Quá khứ lầm lỗi
Phạm Văn Trắng có một tuổi thơ dữ dội khi phải bươn chải nhiều. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trắng phải nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ và chăm sóc các em nhỏ. Lớn lên chút ít, Trắng đi ra cảng Hải Phòng để bốc vác thuê kiếm thu nhập gửi về cho gia đình. Đến năm 1974, Trắng trở về và tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau ngày xuất ngũ, Trắng tham gia vào lớp trung cấp Hàng hải sau đó trở thành một thủy thủ của cục Vận tải đường biển, bước đầu thực hiện được ước mơ của mình. Tiền lương kiếm được, Trắng không dám tiêu pha mà cố gắng dành dụm gửi về nuôi các em ăn học.
Gia đình, người thân và bạn bè rất tự hào về Trắng. Tuy nhiên, ước mơ của Trắng đành khép lại khi Trắng ra tay giết hại chị dâu của mình. Vào tháng 7/1980, trong một lần trở về thăm nhà, Trắng nghe người trong xóm bàn tán về chị dâu đối xử tệ bạc với bố mẹ mình. Chưa kịp tìm hiểu đúng sai, Trắng đã dùng hung khí giết chết chị dâu, cho vào bao tải bỏ thêm ít đá đưa xác nạn nhân lên tàu sau đó đem đi thủ tiêu. Trong phút chốc, Trắng trở thành tên giết người. Sau khi gây án, quá sợ hãi, Trắng không trở về nhà mà tiếp tục đi lái tàu mấy tháng liền không về thăm nhà.
Vợ chồng anh Trắng quây quần bên nhau.
Trong lúc đó, mọi người trong gia đình đều cuống cuồng đi tìm chị dâu của Trắng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày không tìm thấy con dâu, bố mẹ Trắng đã báo lên cơ quan chức năng. Ban đầu, rất khó để tìm ra dấu vết bởi vụ án mạng không hề để lại dấu tích gì. Nhưng sau 3 tháng vào cuộc, bằng các nghiệp vụ của mình, các trinh sát công an Hải Phòng đã triệu tập Phạm Văn Trắng về trụ sở để làm việc. Biết không thể trốn thoát được, Trắng đã về tự thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình.
Cuối năm 1980, Trắng bị TAND TP.Hải Phòng tuyên phạt với mức án chung thân. Kể từ đó, ước mơ trở thành một thủy thủ giỏi đã bị dập tắt, thay vào đó, Trắng phải trả giá bằng những ngày tháng tù tội. Phạm Văn Trắng được đưa đi cải tạo tại trại giam Hòa Bồ (Quảng Ninh) 1 năm rồi chuyển vào trại giam số 3 (bộ Công an) đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho đến ngày được giảm án và mãn hạn tù.
Duyên phận hiếm có
Tình chồng nghĩa vợ Do ảnh hưởng của chất độc da cam hồi còn tham gia thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường Lào, nên sau khi nghỉ hưu, chị Nhật bị tai biến mạch máu não. Khi biết vợ mình lâm bệnh, sức khỏe yếu đi, anh Trắng lại thay vợ làm mọi việc. Anh cần mẫn sắc thuốc cho vợ uống, nghe ở nơi nào có cách chữa bệnh tốt anh liền đưa vợ đến đó để điều trị. Chính từ tình cảm chân thật ấy, hai đứa con riêng của chị Nhật thương yêu anh Trắng như cha ruột của mình vậy. |
Biết mình khó có thể làm lại cuộc đời nhưng Trắng vẫn quyết tâm cải tạo tốt với hy vọng có thể trở về phụng dưỡng bố mẹ. Thời gian qua đi, nhờ chấp hành tốt các nội quy, hoàn thành xuất sắc công việc được giao nên Trắng được cán bộ trại giam rất tin tưởng. Khát vọng hoàn lương khiến Trắng không ngừng nỗ lực phấn đấu. Từ một phạm nhân có án tù chung thân, Trắng được giảm án xuống còn 20 năm, rồi xuống 17 năm.
Vì ý thức tự giác tốt, Trắng được cán bộ cho ra ngoài làm kinh tế theo kế hoạch của trại giam. Trắng được đào tạo làm nghề thợ mộc. Vốn thông minh lại chịu khó học hỏi chẳng mấy chốc Trắng trở thành một tay nghề xuất sắc. Sau khi thành thạo công việc, Trắng còn tận tụy dạy cho các bạn tù nên được cán bộ yêu mến. Trong những lần ra ngoài lao động tự giác, tình cờ Trắng quen được cô giáo Nguyễn Thị Nhật, giáo viên dạy cấp 1.
Vì ăn nói có duyên, nét mặt và ngoại hình ưa nhìn nên Trắng đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của cô giáo Nhật. Không để ý đến thân phận tù giam, chị Nhật đã yêu anh Trắng từ lúc nào không hay. Trắng cũng vậy, hàng ngày được gặp, được nói chuyện với chị Nhật như một thói quen, một niềm vui không thể thiếu. Quen nhau được 4 năm, tình cảm của hai người trở nên thắm thiết.
Mặc dù chưa mãn hạn tù, thế nhưng hai người đã ăn trái cấm tình yêu. Vì yêu và tin tưởng anh Trắng nên cô giáo Nhật đã quyết định sinh cho anh một đứa con. Cuối năm 1995, bé gái ra đời trong niềm hạnh phúc của cặp uyên ương nhưng kèm theo nó là những lời đàm tiếu, dị nghị thậm chí là khinh ghét của nhiều người.
"Lúc biết tôi có bầu, bố mẹ tôi nhất quyết phản đối bắt đi bỏ cái thai nhưng tôi không chịu. Những bức thư anh gửi từ trong tù đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh. Nhưng đến khi sinh cháu bé đáng yêu, bố mẹ tôi cũng phần nào nguôi ngoai cơn giận và dần chấp nhận”, chị Nhật nhớ lại.
Trắng biết mình lên chức bố, vừa mừng nhưng anh lại vừa lo cho chị Nhật. Mỗi lần ra ngoài, anh Trắng đều tranh thủ thời gian ít ỏi để ghé thăm vợ con. Sau một thời gian, Trắng đem chuyện báo cáo với cán bộ trại giam. “Lúc đó, tôi cũng đắn đo suy nghĩ, sợ cán bộ sẽ tăng thêm hình phạt. Nhưng cũng không thể giấu kín, tôi đã mạnh dạn trình bày với cán bộ. Không như tôi nghĩ, các cán bộ ủng hộ và động viên tôi cố gắng cải tạo tốt để nhanh chóng về đoàn tụ với vợ con và làm lại cuộc đời”, anh Trắng kể lại giây phút khó tin đó.
Anh Trắng chăm chút đàn bò của mình.
Làm lại cuộc đời
Vào tù lúc 22 tuổi, khi ra trại đã 39 tuổi, tuy hơi muộn nhưng Trắng đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Trắng quyết định làm rể trên chính mảnh đất duyên nợ này. Khi ra tù, Trắng tìm gặp ngay mẹ con chị Nhật. Họ đoàn tụ trong niềm hạnh phúc khôn tả. Nhìn khuôn mặt của đứa con gái giống y hệt mình, Trắng lại càng vui sướng. Sau khi thăm vợ con xong, anh quyết định về Hải Phòng để báo cáo với gia đình.
"Khi đó, bố mẹ tôi lo lắm. Họ sợ anh Trắng về quê sẽ không vào Nghệ An nữa. Giống như một canh bạc của cuộc đời bởi nếu anh Trắng không quay trở lại không biết mẹ con tôi sẽ sống như thế nào nữa. Nhưng đúng một tuần sau, anh đưa bố mẹ vào hỏi cưới. Tôi thật sự rất hạnh phúc”, chị Nhật kể lại.
Tháng giêng năm đó, anh Trắng và chị Nhật tổ chức một đám cưới giản dị với sự chúc phúc của hai bên nội ngoại. Với ân nghĩa của gia đình cô giáo Nhật, anh Trắng đã quyết định ở lại quê vợ để làm lại cuộc đời.
Ngày mới đến với nhau, mặc dù chị Nhật đang nuôi hai con riêng còn nhỏ nhưng anh Trắng vẫn luôn yêu thương như chính con đẻ của mình. “Lúc mới về, tôi cũng thấy mặc cảm và tự ti với mấy đứa con. Sợ con sẽ không chấp nhận một người cha vô tù ra tội như mình. Nhưng dần chúng cũng hiểu và chấp nhận người cha này. Tôi vui lắm!”, anh Trắng phấn khởi nói.
Khi vừa bắt đầu cuộc sống gia đình, vợ chồng anh Trắng gặp rất nhiều khó khăn. Để vượt qua hoàn cảnh đó, với nghề mộc đã được học thời còn ở trại, anh Trắng dốc hết vốn liếng, mở một xưởng mộc nhỏ ngay tại nhà mình. Hằng ngày, cô giáo Nhật vẫn đến trường làng, còn ở nhà, Trắng lại hì hục đục đẽo, đóng giường, tủ, bàn ghế... để kiếm thêm thu nhập.
Bây giờ, anh Trắng mắt không còn tinh để tiếp tục công việc ở xưởng mộc nữa. Anh bỏ nghề mộc sang chăn nuôi bò, làm đồng ruộng vừa để chăm sóc vợ vừa đảm bảo sức khỏe. Có một gia đình như vậy, đối với anh Trắng là hạnh phúc lắm rồi.
Hà Hằng – Kim Thoa