Năm ấy ở Dịch Vọng mở hội. Hội năm ấy đông vui hấp dẫn hơn vì có đào nương Diễm Hương trẻ đẹp hát hay có tiếng trong vùng đến diễn.
Như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, chàng học trò nghèo Vũ Khâm Lân đã si mê nhan sắc cô đào Diễm Hương từ cái nhìn đầu tiên. Không có tiền để thưởng cho cô đào, Khâm Lân chỉ đứng nép bên cột đình lẳng lặng xem cô đào biểu diễn. Đâu ngờ cô đào lại chú ý đến anh học trò nghèo đứng nép bên cột đình mà cô nghe tiếng học giỏi đã lâu.
Thật chuyện đời cũng lắm bất ngờ, giữa thời phong kiến, tình yêu hôn nhân là chuyện gả bán của các bậc phụ huynh mà đào nương Diễm Hương lại bất chấp rào cản ấy. Sáng hôm sau, nàng chủ động tìm tới nhà trọ của Khâm Lân. Còn đang bồn chồn về chuyện người trong mộng bị ốm mà mình chưa có cách gì đến thăm thì tự nhiên người ta xuất hiện trước mặt khiến chàng thư sinh luống cuống không biết làm sao.
Bao nhiêu điều muốn biết, bao nhiêu điều muốn nói đều quên sạch, chàng chỉ ngượng nghịu hỏi: "Hôm qua chị bị ốm?". Không dè cô đào lại bạo dạn nói như đã quen nhau từ lâu: Mà chàng thì bỏ mặc chẳng đoái hoài. Rồi không để Khâm Lân thanh minh, nàng mạnh dạn đặt vào tay chàng 10 quan tiền và bảo: "Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành".
Câu chuyện từ lúc gặp gỡ đến giờ cứ đưa Khâm Lân từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nên chàng đâm ra ấp úng: "Xin đội ơn nàng, xin có ngày được báo đáp". Diễm Hương dịu dàng bảo: "Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ chu cấp tiền cho chàng ăn học". Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.
Vinh quy bái tổ thời xưa (Ảnh minh họa).
Lạm dụng tình yêu của Diễm Hương, nhiều lần Vũ Khâm Lân muốn nàng chiều chuộng mình như vợ chồng nhưng nàng đều cự tuyệt. Nàng nói: "Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Dẫu là con nhà hát xướng nhưng chàng đừng coi thường thiếp là hạng người hư thân mất nết. Thiếp biết chàng, quý chàng tựa như tìm được người vừa ý để bỏ công giúp đỡ. Đi hát chẳng phải là kế sống mà chỉ là để thiếp chọn anh hùng từ thuở hàn vi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi. Bởi thế từ nay xin cáo biệt".
Biết Diễm Hương yêu mình cao thượng nên Khâm Lân hổ thẹn xin lỗi mãi. Nhưng từ đó nàng chỉ gửi gạo tiền đến cho chàng mà nhất định không gặp mặt nữa. Năm 1727, Vũ Khâm Lân đi thi đỗ Tiến sĩ. Sau lễ vinh quy, nhiều nhà danh giá bắn tiếng gả con gái cho chàng. Gia đình Khâm Lân cũng đã tìm được một gia đình phú hộ cho chàng làm rể.
Khi biết tin Vũ Khâm Lân lấy vợ giàu sang, Diễm Hương đau lòng lắm. Nhưng vì muốn tận mắt nhìn lần nữa kẻ bạc tình nên nàng tìm gặp Khâm Lân. Trước mặt người tình cũ, ông tiến sĩ tân khoa lúng túng: "Tôi vẫn nhớ đến nàng nhưng số kiếp tôi không được may mắn. Nàng tha tội cho tôi". Diễm Hương cắt ngang: "Ông đừng nói nữa. Tôi đã rõ tâm địa của kẻ phản bội".
Tự cho là duyên phận lỡ làng, nàng không lấy ai nữa. Sau đó Khâm Lân ân hận cho tìm nàng mãi nhưng không tìm được.
Luật nay: Có dấu hiệu của tội lạm dụng sự tín nhiệm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nếu như Vũ Khâm Lân quyết chí trở lại với tình xưa thì câu chuyện đã kết thúc có hậu. Dù sao ở thế kỷ 18, không thể đổ hết lỗi cho Khâm Lân khi những người quanh ông, cả hệ thống xã hội không coi ra gì những người hát xướng. Nhưng giả sử chuyện tình của ông đặt vào thời điểm hiện tại thì sao? Câu chuyện tình đó sẽ xoay sang một hướng hoàn toàn khác khi có đơn tố giác của Diễm Hương. Trong suốt thời gian yêu đương, hai người đã hẹn ước. Với người con gái thời đó, khi tình cảm đã trao cho ai dù chưa được cưới hỏi thì họ cũng mặc địch việc đó coi như mình đã đính ước trăm năm rồi.
Có thể thấy được rằng, việc Vũ Khâm Lân lợi dụng chuyện tình cảm của mình với Diễm Hương để nàng chu cấp tiền bạc cho mình là có cơ sở. Diễm Hương đã từng bảo: "Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, cố sức học hành, thiếp sẽ chu cấp tiền cho chàng ăn học". Thế rồi từ đó, cứ vài bữa nàng lại đến thăm mang theo gạo tiền chăm sóc cho Khâm Lân. Tình yêu giữa họ dần trở nên thắm thiết.
Căn cứ vào những tình tiết trong câu chuyện tình trên và chiếu theo những quy định của pháp luật hiện hành ngày nay thì hành vi ấy tương ứng với Điều 140 BLHS. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo khoản 2 của điều luật trên thì Vũ Khâm Lân đã có hành vi dùng thủ đoạn xảo quyệt (điểm c). Người phạm tội theo điểm c này sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm...
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Trong trường hợp nàng Diễm Hương làm đơn khởi kiện, khi có đủ yếu tố chứng minh là có hành vi lừa đảo thì cơ quan chức năng phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Khâm Lân.
Tường Linh