất trong gia đình đông chị em. Bố anh là công nhân của ngành dầu khí đã về hưu, mẹ anh là người phụ nữ nông dân chân chất. Quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thế nhưng gia cảnh nhà anh vẫn vô cùng nghèo khó. Thương con đam mê học hành, cha mẹ anh động viên nhau vượt qua khó khăn để nuôi dạy con cái ăn học thành tài. Biết hoàn cảnh gia đình của mình, lại thương cha mẹ vất vả, anh luôn cố gắng tiếp thu bài một cách nhanh nhất ở trên lớp để dành thời gian phụ giúp bố mẹ. Ngày đi học ở trường đào tạo Nghề điện Sóc Sơn, Hà Nội, nay là trường cao đẳng nghề điện, anh luôn giành được học bổng để giảm gánh nặng kinh tế cho cha mẹ dưới quê.
Anh Trần Văn Toan hạnh phúc bên gia đình.
Ngày ra trường, thay vì về quê làm việc, anh xin phép cha mẹ cho mình lên vùng cao lập nghiệp. Lúc đầu cha mẹ anh không đồng ý vì xa xôi, đi lại khó khăn, rừng núi hiểm trở, nguy hiểm... nhưng vì muốn con được thử sức, được làm những gì mình muốn, cha mẹ anh cũng bằng lòng. Rời đồng bằng, anh đến với Lai Châu và được nhận vào làm kỹ sư điện của huyện Mường Tè. Anh tâm sự: "Những ngày đầu mới lên đây, nhìn cảnh núi rừng hoang sơ, heo hút, tôi nhớ nhà vô cùng”.
Sau những ngày lạ lẫm "đất khách quê người", chỉ một thời gian ngắn sau, anh hòa nhập được với cuộc sống nơi đây. Những rừng nứa, rừng tre chẳng cản được bước chân anh mỗi khi anh đi kéo điện tới các bản xa xôi, hẻo lánh cùng anh em trong cơ quan. "Có những chỗ, để kéo được điện cho bà con trong bản, anh em trong đội phải vất vả vô cùng. Chỉ là khoảng cách một cái hẻm nhỏ, cách nhau vài chục mét, vậy mà anh em trong đội phải mất cả ngày mới kéo được đường dây điện. Bởi địa hình rừng núi ở đây vô cùng trắc trở, buổi sáng anh em phải leo hàng giờ đồng hồ mới kéo được dây điện lên trên đỉnh núi. Đến nơi, vừa mắc xong dây điện, chưa kịp nghỉ ngơi, anh em lại hò nhau xuống núi để leo sang đỉnh đồi kia kéo dây. Công việc vất vả là vậy nhưng mỗi khi làm việc xong, anh em vui lắm. Vui vì mình đã mang được ánh sáng đến với đồng bào dân tộc".
Anh bảo mình sẽ không bao giờ quên nụ cười rạng ngời, sung sướng của đồng bào dân tộc sau khi ánh sáng được kéo đến buôn làng. Họ ngây người nhìn chiếc bóng điện sáng rực, có người già trước khi nhắm mắt, được nhìn thấy điện đã nhắm mắt xuôi tay trong nụ cười mãn nguyện bởi cả đời cụ ước ao hai thứ: "Đường ô tô vào tận bản và điện về đến nhà mình" thì nay tất cả đã thành sự thật.
Được chứng kiến những niềm vui ấy, anh luôn tự nhủ phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Và sự phấn đấu ấy của anh đã được đền đáp xứng đáng, anh luôn giành được những giải thưởng cao quý trong mỗi cuộc thi của Tập đoàn Điện lực: Giải nhất tay nghề của Tập đoàn, giải nhất tay nghề ba miền Bắc Trung Nam dưới Hà Nội năm 2004... Hiện tại, anh được công ty Điện lực Lai Châu bổ nhiệm chức Phó giám đốc điện lực huyện Mường Tè.
Và thiên tình sử "công tơ điện"...
Dường như cái duyên với vùng cao nó vận vào anh tự lúc nào chẳng rõ. Khi trở về xuôi, cái khát khao được trở lại vùng cao càng sôi sục hơn bao giờ hết, để rồi khi ra trường anh vác ba lô để đến với vùng cao. Cũng chính tại đây, mảnh đất Lai Châu đã trở thành quê hương thứ hai của anh.
Ngày ấy, khi đang dựng cột điện cùng anh em trong đội, dựng xong, anh được phân công đi vào nhà dân xin nước để trộn bê tông, đổ trụ cột. Chẳng ngần ngại, anh hăm hở xách thùng đi xin nước. Đang múc nước, anh chợt sững người vì nhìn thấy một thiếu nữ đang từ ngõ đi vào. Vừa vào tới sân, nhìn thấy nhà có người mặc áo công nhân của ngành điện lực, cô gái mỉm cười chào khách. Chính nụ cười e thẹn của cô gái đã làm chàng thợ điện xiêu lòng đánh rơi chiếc gàu múc nước. Mang nước về chỗ anh em với gương mặt vui vẻ, anh kể ngay với mọi người mình vừa xin nước ở nhà một cô gái rất xinh.
Trở về nhà tập thể của cơ quan, chẳng cần nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, cực nhọc, anh lấy ngay sổ ghi chép khách hàng của vùng đó để tìm xem nhà cô gái ấy có vấn đề gì về điện không. Hôm sau anh đến nhà cô gái chơi với cớ: "Đến xem công tơ điện, hệ thống điện trong nhà có gặp vấn đề gì không...". Người dân ở đây cứ thấy người của điện lực đến là quý lắm vì họ được hiểu biết thêm về điện, nhờ sửa chữa chỗ này, chỗ khác trong mạng lưới điện gia đình. Kể đến đây anh bảo: "Sau khi kiểm tra, sửa chữa giúp họ nhiều cái, tôi mới lân la làm quen, hỏi han về cô gái và ngỏ ý muốn được đến nhà chơi nhiều hơn".
Ngày cưới, trái với những lo lắng của cha mẹ anh: Phải chuẩn bị sính lễ to để đáp lại sự thách cưới của nhà gái thì cha mẹ vợ cũng như họ hàng nhà chị không bắt gia đình anh phải tuân theo tục lệ thách cưới và tục ở rể trên này. Sau khi cưới nhau xong, dù sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vất vả, phải đi thuê nhà của bên viễn thông để sống vì cơ quan không có chỗ cho cán bộ ở. Bên cạnh đó, mỗi năm anh chị phải chuyển chỗ ở một lần vì không có nhà ở cố định nhưng anh chị vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc với nhau. Anh tâm sự: Mình cứ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, trời sẽ không phụ lòng người. Có thể nói, từ khi lấy nhau đến nay đã có hai mặt con, cuộc sống dù vô cùng vất vả nhưng chưa bao giờ chúng tôi nặng lời với nhau dù chỉ là nửa câu".
Nhìn vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt anh, tôi phần nào hiểu được hạnh phúc của anh chị. Cho đến tận hôm nay, mỗi khi nhắc đến anh, mọi người lại nhắc đến chuyện tình "công tơ điện" có một không hai ở Mường Tè.
Chuyện tình như phim Hàn Quốc Từ ngày làm thân với Lù Thị Hằng (tên của cô gái), anh em trong cơ quan liền đặt biệt danh chuyện tình của hai người là chuyện tình "công tơ điện", theo cách đặt tình yêu của hai nhân vật chính trong phim "Chuyện tình Harvard" đang chiếu trên ti vi. Biết anh yêu Hằng, một cô giáo mầm non bản Bum Tả nhân hậu, xinh đẹp, anh em cùng cơ quan ai cũng mừng cho đôi trai tài gái sắc. Ngày anh đưa chị về ra mắt gia đình, anh nhận phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ. Ai cũng không đồng ý, trái lại còn bắt anh phải bỏ việc để về xuôi bởi mọi người sợ anh bị "bỏ bùa". Biết không thể thuyết phục bố mẹ trong một sớm một chiều, anh vừa động viên cha mẹ, vừa động viên người yêu tin tưởng vào sự lựa chọn của anh. Cuối cùng anh cũng được đồng ý cho anh chị cưới nhau. |
Hồng Mây