Chuyện tình "không âm thanh": Nhọc nhằn kế sinh nhai

Chuyện tình "không âm thanh": Nhọc nhằn kế sinh nhai

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 3, 29/08/2017 08:00

Với những cặp vợ chồng khiếm thính, việc mưu sinh không phải là vấn đề đơn giản khi họ gặp không ít khó khăn trong giao tiếp. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vợ chồng anh Hải- chị Lan, anh Bình- chị Kim Loan đã dần vượt qua những khó khăn ban đầu để chạm tay tới thành công...

Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu lập nghiệp, anh Bình cho hay: “Những ngày đầu mới dọn hàng, vợ chồng tôi gặp không ít khó khăn trong vấn đề tương tác với khách. Nhiều khi, khách nói một đường, chủ quán hiểu một nẻo. Không ít lần chúng tôi mang nhầm đồ ăn cho khách, hoặc nêm không đúng khẩu vị khách yêu cầu. Kết quả, không ít khách chỉ đến một lần và không trở lại lần nữa”.

Không chấp nhận buông xuôi, vợ chồng anh Bình đã nghĩ ra cách bán hàng đặc biệt đó là in thực đơn các món ăn có sẵn tại quán, khách đến ăn chỉ vào món cần dùng, sau khi ăn xong tự tính tiền để gửi lại cho chủ quán.

Trên tờ thực đơn, vợ chồng anh Bình cũng không ngại ngần nói rõ mình là người khiếm khuyết với dòng chữ “Quán bé câm điếc. Có giá sẵn xin quý khách tự tính trả tiền cho vợ chồng em, xin cảm ơn nhiều”.

Gia đình - Chuyện tình 'không âm thanh': Nhọc nhằn kế sinh nhai

Quán trà đá của chị Lan, anh Hải lúc nào cũng tấp nập khách.

Cứ thế, chính sự đam mê, yêu công việc mà anh chị dần tạo được uy tín trong lòng khách hàng. Anh chị cũng tự sáng chế ra món tủ để khách nhớ tới mình. Điều đó, khiến quán ăn không lời “ghi điểm” tuyệt đối trong mắt thực khách nơi đây.

“Quán chúng tôi ngày một đông khách hơn, có hôm, vợ chồng tôi không được ngừng tay vì phải làm đồ ăn cho khách. Tôi biết, ngoài đến thưởng thức đồ ăn, có khách đến đây còn vì sự đặc biệt của vợ chồng tôi. Họ tò mò muốn biết vợ chồng khiếm thính như chúng tôi giao tiếp như thế nào”, anh Bình vừa viết vừa cười.

Chia sẻ thêm về cuộc sống vợ chồng anh Bình cho hay: “Vợ chồng tôi cũng có đôi lúc giận hờn, nhưng không giận nhau được quá lâu. Dù không thể nói được bằng lời nhưng chúng tôi hiểu rằng cuộc đời này thật ý nghĩa khi mỗi ngày được ở bên nhau”.

Cứ như thế, hai năm trôi qua, nhiều người dân và du khách đến với Đà Nẵng đã quá quen thuộc với hình ảnh ngày ngày cứ 16h chiều là hai vợ chồng câm điếc cùng nhau dọn bàn ghế, bưng bê phục vụ khách đến 22h đêm mới dọn hàng về.

Còn anh Nguyễn Văn Hải - Nguyễn Thị Lan, sau khi kết thúc đám cưới đơn giản, họ lại quay về với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền như bao người bình thường khác. Sau ngày cưới, vợ chồng anh Hải chị Lan đã cùng nhau dọn quán bán trà đá, bán nước. Số tiền kiếm được họ dành dụm mua thêm chiếc xe máy để hành nghề xe ôm nhằm tăng thêm thu nhập.

Gia đình - Chuyện tình 'không âm thanh': Nhọc nhằn kế sinh nhai (Hình 2).

Chị Lan đang tính tiền cho khách.

Cũng theo vợ chồng anh Hải bán trà đá tưởng chừng nhàn nhã nhưng có làm mới thấy vất vả. Đặc biệt, với những người khiếm thính như vợ chồng anh, công việc càng khó khăn bội phần. Nhiều hôm, anh chị bán tới 23h mới dọn hàng về đến nhà.

“Công cuộc mưu sinh của chúng tôi cũng lắm nỗi vất vả. Tôi dọn hàng cho vợ bán nước còn tôi thì chạy xe ôm. Hôm nào trời thương không mưa thì còn dọn hàng bán được kiếm đồng ra đồng vào, còn hôm nào thời tiết không thuận lợi thì coi như nghỉ không kiếm được đồng nào”, anh Hải chia sẻ.

Vì phải ngồi suốt ngày ngoài đường anh Hải chị Lan thường xuyên phải tiếp xúc với xe cộ, nắng nóng nên sức khỏe bị ảnh hưởng ít nhiều. “Nhiều hôm ngồi suốt tôi bị đau nhức xương sống, có lúc lại ho cảm vì chuyển thời tiết. Những hôm như thế, về nhà tôi chẳng thiết tha gì ăn uống, chỉ leo lên giường ngủ một mạch đến sáng mai”, chị Lan viết.

Ngoài bán trà đá, anh Hải chạy xe ôm, tính đến nay đã được 8 năm. Vì thế, công việc càng trở nên bận rộn. Cũng theo anh Hải nhiều hôm anh chở khách thông tầm nên cũng chẳng thể nghỉ ngơi.

Gia đình - Chuyện tình 'không âm thanh': Nhọc nhằn kế sinh nhai (Hình 3).

Chiếc xe máy mà anh Hải vẫn chạy xe ôm hàng ngày.

Đã hơn 10 năm bán nước tại ngã ba Tôn Đức Thắng – Đoàn Thị Điểm, người dân nơi đây cũng đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh cặm cụi của hai vợ chồng anh Hải chị Lan rót nước cho khách. Dù không thể nói chuyện với nhau bằng lời, chỉ giao tiếp bằng cử chỉ bàn tay xòe ra, nắm vào nhưng bằng tình yêu họ đã vượt lên tất cả.

Có thể, tạo hóa đã không cho họ được một cơ thể lành lặn như bao người khác nhưng đã cho họ nghị lực sống. Họ đã tự mình tạo nên một tình yêu bình dị nhất dù “không lời”. 

(Còn nữa)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.