Những ngày tháng 8, trời đã sang thu. Trong căn phòng nhỏ, đôi vợ chồng già cụ ông gần 90 tuổi, cụ bà 86 tuổi lại thấy mình như trẻ lại. Họ sống lại thời khắc hào hùng, cả dân tộc đoàn kết thành một khối thống nhất, diễu hành, mít tinh giành chính quyền trên cả nước đánh dấu thời khắc lịch sử, Cách mạng Tháng 8 thành công. Câu chuyện của cụ ông Nguyễn Bá Lô và cụ bà Vũ Thị Châu với PV những ký ức miên man của một thời Máu và Hoa...
Hạnh phúc khi về già của hai cụ Châu- Lô (ảnh: Thành Long)
Tháng 8 về...
Nhiều người nhớ đến cụ Vũ Thị Châu, người được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC khi mới 25 tuổi. Đây là nữ thẩm phán đầu tiên đảm nhận công việc xét xử của TANDTC, sau khi nước Việt Nam Dân chủ giành chính quyền. Vậy là, từ cô Việt Minh 20 tuổi tham gia mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8, Vũ Thị Châu nhận nhiệm vụ mới thành bà Thẩm phán. Đến nay, cụ Châu đã 86 tuổi hiền lành, phúc hậu. Trong ký ức của cụ vẫn thoảng xa xôi một miền hoài niệm về những năm tháng trước Cách mạng Tháng 8, từ khi còn là cô Việt Minh tham gia Cách mạng với tất cả sự nhiệt huyết rất đỗi hồn nhiên. Trí nhớ không còn mẫn tiệp nên câu chuyện của cụ là những chắp nối thời gian đứt đoạn…
Sinh sống ở Thị xã Phúc Yên, gần sở Cẩm (công an) thuở nhỏ, cô bé Châu học chương trình của Pháp tại trường nữ học. Vì nhà không khá giả nên Châu được đi học là nhờ 5 đồng bạc người cậu đi làm ở Thất Sơn gửi về nuôi bà ngoại. Không khí cách mạng gần đến năm 1945 càng sục sôi, Vũ Thị Châu được giác ngộ tình cờ và trở thành nữ Việt Minh từ lúc nào không hay. Thời điểm ấy, Châu đã làm tổ trưởng Việt Minh, tham gia giải truyền đơn, vận động quần chúng tham gia cách mạng. Nhớ lại ngày ấy, cụ Châu kể lại: "Tôi đi học ở trường Tây. Học giỏi, tiếng Pháp thành thạo và cũng xinh xắn nên ngày lễ, tết thường được chọn đi chúc Chánh xứ, giám binh, cha cố"…
Mái đầu cụ Châu giờ đã bạc trắng nhưng ký ức về Cách mạng Tháng 8 vẫn còn tươi mới, cụ kể: "Thời điểm ấy, không khí hào sảng lắm. Tôi đi cùng đoàn mít tinh cướp chính quyền tiến thẳng vào dinh Tỉnh trưởng. Quân Pháp đã rệu rã, lính Nhật có vài tên chiếm đóng trụ sở tòa thánh Tin lành cũng là đám cô hồn, vậy nên mọi hoạt động truất ngôi, thu con dấu của những người Cách mạng và quần chúng diễn ra mau lẹ". Cách mạng thành công, Vũ Thị Châu ở lại làm việc tại Phúc Yên và đến năm 25 tuổi thì lấy chồng (cụ Nguyễn Bá Lô bây giờ).
Ngồi sát với cụ bà trên ghế sô-pha, cụ ông kể: "Tôi học ở trường Bưởi (Hà Nội). Tôi đến với Cách mạng cũng rất tình cờ. Nhiệm vụ của tôi là đi bán hàng cho người chị để hoạt động phong trào". Thời khắc lịch sử của cả dân tộc, tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì cụ Lô trực tiếp tham gia mít tinh tại Nhà hát Lớn. Đến bây giờ cụ vẫn nhớ như in ngày lịch sử ấy: "Dòng người đổ về Nhà hát Lớn, dinh toàn quyền cuồn cuộn như thác cuốn. Tôi đi theo các nhà báo, cán bộ và nhận nhiệm vụ ghi chép các địa điểm mít tinh"…
Kỷ niệm về Bác Hồ
Kỷ niệm đi theo hai cụ đến giờ, được nâng niu vẫn là những lần được gặp Bác Hồ và những tấm ảnh chụp chung với Bác. Cụ Châu kể lại: Sau một thời gian làm việc tại Phúc Yên, năm 25 tuổi, ông Phan Dần - cán bộ của TANDTC về hỏi chuyện, tên tuổi, sau đó có quyết định điều chuyển Vũ Thị Châu lên TANDTC bổ nhiệm làm thẩm phán. Với vai trò thẩm phán, cụ Châu đã tham gia xét xử nhiều vụ án. Ngày ấy, các bị cáo, bị can thường được giam tại Hỏa Lò và dẫn qua đường hầm nhỏ lên TANDTC để xét xử. "Tôi chủ yếu xử phúc thẩm, những kẻ phạm tội như chỉ điểm, phản động được xếp vào án hình sự 1, những kẻ trộm cắp, hiếp dâm thuộc án hình sự 2. Sau này, tôi cũng được gọi đi xét xử án cải cách ruộng đất và cả xử án trong khu IV", cụ Châu nhớ lại.
Trong thời gian đảm nhận công tác tại tòa án, có những vụ án khó, Vũ Thị Châu được ông Vũ Xuân Dương (một tri huyện cũ) có thời gian làm Chánh án TAND TP.Hà Nội tư vấn, gợi ý cách tiếp cận thấu tình đạt lý. Cụ Châu bây giờ vẫn còn nhớ, xử án trộm cắp, hiếp dâm, giết người..., tội phạm ngày xưa không tinh vi như bây giờ nên cũng đơn giản lắm. Nhưng tội phạm cải cách ruộng đất, phản động thì thủ đoạn và khôn ngoan lắm. Đấu tranh với những đối tượng này, những người làm công tác xét xử phải khóe léo vận dụng pháp luật.
Cụ Lô là người được gần Bác thường xuyên. Có thời gian, cụ Lô làm ở Ty thông tin được giao nhiệm vụ "bảo vệ" dưới nhà sàn của Bác. Cụ nói: "Ngày ấy, có khách đến gặp Bác thì tôi có nhiệm vụ báo Bác có nhà hay không. Sau này, khi biết tên tôi là Lô, Bác cứ gọi Lô lô suốt". Thời gian được gần Bác, đã ảnh hưởng đến lối sống giản dị của cụ bây giờ.
Cụ Lô kể lại: "Thời đó, mọi thứ còn khó khăn lắm. Tôi làm ở dưới nhà sàn, đến bữa ăn, Bác đều quan tâm đến, nói những người làm bếp nấu phần cơm của tôi. Thời điểm ấy, đất nước khó khăn lắm, bữa sáng của Bác chỉ là đĩa cơm rang. Được Bác quan tâm, chúng tôi cảm động lắm. Sau này, thời ông Kim Ngọc làm Bí Thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, tôi được điều về làm Chủ tịch, sau làm Bí thư thị xã Phúc Yên. Bác đi công tác qua đấy đều dừng lại, Bác khen Thị xã sạch đẹp. Qua ông Kim Ngọc, tôi biết lần nào gặp ông ấy Bác đều hỏi thăm Lô. Tôi rất hạnh phúc".
Sống gần Bác, những thế hệ như cụ Châu, cụ Lô đã học tập rất nhiều từ một tấm gương sáng, một tư tưởng Hôầ Chí Minh mà mấy năm gần đây toàn Đảng, toàn dân phát động học tập. Vì thế, hai cụ chẳng mưu cầu gì cho riêng mình, họ sống nhờ tại tập thể của TANDTC rất lâu, mãi về sau mới được cấp một căn hộ chung cư và sinh sống ở đó cho đến nay.
Tình yêu vượt thời gian
Hai người lấy nhau theo sự sắp đặt của hai ông bố. Chẳng có thời gian tìm hiểu nhau nhưng sau khi chung sống, họ yêu thương nhau hết mực. Cho đến bây giờ, mặc dù thời trẻ mải mê công tác lại có bệnh nên hai cụ không có con nhưng tình cảm vẫn như… thuở ban đầu.
Cụ Châu hóm hỉnh kể lại cuộc hôn nhân của… hai người xa lạ: "Bố tôi và bố ông Lô là 2 trong 7 anh em kết nghĩa với nhau, gọi là nhóm Thất hiền. Hai cụ tự nhận và gả con cho nhau. Ngày ấy, ông Lô đi làm ở Hà Nội. Ngày tết về quê được bố sai mang quà sang gia đình tôi biếu. Vậy là biết mặt nhau".
Tiếng là vợ chồng nhưng đôi trẻ chẳng ở chung nhà. Vũ Thị Châu thì làm công tác trên Vĩnh Yên, còn Nguyễn Bá Lô lại làm ở Hà Nội. Con tạo khá trêu ngươi, khi được bổ nhiệm làm thẩm phán, Vũ Thị Châu về Hà Nội nhưng vẫn phải xa chồng. Vì điều kiện công tác, hai người ít được gần nhau, chồng ở lại nơi cơ quan chồng, vợ ở nơi cơ quan vợ. Mãi sau này, hai người mới được ở chung nhà tại căn phòng tập thể TANDTC. Xa nhau suốt thời trẻ, đến khi gần nhau muốn sinh con thì họ phát hiện có bệnh. Chữa trị nhiều nhưng hai người cũng không thể có con.
Cụ Châu nói: "Ngày ấy khoa học không tiến bộ như bây giờ nên cố chạy chữa, vợ chồng tôi cũng không thể có con. Ngày ấy chưa có thụ tinh nhân tạo". Nhưng số phận không lấy hết niềm tin của bất cứ ai, một người con trai đã tự đến xin làm con nuôi hai cụ. Giờ, hai cụ đã có cháu nội ở tuổi trưởng thành.
Đến nay ở tuổi xưa nay hiếm, tình yêu hai cụ giành cho nhau vẫn thắm thiết, son sắc lắm. Tôi được nghe một chị hàng xóm nói chuyện: Đến giờ, một cụ ốm không ăn cơm cụ kia cũng bỏ cơm luôn. Con cháu làm gì khiến một cụ phật ý thì cụ kia cũng dỗi luôn. Lúc nào hai cụ cũng gắn bó với nhau như hình với bóng. Cụ Châu nói nhỏ: "Có lẽ những năm làm thẩm phán, phải xử những vụ ly hôn, khi mà tôi đã cố hòa giải không được, tôi buồn lắm". Vì lẽ đó, trong những năm làm ở ngành tòa án cụ Châu đã được đồng nghiệp gọi là "bà chúa hòa giải". Phải chăng, vì hiểu giá trị của tình cảm, sự đớn đau, chua xót những số phận khi phải dứt tình nên hai cụ đã sống và yêu thương nhau bằng tất cả sự chân tình - một tình yêu lớn đi từ Cách mạng Tháng 8 đến nay.
Minh Khánh