Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng nỗi đau dân tộc vẫn còn đó. Có người nói: Nỗi đau nào cũng có lúc nguôi ngoai nhưng nỗi đau chất độc da cam chẳng bao giờ có thể quên được. Đó là sự tê buốt của da thịt, thể xác lẫn tâm hồn. Ấy vậy mà trong gia đình của người đàn ông ấy, 15 đứa con thì 12 người lần lượt bỏ ông bà ra đi. Và rồi một câu chuyện tình cảm động đã đến, như một phép mầu, sưởi ấm những trái tim lạnh trong ngôi nhà mang nặng màu da cam.
Vợ chồng anh Hải chị Bình tại quán may của mình
Nỗi đau của gia đình có 12 người chết vì đioxin
Quảng Bình nắng gió, quê hương của những di chứng chiến tranh, con người lam lũ phải gánh chịu thêm nỗi đau chất độc mang tên đioxin. Ở nơi đó, không ít những phận đời ngày đêm đang phải gồng mình chống lại hậu quả của chiến tranh, khi nó đã lùi sâu vào quá khứ.
Trong ngôi nhà nhỏ của ông Đỗ Đức Địu, nguyên thiếu tá quân đội, đã có thời gian cầm súng tại chiến trường Quảng Trị năm xưa, trải dài những di ảnh của người đã khuất. Trong suốt những năm chiến đấu anh dũng, ông không biết mình bị nhiễm chất độc đioxin của quân đội Mỹ. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông trở về với cuộc sống đời thường. Cũng trong năm này, ông lập gia đình với một cô thôn nữ cùng làng. Những đứa con lần lượt ra đời làm rộn ràng ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ đây, niềm vui và nỗi đau cứ thế liên tiếp đan xen nhau. Ông bà sinh hạ được 15 người con thì 12 đứa lần lượt ra đi do tác động của chất đioxin. Hiện, họ còn 3 cô con gái đang sống nhưng bị tật nguyền. Di chứng quái ác đó đã để lại cho gia đình ông Địu không biết bao nhiêu khó khăn, khốc liệt, đau đớn.
Hằng năm, ông chọn lấy một ngày để làm giỗ chung cho các con. Do hoàn cảnh quá khó khăn nên ông bà không thể tổ chức riêng cho từng người một, đành phải gộp chung một lần. Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, đau khổ của ông Đỗ Đức Địu khi thắp nén nhang cúng khấn linh hồn của các con, không ai khỏi chạnh lòng. Những giọt nước mắt bất lực của người chiến sĩ một thời cầm súng bảo vệ đất nước, mới đắng đót làm sao! Trước số phận quá khắc nghiệt đó, ông chỉ còn biết nén đau thương trong lòng, động viên vợ vượt qua, để nuôi dạy 3 con còn sống.
Ba cô con gái của ông Địu, có hai người là mang ít nhiều di chứng tật nguyền, cô chị cả Đỗ Thị Bình nhìn bề ngoài có vẻ lành lặn hơn cả. Tuy nhiên, khi trái gió, những cơn đau tê buốt trong đầu vẫn không thôi hành hạ chị. Tâm hồn của những người mang khiếm khuyết như chị và hai cô em của mình rất mẫn cảm với cuộc sống. Trước những nỗi đau thể xác, họ luôn tự ti với người đời, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Cô luôn cho rằng, mình sinh ra vốn đã có cái chết được định sẵn. Điều đó là chắc chắn, không thể thay đổi. Cho nên, chị muốn được làm những việc có ích cho gia đình và xa hơn là cho mọi người. Chị là một cô gái cam đảm, thông minh và đầy nghị lực.
Nhưng chính sự xúc cảm đó trước cuộc sống của chị đã làm rung động tâm hồn một chàng thanh niên đẹp trai, hào hoa và giàu lòng nhân ái. Từ đây, một câu chuyện tình đẹp đã thắp ấm căn nhà lạnh lẽo của những con người mang nỗi đau chiến tranh.
Tình yêu kỳ lạ án nỗi đau da cam
Trong quán may nhỏ ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) của vợ chồng anh Hoàng Trong Hải, chúng tôi đã được kể cho nghe một câu chuyện cứ ngỡ chỉ có trong phim. Đưa mắt nhìn sang người vợ hiền thảo, dịu dàng đang cần mẫn may ri-đô và cô con gái lém lỉnh, anh cười mãn nguyện. Đó là thành quả lớn nhất mà anh có được cho những đấu tranh để giành giật sự sống. Đấu tranh với những rào cản từ chính gia đình mình, giờ đây tình yêu của anh chị đã được đơm hoa kết trái, bên hai quả ngọt mang tên Đô và Ri.
Giai đoạn từ năm 1996 - 2002, bên cạnh công việc của một thợ may, anh Hải còn tham gia rất nhiệt tình vào các phong trào Đoàn - Đội. Lúc đó, anh là Đội phó Đội công tác xã hội của Hội LHTN tỉnh Quảng Bình. Còn chị Đỗ Thị Bình đang mưu sinh với nghề cắt tóc. Nhà cách không bao xa, nhưng mãi đến năm 2000, họ mới gặp nhau trong một chuyến đi tình nguyện ở miền Tây của huyện Quảng Ninh. Ngay từ lần gặp đầu tiên, chàng cán bộ đã có cảm tình với cô thôn nữ nết na. Bạn bè gán ghép, Hải thì sướng âm ỉ trong lòng, còn Bình thẹn thùng quay mặt đi. Kết thúc chuyến tình nguyện ấy, Hải tặng Bình một nhánh lan rừng, lấy cớ tỏ tình. Nghĩ chàng trai hào hoa, năng nổ, lắm tài ấy chỉ có ý bông đùa nên Bình từ chối. Không nản lòng, Hải vẫn kiên trì bày tỏ tình cảm của mình với người con gái anh yêu. Trước hoàn cảnh gia đình, Bình tự ti không dám đón nhận tình cảm Hải dành cho. Nhưng ngược lại, khi biết sự trêu ngươi của số phận đối với gia đình cô, Hải lại càng thương và trân trọng cô bạn gái này hơn. Anh muốn mang trái tim nhỏ bé của mình để sưởi ấm số phận hẩm hiu của chị.
Sau này, khi đã nên duyên vợ chồng, Bình mới dám chia sẻ: "Hồi đó, khi biết tình cảm của anh Hải dành cho mình, em cũng muốn đón nhận lắm. Không phải em không yêu anh Hải, mà vì em sợ, lấy mình về, anh ấy sẽ khổ. Liệu tình yêu của bọn em có được suôn sẻ như bao đôi khác không? Nhiều đêm trằn trọc nghĩ tủi phận mình. Làm con gái, được yêu mà không dám tự tin đón nhận. Ngày anh Hải đến gặp ba mẹ em để thưa chuyện, ba vẫn khuyên anh ấy nên suy nghĩ cho kỹ càng, kẻo sau này hối hận lại khổ cho cả hai đứa. Thế mà anh ấy vẫn cương quyết tính chuyện lâu dài với em, nên ai cũng cảm kích”.
Phía ba mẹ Bình chỉ nói nhẹ nhàng như thế, nhưng gia đình Hải thì một mực kiên quyết không đồng ý. Là con trai duy nhất trong gia đình, ông bà cũng muốn kiếm cho Hải một mối "môn đăng hộ đối", hoặc chí ít cũng gia đình bình thường. Biết không thể dùng lời nói để thuyết phục hai đấng sinh thành, Hải bàn với Bình giả vờ "đã lỡ" để đặt mọi người vào thế phải cưới. Tuy chấp nhận, nhưng họ nhà nội không thấy ưng bụng cô dâu mới này. Năm 2002, một đám cưới đơn giản được tổ chức, chứng nhận Hải và Bình nên duyên vợ chồng.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sớm gặp nhiều khó khăn. Sau lễ đám cưới, ông bà cho anh chị ra ở tạm ngay ngôi nhà ngang bị đập bỏ. Dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, quả là một thử thách lớn đối với hai vợ chồng anh Hải. Vay mượn của bạn bè được vài triệu, mua một chiếc xe máy "rách" để có phương tiện đi lại làm ăn, nhưng cũng phải bán tống bán tháo để bù vào chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Rồi cái nồi cơm điện, dành dụm mãi mới mua được, cũng nhanh chóng bị cháy.
Trong căn nhà nhỏ còn chộn rộn những bộn bề lo toan đã chợt bừng lên ấm áp, khi anh chị đón tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng. Bé Đô tròn 6 tháng tuổi, anh chị phải lăn ra làm để có đủ tiền sữa, tiền sinh hoạt cho con. Đưa sang gửi nhờ bên nội thì ông bà không đồng ý, anh chị lại tất tả mang con đi nhà trẻ. Cứ thế, sáng sớm anh lại đạp xe chở con đi nhà trẻ, rồi về chở vợ ra quán may. Chị mua một cái bếp dầu, đặt ngay trong quán để nấu cháo cho con. Khoảng 10 giờ, anh lại đạp xe đưa cháo sang nhà trẻ, cho con ăn. Chiều lại cuống quýt đạp xe đi đón vợ con về. Sau một năm sải chân đạp chiếc xe cà tang đón đưa như vậy, anh giấu vợ vay mượn mua một chiếc xe máy khác.
Thế rồi, giữa những lo toan của cuộc sống thường nhật, anh chị lại đón niềm vui thứ hai. Ngày sắp sinh hạ bé Ri, dù những cơn đau quằn quại đang giày xéo, nhưng chị Bình vẫn bấm bụng làm cho xong bức rèm của khách. Nhờ biết cách giữ chữ tín, quán may nhỏ của anh chị rất được lòng khách. Đơn đặt hàng cứ thế tới tấp về với anh chị, tuy nhiên cuộc sống của đôi vợ chồng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
Ông Đỗ Đức Địu tâm sự: "Hồi đó, nhiều người khuyên ông nên làm chế độ chất độc màu da cam, nhưng vì sợ thiên hạ biết, không ai còn dám lấy con mình, nên ông thôi. Thế rồi, thông tin từ đâu ra rả khắp làng trên xóm dưới. Bố mẹ chồng chị Bình nghe được tin đã lao sang trách mắng ông bà thông gia hết lời. Trước mặt bố mẹ chị Bình, họ tuyên bố sẽ không coi chị là con dâu của gia đình, dòng họ Hoàng nữa. Họ sợ hai đứa cháu nội sẽ ra đi giống như các cậu, các gì. Rồi gia đình sẽ tuyệt tự tuyệt tôn. Thương vợ, anh một mực bênh cho chị trước họ hàng, dòng tộc, khiến hai bậc sinh thành đỏ mặt, tía tai đòi dọa chết và từ mặt. Trước sự ghẻ lạnh từ phía gia đình thông gia, ông Địu vẫn luôn động viên con cứ làm theo những gì mình cho là đúng. "Bố mẹ luôn ủng hộ các con. Con cũng là một con người, con có quyền được yêu và hạnh phúc như bao con người khác. Yêu là quyền chính đáng, nó không có tội gì cả. Không có việc gì hết, đừng sợ!", người cha tâm sự với con gái.
Trước những cơn sóng ngầm từ phía gia đình nhà chồng, cuộc sống của anh chị cũng lao đao. Nhưng bằng tình yêu dành cho nhau, mái ấm nhỏ của họ vẫn trụ vững qua mùa bão giông. Dạo này sức khỏe của chị đã yếu hơn, hay đau ốm và mắc một số bệnh khác. Nó báo hiệu sự ảnh hưởng của chất độc hóa học Đioxin. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Chỉ khi ốm đau không trụ được nữa thì chị mới chịu nghỉ ngơi. Bình thường, hai vợ chồng vẫn bám lấy quán may nhỏ, để kiếm tiền nuôi các con và chữa trị cho chị.
Ở đời có những người bị tàn tật về mặt hình thể nhưng tâm hồn họ lại trong sáng. Nhưng ngược lại, có những người hoàn toàn lành lặn về mặt thể xác nhưng tâm hồn bị méo mó. Tôi đã đi và tìm thấy những tâm hồn đẹp ở nơi mảnh đất khắc nghiệt nhất miền Trung ấy. Những rặng phi lao vẫn rì rào bên những cồn cát trắng, chứng kiến cuộc tiễn đưa những số phận hẩm hiu về với đất mẹ. Chôn vùi những ước mơ, khát vọng sống của họ với đời. Nhưng vẫn còn đâu đó, những mảnh đời biết trước cái chết đã định đoạt, nhưng vẫn không thôi mơ ước. Nhìn hạnh phúc giản dị của anh chị Hải Bình, tôi thấy được điều đó.
Loan Nguyễn