Hồi ấy, việc một cô gái Nhật được bố mẹ cho phép lấy chồng người nước ngoài là một việc rất hiếm, nhất là người ấy lại là người "An-nam-mít" nữa. Người Nhật biết đến An Nam rất ít, có chăng chỉ là một nước từng là thuộc địa của mình, thái độ cũng ít nhiều có sự kì thị. Khi hai người đến với nhau, gặp không ít cản trở, khó khăn từ phía gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí cả chính quyền. Tuy nhiên, chàng trai Việt lại được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía nhạc mẫu.
Về sau, khi đã thành vợ chồng, có cơ hội gần gia đình vợ hơn, chàng trai trẻ Lương Định Của đã dần nhận được sự cảm mến của cả những người có thành kiến nhất. Ông yêu quý và kính trọng mẹ vợ (bố bà Nobuko mất sớm từ trước), có của ngon vật lạ gì, mẹ vợ ông cũng để dành cho con rể. Ngược lại, đi làm có lương thưởng gì, ông cũng dành một khoản để mua quà biếu bà. Mẹ ruột mất từ khi mới hơn 10 tuổi nên ông coi mẹ vợ như mẹ ruột của mình, có lẽ vì vậy mà trong suốt bao nhiêu năm sống ở Nhật cũng như về sau, vợ chồng ông luôn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ cụ.
Vợ chồng "bác Của" với hạnh phúc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ
Năm 1945, khi ông vừa tốt nghiệp trường đại học quốc lập Kyushu cũng là lúc hai người thành thân. Đây cũng là thời điểm lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời. Bà nghe ông nói nhiều về Hồ Chủ Tịch, về ước mong được trở về và cống hiến. Dần dần, bà cũng bị lây tình yêu của ông với đất nước của lũy tre xanh, nơi bản thân chưa một lần được đặt chân tới.
Theo chồng về Việt Nam, bà Nobuko buộc phải học lại tất cả những lễ nghi, phong tục của người Việt. Cuộc sống cũng khó khăn hơn rất nhiều, vợ chồng con cái phải sống trong một căn nhà rất nhỏ. Bà đảm nhiệm công việc trợ lý riêng của ông trong công tác chọn giống, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cao.
Phụ nữ Nhật được tiếng khéo chiều chồng, bà Nobuko không biết mình có khéo hay không nhưng bà biết luôn được chồng yêu thương và trân trọng, các con lớn lên trong khốn khó nhưng vẫn giữ được nếp học, gia phong.
Những ngày bà được mời về làm phát thanh viên tiếng Nhật của đài Tiếng nói Việt Nam, vợ chồng nhiều lúc phải xa nhau. Cứ đầu tuần bà lại đạp xe lên Hà Nội, cuối tuần trở về Hải Dương, mãi về sau khi cuộc sống ổn định dần thì việc đi về mới đỡ hơn nhiều. Tính ông "khảnh" trong việc ăn uống nên đi đâu cũng chỉ mong về ăn một bữa cơm gia đình.
Ngày ông mất vì tắc động mạch cũng là lúc bà đang mang thai cô con gái út trở thành một cú sốc lớn với cả gia đình. Không những thế, bởi vì quá yêu mến "nhà khoa học của nông dân này" mà nhiều giả thuyết sai lệch về cái chết của ông cũng được đưa ra.
Các cuộc điều tra mất một thời gian cũng lắng lại nhưng sự tiếc nuối với người dân thì vẫn còn mãi. Có người còn thốt lên: "Nếu tôi có thể chết thay ông ấy, tôi cũng đành. Ông ấy mất đi rồi thì lấy ai tiếp tục tạo nên những giống cây tốt cho bà con tụi tôi". Nghe những lời đó người ta lại càng thấy thấm thía và chua xót.
Hiện bà Nobuko vẫn sống ở TP.HCM cùng con gái, bà vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Nhật Bản, cả hai đều là quê hương yêu dấu của bà. Sống lâu ở đất Việt, bà đã "bị Việt hóa" tới mức khó có thể phân biệt được cũng bởi tình yêu lớn với quê hương của chồng.
Bà cũng đang ấp ủ cho ra mắt cuốn hồi kí về cuộc sống hai vợ chồng trong những ngày gian nan, vất vả. Cuốn sách là những hình ảnh chân thực nhất mà bà luôn ghi nhớ về người chồng của mình, phần nào khắc họa được bức chân dung nhà bác học nông dân một cách gần gũi nhất.
Đỗ Huệ