Ông là con cả của Trần Lý, anh ruột của Trần Tự Khánh và Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, cha của vua Trần Thái Tông.
Trần Thừa lớn lên khi triều Lý đã vào hồi mạt vận. Khi Lý Huệ
Tông qua đời, truyền ngôi cho con gái nhỏ là Lý Chiêu Hoàng, Thái sư Trần Thủ Độ lúc ấy nắm giữ hầu hết quyền bính trong tay. Độ mới nghĩ ngay đến việc truyền ngôi cho Trần Cảnh, con trai thứ của Trần Thừa, bèn thưa với Trần Thừa việc ấy, Thừa ban đầu còn nghi ngại: "Chúng ta với Thái hậu và Chiêu Hoàng là chỗ họ ngoại chí thân, nay làm cái việc tranh đoạt ấy tôi e chẳng khỏi mang tiếng với hậu thế". Tuy nhiên, thấy Thủ Độ kiên quyết, Thừa cũng đồng ý theo: "Mọi việc tuỳ ý chú định liệu, làm sao cho thành sự thì làm. Hoá nhà làm nước hay đến phải diệt tộc cũng ở một chuyện này đó".
Dù bao biện thế nào, Trần Thừa cũng phải chịu trách nhiệm.
Cuối năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi vua khi mới chỉ 8 tuổi, mở đầu cho triều đại nhà Trần. Trần Thừa trở thành nhiếp chính cho con trai mình. Tháng 10 năm 1226, ông được tôn làm Thái thượng hoàng. Lúc Cảnh mới lên ngôi, nhiều loạn đảng mượn cớ "phù Lý chống Trần" nhũng nhiễu ở khắp nơi, Trần Thủ Độ mải dẹp loạn mới trông cậy ở Trần Thừa do việc giúp Thái Tông điều khiển việc triều đình để rảnh tay thanh trừng các đảng loạn. Không đầy một năm, Thủ Độ đã vừa đánh dẹp vừa thu phục được các đảng giặc để trở lại nắm triều chính. Thượng hoàng Trần Thừa yên vị có người tài năng hơn mình trông coi việc nước, mặc sức lao vào thú săn bắn. Cũng chính vì vậy mới có câu chuyện trái ngang giữa vị Thái thượng hoàng triều Trần với cô gái đẹp đất Cổ Pháp, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Chuyện là sáng hôm ấy, Trần Thừa cùng lính tuỳ tùng về châu Cổ Pháp để săn chim. Xế chiều, Trần Thừa bắn trúng một con bạch trĩ. Mũi tên không trúng vào chỗ hiểm nên bạch trĩ vẫn đủ sức sà xuống bay chuyền từng đoạn. Trần Thừa phi ngựa đuổi mãi đến nỗi đám lính tuỳ tùng bị lạc. Đến khu rừng quang, không thấy bóng chim nữa, thấy vọng định quay về thì ở một đồi sắn gần đó có một cô thôn nữ khoẻ mạnh, xinh đẹp đang vừa làm vừa hát. Trần Thừa tìm đến, khi thấy Trần Thừa, cô gái sợ hãi, luống cuống về sự ăn mặc trễ tràng của mình. Sự e lệ càng khiến cô gái thêm vẻ quyến rũ. Cô biết Trần Thừa là người quyền quý. Niềm tin vào người quyền quý khiến cô gái không lấy làm lo lắng sợ hãi, vị Thái thượng hoàng đắm đuối cô gái, hỏi thăm gia cảnh cô. Cô tên là Tần, cha mất sớm, chỉ còn mẹ già. Khi Trần Thừa thổ lộ tình yêu nồng nàn của mình, cô gái phần vì khiếp nhược chỉ e lệ mà không dám chối từ. Chiều ấy đám lính tuỳ tùng không tìm thấy chủ, bởi vì Trần Thừa đã về nhà Tần, ép cô gái phải chiều chuộng mình. Trong nhà chỉ có mẹ già và cô con gái, phần vì khiếp đảm trước Thừa, phần thân cô thế cô, Tần không thể chống cự lại được. Sáng hôm sau, Trần Thừa dậy sớm rồi lên ngựa trở về, cô gái sợ hãi chạy theo khóc như mưa, nói về trách nhiệm của Thừa. Thừa thề thốt sẽ quay lại tìm cô, sẽ có trách nhiệm với cuộc đời cô, thậm chí còn dùng kiếm cắt một vạt áo tía đang mặc đưa cho cô…
Về đến kinh sư, vị Thái thượng hoàng nhanh chóng quên bẵng câu chuyện ở khu rừng vắng. Còn Tần, điều cô lo sợ đã xảy ra, cô có mang và 9 tháng sau sinh ra một bé trai bụ bẫm. Không chồng mà có chửa, cô phải chịu búa rìu dư luận hết sức hà khắc, lầm lũi đi làm thuê cuốc mướn để nuôi đứa trẻ nên người. Vì biết con thuộc tôn thất nhà Trần nên cô đặt tên con là Trần Bà Liệt. Cũng biết là Trần Thừa đã quên mình nên cô không về kinh sư tìm người đã bỏ rơi trách nhiệm với mẹ con cô.
Bà Liệt lớn lên khỏe mạnh, theo học một lò vật và nhanh chóng trở nên không có đối thủ. Năm ấy kinh sư có giải vật lớn nhằm tuyển chọn nhân tài ra giúp nước. Vua Thái Tông và Thượng hoàng đều đích thân đến xem. Đô Liệt cũng về dự, sau cả tuần thi vật đô Trâu (khoẻ như trâu) đã lần lượt hạ hết các đối thủ. Đô Liệt xin vào tỉ thí. Ngay từ đầu, đô Trâu đã phải gờm sức khoẻ của đô Liệt. Trống thúc dồn dập, keo vật sôi động. Bỗng sau miếng đánh trượt, đô Liệt bị đô Trâu dùng miếng hiểm vít được cổ xuống, mong giết chết địch thủ đáng gờm. Trong cơn vật lộn điên cuồng để thoát khỏi chết ngạt, chiếc khăn trên đầu đô Liệt tung ra. Một vạt áo tía rất lạ nằm trên thảm cỏ bê bết đất. Thái thượng hoàng Trần Thừa đã nhận ra vạt áo ấy. Ông hạ lệnh ngừng ngay keo vật, quên hẳn địa vị của mình đến ôm lấy Liệt, đứa con mà ông đã phũ phàng bỏ rơi mẹ nó. Trần Bà Liệt được giữ lại kinh sư và được công nhận là con của Thượng hoàng.
"Cuộc tình một đêm" của Trần Thừa đã để lại hậu quả cho cô thôn nữ là một đứa con rơi tên Trần Bà Liệt - Tranh minh họa.
Luật nay: Đủ yếu tố thì có thể khởi tố Trần Thừa về tội cưỡng dâm
Là một trong số hiếm hoi những vị Thái thượng hoàng được phong lúc còn sống mà chưa một ngày làm vua, Trần Thừa là cái tên được sử sách nhắc đến khá nhiều. Tuy chưa một ngày làm vua nhưng ông cũng đã nhiều năm lo giúp việc triều chính giúp con trai mình là Thái Tông Trần Cảnh. Nhưng có lẽ, ở vị Thái thượng hoàng này, cái chất đa tình của những con người sống quanh vùng sông nước của tông thốc nhà Trần đã ăn sâu vào máu. Bỏ bên ngoài thân địa vị và quyền tước có thể thâu tóm thiên hạ, ông chỉ lo việc rong ruổi và tận hưởng vẻ đẹp của quê hương, đất nước, sống một cuộc sống nhàn hạ, ngao du khắp nơi. Cũng có lẽ vì vậy mà trong cuộc đời thong dong về sau của mình, ông đã gặp không ít những mỹ nữ, những cuộc tình rơi rớt trên đường phong lưu của mình.
Câu chuyện về nàng thôn nữ tên Tần có lẽ cũng chỉ là một trong số ít những mảnh phong lưu vắt ngang đời ông. Tuy nhiên, chuyện sẽ không được nhắc tới, tên tuổi của Tần cũng sẽ chẳng được ghi lại với hậu thế nếu như cuộc phong lưu của ông với nàng không để lại "hậu quả" có tên Trần Bà Liệt. Đấy là nói một cách thi vị, giảm bớt, nói tránh đi nhưng nếu nhìn vào sự thật của vấn đề thì câu chuyện sẽ không còn được như vậy. Rõ ràng, ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tuy bị hại (Tần) không tố giác (nói cách khác vì biết Trần Thừa đã quên chuyện, phần vì tủi hổ mà không dám đến tìm đòi chịu trách nhiệm) nhưng trong đêm xảy ra "chuyện tình" ấy, Trần Thừa đã ép Tần phải quan hệ với mình, bất chấp sự phản đối của cô.
Ngay từ đầu, Trần Thừa đã thể hiện tình cảm của mình với cô thôn nữ trong rừng, nhưng vì thấy uy quyền của Trần Thừa mà cô khiếp sợ không dám chối từ. Sau nữa, khi Trần Thừa bỏ lại đám quân sĩ, theo cô về tận nhà, Trần Thừa biết rõ cô chỉ có hai mẹ con ở với nhau, cha đã chết, mẹ cô gái thì già. Nếu ông có ý định nghiêm túc với cô, hẳn phải có chuyện thưa gửi với mẫu thân của cô rồi tính đến chuyện cưới hỏi.
Thời bấy giờ, một người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nên chuyện đưa cô về dinh cơ của mình là việc nằm trong khả năng của Trần Thừa. Ép Tần phải quan hệ với mình, phải phục vụ mình trong đêm mặc sự chống đối của cô rõ ràng là hành vi cưỡng ép. Không biết Trần Thừa có xem cô cũng như những mảnh tình rơi rớt của mình hay không vì thực hư thế nào chỉ có mình ông biết. Chỉ có cô gái khốn khổ là người phải chịu hậu quả. Mang tiếng chửa hoang, bị đời dè bỉu, xa lánh rồi lại phải nuôi con một mình. Đứng trên góc độ đạo đức xã hội dù là xưa hay nay thì cũng không thể chấp nhận được.
Xét về luật, nếu áp dụng các tình tiết của câu chuyện này vào luật pháp hiện hành, hành vi của Trần Thừa sẽ bị xét vào tội cưỡng dâm, được quy định trong Điều 113 Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu, nhất là khi làm nạn nhân có thai thì có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định luật pháp thời nay, cô gái có thể kiện Trần Thừa ra tòa án để truy nhận cha cho con theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, để có cơ sở khởi kiện người đàn ông phong lưu trên, cô gái phải đưa con đi giám định ADN. Nếu kết quả giám định chứng minh Trần Thừa là cho Trần Bà Liệt thì ông này có trách nhiệm với đứa con rơi của mình. Cũng may là câu chuyện trên đã kết thúc có hậu, Bà Liệt có cha và Trần Thừa thì có thêm một người con trai.
Hón Thỵ