Tình yêu “có một không hai”
Nếu lần đầu tiên tới quán cà phê Thy (Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều người sẽ có cùng tâm trạng bất ngờ như chúng tôi khi biết chủ quán là anh Lê Văn Ánh (SN 1969) và chị Vũ Thị Thu Phương (SN 1980) đều là những người khiếm thính. Khi trò chuyện, chúng tôi phải nhờ tới sự giúp sức của Thy (con gái đầu lòng của anh chị).
Mỗi lần, ai muốn hỏi điều gì, Thy sẽ là “thông dịch viên” giúp người đối diện hiểu được ngôn ngữ ký hiệu của bố mẹ. Thông qua Thy, chúng tôi được nghe câu chuyện tình yêu “có một không hai” của anh Ánh và chị Phương.
Theo lời kể của Thy, cả anh Ánh và chị Phương đều không phải bị câm điếc bẩm sinh. Ngày còn nhỏ, chị Phương bị viêm tai giữa, đến khi quá nặng gia đình mới cho đi viện phẫu thuật. Rồi sau mổ vết thương bị biến chứng, từ đó, chị không còn nghe được gì nữa. Chưa dừng lại ở đó, chị còn bị mất tiếng và không nói được. Còn anh Phương, năm 3 tuổi, anh bị mắc một căn bệnh lạ. Dù gia đình đã cố đưa đi chạy chữa, nhưng sau khi ra viện, anh bỗng dưng không thể nghe và nói được.
Cuộc sống đưa đẩy để hai số phận không may mắn có cơ hội gặp gỡ nhau, thấu hiểu và cảm thông rồi nên duyên vợ chồng.
“Chúng tôi thường nói với nhau đó là ngày định mệnh của cả hai. Hôm ấy chúng tôi cùng tham gia một chương trình của người khuyết tật Hà Nội. Anh Ánh lại là trưởng nhóm khiếm thính, anh tiến lại gần và nói chuyện với tôi.
Ngay lúc ấy, tôi cảm giác như có sợi dây may mắn vô hình đang gắn kết chúng tôi lại với nhau. Từ đó, chúng tôi thường xuyên hẹn gặp nhau để tâm sự cũng như hiểu hơn về nhau”, chị Phương chia sẻ (những trao đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu của chị Phương, anh Ánh với PV đều được Thy dịch lại).
Dù những lời yêu thương không thể nói nhưng từ trái tim họ cảm nhận được sự chân thành của nhau. Chị Phương cười trong hạnh phúc: “Anh Ánh không tặng hoa, cầu hôn đâu, mà anh chỉ thể hiện bằng ngôn ngữ của chúng tôi. Anh hỏi em có yêu và muốn lấy anh làm chồng không, tôi không nói gì chỉ gật đầu. Tình yêu đơn giản như vậy thôi. Chỉ cần mỗi ngày đều nhìn thấy nhau là hạnh phúc rồi”.
Yêu và quyết định đến với nhau nhưng cả chị Phương và anh Ánh lại vấp phải sự phản đối của gia đình chị Phương. Ai cũng lo sợ khi cặp đôi không thể nói, chẳng nghe được người kia nói gì thì vất vả sẽ gấp bội phần. Nhưng, anh Ánh đã dùng sự chân thành, kiên trì của mình chứng minh cho tình yêu của anh chị. Cuối cùng họ đã nhận được sự đồng ý và chúc phúc của gia đình hai bên.
“Bố thường nói yêu mẹ và cười hạnh phúc”
Anh Ánh và chị Phương sau khi lấy nhau lại không có công ăn việc làm. Vì thế, anh Ánh đã bàn với chị Phương mở quán cà phê. Thấy chồng tính vậy chị Phương liền xua tay, chị sợ, cả hai vợ chồng cùng không thể giao tiếp thì ai đến uống nước. Thế nhưng, trước sự kiên quyết của anh Ánh, chị Phương đành chấp nhận. Ban đầu khách đến quán rất ít vì một lẽ đơn giản, họ ngại khi gọi đồ uống.
Con gái chị Phương năm nay đã 13 tuổi, tên con gái cũng chính là tên anh chị đặt cho quán cà phê của mình. Thy kể với chúng tôi: “Từ nhỏ cháu đã hiểu được ngôn ngữ của bố mẹ. Vì thế, cháu thấy bố mẹ ít khi xảy ra xung đột. Có chăng cũng chỉ dùng vài ký hiệu với nhau xong rồi thôi.
Cháu được bố mẹ dành cho sự yêu thương đặc biệt, dù bố không thể nói nhưng mỗi lần họp phụ huynh bố vẫn đi cùng cháu đến lớp. Mẹ không thể nói nhưng mẹ vẫn chỉ cho cháu biết những cuốn sách hay, dạy cháu nhiều việc nhà. Mỗi khi đi lớp về cháu tranh thủ phụ giúp bố mẹ bán hàng. Cháu nhớ có lần, hai vị khách vào quán gọi đồ uống, nhưng vì bố mẹ không thể nói cũng không nghe rõ, họ tưởng... là quán của người nước ngoài nên liền bỏ đi”.
Nói rồi, Thy chỉ vào hai bức ảnh trên trên tường, đó cũng chính là những lời mà bố mẹ cô bé viết ra để khách biết về quán của mình. Lời nhắn của anh Phương dành cho khách: “Tôi bị điếc, để làm cho đàm thoại của chúng ta dễ hơn: Hãy đối mặt với tôi nhưng đừng che miệng; Nói rõ ràng, nhưng không quá nhanh; Lược bỏ sự ầm ĩ nếu như có thể được; Viết lời nhắn của bạn nếu như cần thiết”. Cứ thế, hơn chục năm qua quán cà phê “không lời” của anh chị rất đông khách, thậm chí có người còn tò mò không biết câm, điếc sẽ bán hàng như thế nào nên họ đã tìm đến.
Thi thoảng, tôi thấy anh Ánh và chị Phương dùng ký hiệu với nhau và nở nụ cười thật tươi. Tôi không hiểu liền quay sang hỏi Thy, cô bé cũng cười theo bố mẹ: “Mẹ cháu hỏi bố còn yêu mẹ nhiều không, để mẹ nói với mọi người. Bố cháu bảo yêu và thương mẹ cháu hơn những ngày đầu mới gặp”.
Con gái anh chị chia sẻ với chúng tôi, cô bé chưa bao giờ ngại nói với mọi người rằng bố mẹ mình là người khiếm thính, không thể nói. Mỗi ngày Thy thấy bố mẹ vui vẻ, hạnh phúc bên nhau đó cũng chính là động lực để cô bé nỗ lực trong tương lai. Còn anh Ánh và chị Phương, thành quả mà anh chị đạt được phải đổ mồ hôi công sức mới có nên cả hai rất trân trọng.