Chuyện tình "vượt bão"
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng, 34 tuổi, ngụ huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị (tạm trú quận Tân Phú, TP.HCM) vào một buổi chiều nắng gió đầu tháng 6. Thật bất ngờ khi chúng tôi hỏi thăm về nơi ở của chị thì dường như ai cũng biết, vui vẻ chỉ đường và không quên nói thêm rằng: "...Có phải nhà cô Hồng có anh chồng đẹp trai không, nhà cô ấy ở trong dãy phòng trọ kia kìa, cô ấy đi suốt ngày, gặp khó lắm". Sau khi hỏi ra chúng tôi mới biết, thì ra chị Hồng có một người chồng cao to khỏe mạnh và khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, đẹp trai và rất dễ hòa đồng.
Điều người ta vẫn thắc mắc là tại sao chị Hồng vừa ngồi xe lăn đi bán vé số, gia đình lại ở quê, không giàu có gì mà lại lấy được ông chồng đẹp trai, chăm chỉ làm ăn và có đứa con kháu khỉnh, nhìn rất sáng sủa và thông minh. Tất cả chị chỉ nói ngắn gọn là do được ... trời ban tặng.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Gia đình cùng xem chị tập luyện.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ chật hẹp khoảng 10m2, chị Hồng tâm sự: Năm lên 4 tuổi, vì không chịu nổi một cơn sốt kéo dài nên hai chân chị bị co giật và teo tóp dần. Lớn lên chị không được như bạn bè cùng trang lứa được tung tăng nhảy múa cắp sách đến trường. Ngược lại chị phải tự đi xe lăn đi học, trong nỗi mặc cảm tự ti với thầy cô và bạn bè. Học hết cấp 2, chị cảm thấy gia đình khó khăn nên xin nghỉ học đi bán nước ven đường để có thêm tiền phụ ba mẹ trang trải cuộc sống.
Năm 18 tuổi, tình cờ chị Hồng được cán bộ xã cử đi thi vận động viên đua xe lăn do huyện Hải Lăng tổ chức. Bất ngờ lần đó chị đoạt giải vô địch đua xe lăn. Một tháng sau chị giành giải vô địch vận động viên đua xe lăn của tỉnh Quảng Trị. Năm 2003, chị đạt huy chương Vàng vận động viên đua xe lăn, huy chương Bạc môn cử tạ nhân dịp Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc tại Hà Nội. Và cứ như thế chị được biết đến như nhà vô địch về thể thao.
Suốt những năm ở quê, chị đem lòng thương yêu người thanh niên tên Nguyễn Trần Vũ, năm nay 35 tuổi, nhà anh chỉ cách nhà chị 3 căn nhà. Anh có dáng người cao to, khuôn mặt điển trai, lại là một thợ rừng giỏi. Chuyện tình của anh chị dường như càng gặp khó khăn hơn khi hai gia đình cực lực phản đối. Phía gia đình anh Vũ thì cho rằng, anh là người bình thường có nhiều cô gái để thương yêu và cưới làm vợ, tại sao đi yêu thương một người khuyết tật thì cuộc sống thêm khó khăn. Bên gia đình chị Hồng cũng khuyên con mình rằng, phải biết hoàn cảnh của mình, nếu có lựa chọn bạn trai cũng chọn những người cùng cảnh với mình mới có thể sống với nhau lâu dài được. Đáng nói đã nhiều lần vì mặc cảm với số phận, chị Hồng từ chối tình cảm của anh Vũ, nhưng anh không đồng ý.
Khi tình thế căng thẳng, anh Vũ rủ chị Hồng bỏ nhà vào miền Nam lập nghiệp. Chị đắn đo suy nghĩ và nhất định không đi. Anh Vũ đã thuyết phục chị hết cách, anh giải thích cho chị hiểu: "Tình yêu là cái duyên cái số, mình có không muốn nhưng ông trời đã se duyên thì không thể từ chối và anh sẽ không bao giờ ra đi nếu không có em". Cảm động trước tình cảm của anh, chị Hồng cũng liều mình cuốn gói đi tìm phương trời hạnh phúc của mình vào năm 2004.
Vợ chồng chị Hồng hạnh phúc bên nhau.
Chỉ một lần bật khóc...
Vào TP.HCM, anh chị phải làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống như công nhân may quần áo, bán vé số, thợ cơ khí... Hai người ở cùng nhau trong căn phòng trọ chật hẹp. Năm 2007, hạnh phúc như vỡ òa khi anh chị sinh được bé trai kháu khỉnh nặng 3,2 kg. Chị Hồng kể: "Chỉ cần nhìn khuôn mặt hồng hào, miệng chúm chím của con là tôi đã thấy vui rồi, chúng tôi vẫn biết rằng cuộc sống sẽ khó khăn nhưng tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng sống thật tốt để mai này các con học theo. Khi chúng tôi tự nuôi con và bây giờ đứa con trai tôi đã 6 tuổi, hai bên gia đình cảm thấy rất vui, họ đã chấp nhận chúng tôi thành vợ chồng. Vào đất khách quê người, tôi phải lao vào cuộc sống mưu sinh, nên việc tiếp tục theo đuổi nghiệp vận động viên với tôi dường như trở nên xa xỉ. Ấy vậy mà, hình như cái nghiệp nó không bỏ tôi được".
Chị kể tiếp: "Vào năm 2010, huấn luyện viên, cũng là thầy của tôi ở Quảng Trị giới thiệu tôi tham gia Vận động viên khuyết tật TP.HCM. Tôi đi thi đoạt giải năm 2009 và kể từ đó, sự nghiệp thể thao của tôi như được hồi sinh trở lại. Ông xã động viên tôi nếu còn yêu nghề thì cứ theo đuổi. Tính đến nay tôi đã giành hàng chục giải huy chương Vàng thể thao.
Mới đây, tôi được giải huy chương Vàng giải thể thao người khuyết tật châu Á. Đoạt hạng 4 tại Paralympic năm 2012 được tổ chức tại thành phố Luân Đôn, nước Anh". Mong ước của chị là vào đầu tháng 7 tới, chị sẽ giành được giải thưởng cao quý dành cho vận động viên khuyết tật châu Á năm 2013 về môn cử tạ được tổ chức tại Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ đó chị phải vất vả tập luyện hằng ngày cùng huấn luyện viên của mình.
Chị chia sẻ: "Nghề này đòi hỏi người thi phải luyện tập thường xuyên, chăm chỉ và không bao giờ được bỏ cuộc. Mặc dù phải mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhưng tối nào tôi cũng đi xe lăn đến trung tâm tập luyện. Tôi ý thức được rằng, khi mình đại diện cho quốc gia để đi thi là phải chịu trách nhiệm trước cuộc thi. Lúc nào tôi cũng mong mình giành thắng lợi. Có nhiều lần cuộc sống của tôi lâm vào cảnh bế tắc tuyệt vọng, nhưng tôi chưa bao giờ khóc. Tuy nhiên tôi đã bật khóc khi một lần đi thi ở xứ người, bị người ta đánh tráo giải thưởng, lẽ ra tôi đã giành thắng lợi, nhưng do người ta không công bằng nên giải thưởng đó đã tuột khỏi tầm tay, tôi đã khóc ba ngày ba đêm, sau đó thì quyết tâm với lòng mình sẽ cố gắng hơn nữa".
Để có được những thành công như hôm nay, chị đã không ngừng cố gắng vươn lên và sống thật có ích để chứng tỏ rằng mình là người tàn nhưng không phế. Ở bất cứ nơi đâu, người có ích cũng sẽ được tôn trọng.
Trái ngọt và những suy tư
Cuối tháng 5 vừa qua, chị lại được sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM trao bằng khen công nhận chị là công dân đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Chị thấy vừa vui vừa tủi. Chị cười nói: Đôi khi mình thấy tự hào vì người đi xe lăn rong ruổi khắp các quận huyện thành phố bán vé số lại được trao bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước. Trong khi đó, tôi ra đường lại có nhiều người vẫn kỳ thị về người khuyết tật. Đơn giản, khi chiếc xe lăn của tôi bị bể bánh xe, tôi đưa đi vá nhưng hầu như những thợ sửa xe đều từ chối, họ cảm thấy rất khó chịu khi phải vá xe cho chúng tôi. Hình như họ sợ chúng tôi không trả tiền cho họ thì phải. Đôi lúc tôi cảm thấy buồn vì nhiều người xem thường những người khuyết tật như chúng tôi".
Nhiều người hỏi chị Hồng làm sao mà tán tỉnh được anh Vũ giỏi thế. Chị giải thích: “Câu hỏi này dường như quá quen thuộc với tôi, vì mình là phụ nữ chân yếu tay mềm, bản thân lại khuyết tật thì không thể tán tỉnh được ai. Trong tình yêu điều mà người ta quý trọng chính là tình cảm chân thành và sự thủy chung son sắt, biết cùng nhau vượt khó. Tôi thật may mắn khi được trời ban cho người chồng có sức khỏe để cùng tôi bước tiếp cuộc sống. Đặc biệt nhờ tình thương yêu từ chồng tôi đã có nghị lực vươn tới những giải thưởng cao quý trong nghề”.
Ái Minh