Nhiều du khách nước ngoài khi đến đây đã quay trở lại nhiều lần không chỉ vì vẻ đẹp của những con phố cổ mà bởi vẻ đẹp dịu dàng mộc mạc của những cô gái Hội An. Họ coi thành phố nhỏ này như là quê hương thứ hai và chính tại nơi này đã cho họ gặp được những người vợ hết mực yêu thương chồng con. Những mối tình xuyên biên giới như trong truyện cổ tích ở phố Hội không hề hiếm.
Từ quá khứ không bình yên
Chúng tôi gặp bà Đỗ Thị Tràng tại một quán ăn nhỏ ven đường Ngô Quyền (P.Minh An - TP.Hội An). Bà Tràng mới bước qua tuổi 50 (SN 1963), nhưng đã trải qua nhiều biến cố lớn của cuộc đời. Đôi mắt nghèn nghẹn những giọt nước mắt chỉ chờ để trào ra, bà kể lại cuộc đời đầy éo le trắc trở của mình. Bà kể rằng, bà sinh ra trong một gia đình đông anh em, nhà nghèo lại là con cả nên sớm phải vật lộn mưu sinh phụ giúp bố mẹ, kiếm tiền nuôi các em rau cháo qua ngày. Cô Tràng ngày ấy xinh đẹp nức tiếng khắp bến sông Hoài, được nhiều chàng trai để ý, nhưng cô lại "cảm nắng" rồi đồng ý kết duyên với chồng trước vì tính tình ông hiền lành chất phác, lại là người cùng quê (Cẩm Phô - TP.Hội An) khi còn rất trẻ.
Bà Đỗ Thị Tràng đang kể lại chuyện đời mình với PV
Vốn không được học hành đàng hoàng, hoàn cảnh hai bên gia đình cùng khó khăn, sau khi cưới nhau, hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề lái đò đưa khách đi tham quan phố cổ Hội An, trên dòng sông Hoài hiền hòa dạt dào sóng vỗ. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, nhưng bằng nghị lực đồng cam cộng khổ của cả hai, họ đã vượt qua được những ngày tháng gian khổ ấy. Ăn ở với nhau được hai mặt con (một trai một gái), tuy không giàu có về tiền bạc nhưng gia đình bà luôn ngập tiếng cười, bởi hai đứa con xinh đẹp ngoan ngoãn học giỏi hết sức yêu thương bố mẹ. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu khi bà phát hiện chồng mình ăn nằm và đã có con với người đàn bà khác. Lúc phát hiện ra sự thật phũ phàng ấy, bà cắn răng rơi lệ khi chồng bỏ đi theo người phụ nữ kia. Không chịu được sự đàm tiếu của làng trên xóm dưới, bà đã dẫn các con đi tha phương kiếm sống. Năm 2000, khi bước chân đã mỏi, bà dẫn các con về quê sinh sống.
Đến mối tình đẹp buổi hoàng hôn
Trở về quê với hai bàn tay trắng, một nách nuôi hai con nhỏ, người phụ nữ chỉ biết chèo đò ấy lại mải miết với cái nghiệp mưu sinh trên sông. Chính những chuyến đò đưa khách du lịch tham quan Hội An trên sông Hoài đã đưa bà gặp người chồng hiện nay. Trong một lần đưa du khách tham quan Hội An cuối năm 2000, người đàn ông Thụy Điển tên là Hakansson Kjell đã kết duyên và muốn về làm bạn tâm giao với bà, cho những năm tháng cuối cùng của cuộc đời của mình. Nghe bà Tràng kể lại, ngày đó ông xã vì thương người phụ nữ nhỏ bé dạn dày mưa nắng, lặn lội mưu sinh, nên ông đã chọn chiếc đò nhỏ bé của bà trong hàng trăm chiếc thuyền máy đang chào đón du khách bên bờ sông Hoài thơ mộng. Trời đổ mưa tầm tã, bà trao cho ông chiếc áo mưa duy nhất trên thuyền. Cái hành động dứt khoát ấy đã ngay lập tức hạ gục "gã khổng lồ ngoại quốc" giữa lòng phố cổ.
Bà Tràng rưng rưng khi xem lại những bức ảnh kỷ niệm của hai vợ chồng
Sau cái lần đầu gặp gỡ ấy là những ngày tháng ông bên trời Tây cách xa hàng nghìn cây số. Suốt hai năm dài xa cách ấy là những cuộc điện thoại hỏi thăm, những cánh thư của ông từ bên trời xa. Mối tình đẹp như trong phim bắt đầu nảy nở trong lòng hai người. Đầu năm 2002, người đàn ông ngoại quốc ấy đã không quản ngại xa xôi, lặn lội từ Thụy Điển sang Hội An để che chở, chăm sóc cho người phụ nữ từng chịu nhiều thiệt thòi.
Trong một không gian xanh ngắt yên tĩnh bên bờ sông Hoài, người phụ nữ ấy bồi hồi kể lại: "Ngày ấy, tôi nghĩ chẳng bao giờ lấy ông xã mình bây giờ đâu, ông ấy là dân tri thức, lại ở một đất nước văn minh tít bên trời Tây, còn mình là dân lao động, học hành không đàng hoàng ở cái xóm nghèo. Nhưng hai mảnh cuộc đời kẻ mất vợ, người hạnh phúc tan vỡ đã chung vai tựa vào nhau, vượt qua mọi rào cản xã hội để tạo dựng hạnh phúc lúc tuổi già".
Ông cầu hôn bà vào cuối năm 2002. Nhận được sự đồng ý của bà, ông quyết tâm ở lại định cư tại mảnh đất quê hương vợ, tuy xa lạ nhưng con người nơi đây lại rất hiền hòa mến khách. Đám cưới bình dị ấy diễn ra như bao đám cưới khác, nhưng nó đượm nồng hạnh phúc bởi cõi lòng lạnh giá đã lâu nay của hai người được sưởi ấm. Không những hết lòng yêu thương vợ, ông còn một lòng chăm sóc lo lắng cho các con riêng của vợ như con ruột của mình. Đáp lại tình cảm chân thành từ phía cha dượng, các con bà cũng yêu thương ông hết mực.
"Ngày ấy, lúc tôi và ông xã đến với nhau cũng có nhiều lời ong tiếng ve dị nghị rằng mình chỉ lấy ông ấy vì tiền, chứ yêu thương gì", bà Tràng trầm tư kể lại những điều mà hàng xóm rỉ tai nhau ngày bà và ông xã mới bén duyên. Thế rồi, bằng những ngày tháng sống bên nhau hạnh phúc, những cử chỉ yêu thương quan tâm nhau của đôi vợ chồng già, đã dập tắt những cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người về mối tình kỳ lạ này.
Thế nhưng, chuỗi tháng ngày hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu, khi ông Hakansson biết mình gặp phải bạo bệnh. Trước tình yêu lớn lao của vợ, tình người nơi xứ Quảng, ông đã tự coi Hội An là nhà, Việt Nam là quê hương thứ hai. Ông quyết định sẽ sống những tháng ngày cuối đời tại đây, chứ không trở về quê hương, bởi ông muốn được ra đi trong vòng bàn tay yêu thương của vợ.
Bảy năm chồng nằm viện là bảy năm bà khăn gói quả mướp theo chồng khắp các bệnh viện mong tìm ra phương thuốc nhằm kéo dài sự sống cho ông. Ông nằm viện điều trị, bà chăm lo từng miếng ăn, viên thuốc. Ròng rã chữa bệnh suốt mấy năm trời khiến số tiền trợ cấp cho ông trở nên ít ỏi so với số tiền viện phí thuốc thang điều trị. Bà đã phải bán căn nhà duy nhất là nơi gia đình tụ họp. Bà bảo, trong những ngày chồng nằm điều trị tại bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, do ông là người nước ngoài nên rất tốn kém.
Nhà không còn tiền, bà đã từng đi làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn khắp khu vực biển Xuân Thiều (Đà Nẵng) để có tiền lo thuốc men cho ông. Những ngày gian khổ ấy, bà từng phải đi xin cơm của bệnh viện về nấu cháo vắt nước cho chồng, vì ông quá yếu không ăn được. Sự gian khổ hi sinh của người phụ nữ lấy chồng Tây khiến ai nghe cũng phải ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật.
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, ông Hakansson Kjell đã gọi bà đến bên thì thầm muốn được chôn cất tại Việt Nam theo phong tục của một người Việt. Những giây phút cuối đời ấy, ông cũng đã bập bẹ được hai từ tiếng Việt duy nhất: "Vợ tốt". Để rồi khi gần từ giã cõi đời, ông coi đây là quê hương và không muốn rời xa xứ sở này. Cái kết câu chuyện tình xuyên biên giới này tuy không trọn vẹn nhưng khẳng định rằng, tình yêu có thể xóa nhòa mọi khoảng cách trên quả địa cầu này, chỉ cần họ yêu thương nhau bằng cả trái tim mình.
Nguyễn Cường