Trong gian nhà sàn đơn sơ của đôi vợ chồng già, chưa bao giờ thiếu hơi ấm tình cảm. Mối tình trinh nguyên vắt qua hai thế kỷ ấy, nay vẫn đằm thắm như thuở ban đầu. Nói về người vợ tần tảo, giàu đức hy sinh Hồng Thị Lịch, bao giờ già Năm cũng ưu ái bằng thứ tình cảm đặc biệt. Bà là cô giáo, cũng là hậu phương vững chắc trong những năm tháng già Năm Nổi đi làm cách mạng.
Nhắc đến kỷ niệm ngày đến với nhau, già Năm cất giọng dí dỏm: “Ngày trước vợ tôi cũng không phải xinh, nhưng được cái hiền và thương chồng con hết mực. Bà ấy phải hi sinh vì tôi nhiều lắm”.
Già Năm Nổi được xem là biểu tượng cho tình yêu chung thủy người Chơ Ro
Được biết, khi đến với nhau, hai người chỉ có đôi bàn tay trắng. Tuy nhiên, hạt nhân gắn kết hai người chính là sự cảm kích và lòng trân trọng. Ngày đó, Năm Nổi là chàng trai khôi ngô, tuấn tú và sớm theo cách mạng. Trong khi đó, cô gái Hồng Thị Lịch người Chơ Ro nằm trong đội Bình dân học vụ (giáo viên dạy chữ) phụ trách xóa mù ở làng. Ngay từ lần gặp đầu tiên, cả hai đã thấy mến mến yêu yêu. Chẳng bao lâu trái tim chàng trai Năm Nổi thổn thức. Một ngày già Năm bỗng xin phép cha mình đến nhà gái xin hỏi cưới.
Nhắc về kỷ niệm người vợ giàu đức hi sinh, giọng già Năm sâu lắng: “Những năm bom đạn, phải lánh nạn trong rừng, vậy mà mình bà ấy đã nuôi tám người con khôn lớn, nên người”. Hiện tại hai già ở một mình trong ngôi nhà sàn nhỏ truyền thống. Được trú lại vài ngày ngay trong nhà già, chúng tôi cảm nhận được tình yêu ngọt ngào của họ. Đây là thứ tình cảm bền như dải lụa mượt mà vắt qua hai thế kỷ mà chưa bao giờ cũ. Mỗi khi buồn họ lại làm mới tình yêu bằng những kỷ niệm thời thanh xuân.
Vất vả thực hiện thử thách cưới Theo tục mẫu hệ truyền thống của người Chơ Ro, muốn “bắt” được vợ, người con trai phải thử thách bằng việc ở rể ít nhất ba tháng. Trong khoảng thời gian đó, nếu như được cha mẹ vợ chấp nhận thì chàng trai mới chính thức sắm lễ vật làm đám cưới. Tuy nhiên, những điều kiện thử thách của người Chơ Ro cực kỳ khắc nghiệt. Người con trai phải biết đan mái tranh lợp, biết quy cách dựng nhà, biết làm cung, nỏ săn bắn thú và đối đãi với cha mẹ vợ lễ phép. Để nhanh “bắt” được người yêu, chỉ trong một ngày, Năm Nổi đã học nhuần nhuyễn đan mái lợp, cách dựng nhà rồi tức tốc sang nhà người yêu “thử thách”. Về nhà vợ, với sự thông minh, tháo vát và khiêm tốn, già Năm Nổi đã làm cha mẹ vợ cảm kích gật đầu. Ngày cưới Năm Nổi phải bỏ một con lợn bốn người khiêng, một ché rượu lớn đãi họ hàng đằng vợ và cả dân làng ăn uống. Thời gian như mới đây mà nay hai người đã trên ngưỡng bát cửu (trên 80 tuổi) với tám người con. Hạnh phúc thay, cả tám người con ấy đều yên bề gia thất. |
T.K