Chuyện tình làm thay đổi lịch sử hôn nhân Mỹ

Chuyện tình làm thay đổi lịch sử hôn nhân Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

45 năm trước, 16 bang tại Mỹ vẫn coi việc kết hôn giữa hai màu da là bất hợp pháp. Nhưng năm 1967, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phải bối rối trước tình yêu của anh Richard Loving, một người da trắng với cô gái người Mỹ gốc Phi Mildred Jeter.

Chính tình yêu của hai người đã làm thay đổi cả lịch sử về hôn nhân thời đó. Thậm chí, cuộc sống hôn nhân của họ đã được nhiếp ảnh gia Grey Villet ghi lại và trưng bày tại Trung tâm Nhiếp ảnh Quốc tế.

Tình yêu bị ngăn cấm

Cùng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Central Point, miền Caroline, bang Virginia, Mỹ, gia đình của Richard và Mildred chơi khá thân với nhau. Chàng thanh niên 17 tuổi Richard lần đầu tiên gặp Mildred đã bị cuốn hút bởi giọng nói nhẹ nhàng và đôi mắt to tròn biết cười của cô bé mới 11 tuổi.

Ở tuổi này, cả hai chỉ vô tư cùng nhau chơi đùa trên những cánh đồng trải dài trong thị trấn. Đến khi Mildred 15 tuổi, hai người bắt đầu hẹn hò như những đôi nam nữ khác. Tình yêu của họ ngày một lớn hơn như tình yêu của họ dành cho mảnh đất Virginia, nơi họ sinh ra.

Năm Mildred 18 tuổi, cô mang trong mình giọt máu của Richard. Hai người đã quyết định đi đến hôn nhân. Richard đã đề nghị với Mildred tổ chức lễ cưới tại một nhà thờ ở Washington DC với lý do vì sức khỏe của hai mẹ con Mildred mà không hề đề cập đến luật chống kết hôn khác chủng tộc của Virginia. Mildred không biết gì về luật lệ hà khắc này và cũng không thắc mắc về quyết định của Richard, cô đồng ý ngay bởi lúc này cô quá hạnh phúc. Cha Mildred và anh của cô là những người làm chứng trong lễ cưới.

Khi hạnh phúc đơm hoa kết trái, những khó khăn, trở ngại bắt đầu ồ ạt kéo đến. Một đêm sau 5 tuần trở về từ Washington, hai vợ chồng Mildred và Richard bị cảnh sát bất ngờ ập vào tận phòng ngủ của họ, tra hỏi: "Người phụ nữ da đen này là ai?". Richard không trả lời, chỉ lo cho Mildred đang mang thai sẽ hoảng sợ.

Richard nhớ lại: "Lúc đó là 2h sáng. Mildred thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tội nghiệp cô ấy. Mildred đang mang thai đứa con của chúng tôi. Cảnh sát còn lục soát khắp phòng và tìm thấy giấy tờ kết hôn mặc dù tôi đã giấu tận trong tường nhà. Đó là bằng chứng khiến chúng tôi phải ra tòa". Và cuộc chiến lấy lại tự do trong hôn nhân cũng bắt đầu từ đây.

Pháp luật - Chuyện tình làm thay đổi lịch sử hôn nhân Mỹ

Richard và Mildred trao nhau nụ hôn nồng thắm.

Ngày 6/1/1959, cả hai bị đưa ra tòa án Caroline County Circuit. Richard và Mildred bị kết án 1 năm tù giam và phải lập tức rời khỏi bang Virginia trong vòng 25 năm sau khi ra tù. Mặc dù sống tới 4 năm tại Washington nhưng gia đình Richard không thể thích nghi với nhịp sống sôi động ở nơi đây. Nỗi nhớ quê hương da diết "cào xé" lòng họ từng ngày. Richard mong ước có một ngày được quay trở lại thị trấn Central Point bé nhỏ.

Và rồi, nỗi nhớ đã chiến thắng, họ quyết định lén trở về Virginia, sống chui lủi tại một căn nhà được dựng lên ngay trên mảnh đất của gia đình Richard. Mặc dù đã về đến quê nhà nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ muốn được tự do sống như bao gia đình khác chứ không phải sống trốn tránh như thế này nữa. Tình yêu của hai người là một bi kịch trong rất nhiều bi kịch của nạn phân biệt chủng tộc tại các nước phương Tây những năm 60 của thế kỷ trước.

Cuộc đấu tranh lịch sử

Họ trở về Columbia, bắt đầu cuộc chiến tranh pháp lý kéo dài nhằm xóa bản án hình sự mà tòa án Virginia đã ban hành và tìm cách biện minh cho tình yêu và tự do hôn nhân của họ. Niềm ao ước "giải phóng" hôn nhân khác chủng tộc đã thôi thúc chị hành động. Ngày 28/10/1964, chị Mildred đã lấy hết can đảm viết thư trình bày quan điểm và nguyện vọng về cuộc hôn nhân của mình gửi tới ông Robert F. Kenedy, người đứng đầu bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.

Không những thế, Mildred và Richard còn gửi thư kêu gọi sự ủng hộ từ Giáo hội Công giáo. Hai vợ chồng chị cũng viết thư đến các bang công nhận luật hôn nhân khác chủng tộc để nhận được sự đồng tình cũng như sự trợ giúp của họ trong cuộc chiến này. Kết quả là cuộc hôn nhân của hai người được chấp nhận năm 1967. Sau khi nhận được phán quyết cuối cùng, anh Richard hạnh phúc nói với tạp chí Ebony: "Tôi thật sự hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên, tôi có thể ôm cô ấy trước mặt mọi người và công khai giới thiệu cô ấy là vợ tôi".

Tòa án Tối cao cuối cùng cũng chấm dứt các cuộc tranh cãi và kết luận Luật chống hôn nhân khác chủng tộc của bang Virginia là không phù hợp với Hiến pháp nước Mỹ: "Hôn nhân là một trong những quyền công dân cơ bản của con người, cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta". Cuộc hôn nhân và sự đấu tranh của anh chị đã thay đổi cả lịch sử nước Mỹ. Gia đình Richard có thể đàng hoàng, thanh thản sống tại quê nhà yêu dấu. Chị Mildred luôn khắc khoải về cuộc hôn nhân của riêng mình cũng như cuộc hôn nhân của bao cặp đôi khác chủng tộc.

Chị tâm sự: "Tại sao luật pháp lại ngăn cấm các cuộc hôn nhân chỉ vì màu da khác nhau? Tại sao họ lại muốn chia lìa những tình yêu không biên giới? Tại sao? Chẳng lẽ tình yêu giữa những người khác màu da là điều đáng xấu hổ đến vậy, sẽ mãi mãi bị luật pháp, xã hội gạt bỏ?". Vợ chồng anh chị Richard vẫn chưa thực sự hạnh phúc khi cuộc đời này vẫn còn bao tình yêu bị ngăn cấm giống mình trước đây. Hai người vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm sự công bằng cho tình yêu đích thực khiến những phiên tòa được mở ra với các cuộc tranh cãi nảy lửa.

Richard đã tâm sự và kể lại chi tiết mọi việc trong một bộ phim tài liệu được dựng về câu chuyện tình yêu của họ sau này. Sau phiên tòa thay đổi cả lịch sử hôn nhân của bang Virginia cũng như một số bang khác của nước Mỹ, cả hai cùng ba đứa con yêu quí của họ đã có thể đàng hoàng quay trở về quê hương Virginia và sống hạnh phúc đến cuối đời. Còn bọn trẻ không hiểu cuộc đấu tranh mà cha mẹ chúng phải đối mặt nên chúng vẫn hạnh phúc sung sướng khi chơi trên cánh đồng gần nhà hay chia sẻ bí mật với cha mẹ trên ghế sofa. Nhìn khuôn mặt trẻ thơ tràn đầy niềm vui, hai vợ chồng họ cuối cùng cũng có thể nở được nụ cười hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc sống vẫn không công bằng với họ khi bắt họ rời xa nhau sau 8 năm được hưởng hạnh phúc của sự tự do trước thay đổi quá lớn của lịch sử. Năm 1975, Richard không may qua đời ở tuổi 41 trong một tai nạn xe ô tô. Năm 2007, 32 năm sau khi chồng qua đời, Mildred đã một mình vượt qua những năm còn lại, tiếp tục quá trình ủng hộ hôn nhân đồng giới. Mildred nói: "Tôi không phải con người của chính trị nhưng tôi tự hào chúng tôi có thể đóng góp một phần vào việc củng cố tình yêu, sự công bằng mà rất nhiều người, dù da đen hay trắng, dù già hay trẻ, dù là người đồng tính hay người không đồng tính đang tìm kiếm trong cuộc đời. Tôi ủng hộ quyền tự do kết hôn cho tất cả mọi người". Năm 2008, Meldred qua đời ở tuổi 61 vì căn bệnh viêm phổi.

Bây giờ, Richard và Meldred vẫn sống mãi trong lòng nước Mỹ vì họ là biểu tượng của sự tự do, tình yêu và hôn nhân. Câu chuyện của họ từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu "The Loving Story" (Câu chuyện của nhà Loving) do nhà làm phim Nancy Buirski của HBO thực hiện. Bộ phim đã được hàng triệu khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Luật về quyền bầu cử tại Mỹ được xem xét lại

Gần đây, một số bang tại Mỹ, chủ yếu là ở miền nam nước Mỹ cho rằng, chính quyền ở bang mình đã không còn tình trạng phân biệt đối xử và không cần phải được Washington giám sát chặt chẽ như trước nữa. Các bang này đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao đề nghị xem xét lại tính hợp hiến của Luật về quyền bầu cử, mang lại công bằng cho xã hội, xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt chủng tộc đáng bị lên án.

Bởi vậy, Tòa án Tối cao Mỹ đã xem xét Luật về quyền bầu cử được đưa ra vào năm 1965 để quyết định về tính hợp hiến của đạo luật này. Để ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử trong bầu cử, đạo luật này yêu cầu một số bang khi thay đổi quy định bầu cử ở địa phương phải được sự phê chuẩn của chính quyền liên bang.

Cơ hội giao tiếp đa chủng tộc tăng cao

Ông Daniel Lichter, giáo sư Xã Hội học và Chính sách Xã hội tại trường Cornell University cho biết, ranh giới chủng tộc đã thay đổi đáng kể từ khi đạo luật chống kết hôn khác chủng tộc bị xóa bỏ. Thống kê cho thấy, có 40% những người Mỹ gốc Á kết hôn với người da trắng, số người da đen kết hôn với người Mỹ da trắng tăng gấp 3 lần so với năm 1980, đây là tín hiệu đáng mừng cho xã hội còn nạn phân biệt chủng tộc ngày nay. Ảnh hưởng của nền giáo dục nâng cao, giới trung lưu Mỹ da đen ngày tăng lên, và quân đội qui tụ nhiều sắc tộc khác nhau đã tạo nên cơ hội giao tiếp đa chủng tộc.

Gia Hân (Theo Daily Mail)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.