Chuyện tình ứa nước mắt ở bản Pháy

Chuyện tình ứa nước mắt ở bản Pháy

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Tại khu điều trị phong huyện Sông Mã, những người mắc bệnh đã lấy lại cuộc sống của con người, được Nhà nước cấp thuốc và chữa lành bệnh phong.

Có nhiều người đã có gia đình, con cái như bệnh nhân Quàng Thị Thum, quốc tịch Lào, nhập trại vào năm 1960; hay trường hợp của chị Thăm, vào trại phong chữa bệnh năm 1963...

Pháp luật - Chuyện tình ứa nước mắt ở bản Pháy

Bà Thum và người chồng cũng mắc bệnh phong (Ảnh Lâm Giang)

Nhưng chuyện tình cảm động nhất vẫn là của chị Thum và anh Pủa. Ngày đó, trong đoàn người trốn chạy có một người đàn bà không nhập đoàn đi về phía làng núi Pháy. Người đàn bà có dáng điệu gầy đét, tóc tai bù xù, quần áo tả tơi ấy đi ven sông Mã rồi "mất tích". Người đàn bà điên dại đó lang thang xuống thị xã Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên). Người ta thấy chị cứ cười xoe xóe, kêu la, nhặt được gì ăn nấy, cứ thế cuộc đời điên loạn của chị chìm sâu vào sự quên lãng.

Một hôm, tại một vùng ngoại ô của thị xã Điện Biên, người đàn bà điên gặp người đàn ông bị bệnh phong, cũng bị xua đuổi. Người đàn bà điên ấy chính là chị Quàng Thị Thum và người đàn ông kia là anh Pủa, chồng chị bây giờ. Anh Pủa vẫn nhớ thời anh và chị Thum "tìm hiểu nhau" trong hoàn cảnh éo le đó.

Anh Pủa thủ thỉ kể rằng: "Tôi và Thum đi với nhau được một thời gian thì bỗng một hôm, nhận được tin, ở huyện Sông Mã có làng dành cho người bị bệnh cùi chữa bệnh và sinh hoạt". Anh tức tốc đưa người đàn bà điên ấy lên núi Pháy. Đến nơi, có mấy bệnh nhân Lào nhận ra Thum chính là đồng hương bị thất lạc của họ. Trước đây, chị là cô gái da trắng, xinh đẹp nhất một vùng, mà người đàn bà đẹp như chị thì chỉ có những người có quyền lực trong vùng mới lấy được. Nhưng khi làm vợ, sinh đứa con thứ 4 được mấy tháng thì chị bị phát hiện bệnh cùi và bị gia đình chồng hắt hủi. Chị trôi dạt cùng đoàn "người rừng" ấy.

Còn anh Pủa cũng bị vợ bỏ chạy theo người khác sau khi anh phát bệnh. Biết hoàn cảnh của chị Thum, anh Pủa cố gắng chăm sóc, dỗ dành chị, giúp chị lành bệnh điên. Tình yêu nảy nở và họ kết hôn với nhau. Đến nay, hai người đã lành bệnh phong, có 4 đứa con lành lặn, học giỏi.

Chị Quàng Thị Thăm cho biết, chị sang trại cùng đợt với chị Thum nhưng thời đó chị chưa có chồng, còn trẻ lắm. Cùng với thời gian, tình yêu giữa hai con người cùng cảnh ngộ được thắp lên. Chồng chị, anh Lường Văn Pản là một giáo viên ở tỉnh Điện Biên do bị bệnh phải phiêu dạt lên đây và được đưa vào trại. Ngày đó anh Pản là một trong những người bệnh lành lặn nhất, anh được phân công làm công việc sổ sách quản lý bệnh nhân ra vào trại. Cũng may, khi anh Pản vào trại thì loại thuốc ngăn chặn sự phát triển của bệnh được cấp về, thế là anh được chữa khỏi bệnh. Lúc đó anh Pản đã gần 40 tuổi, có 2 con ở nhà, lẽ ra anh có thể trở về đoàn tụ với con vì vợ anh đã đi lấy chồng nhưng tình yêu của chị Thăm đã kéo anh ở lại. Đến nay hai anh chị đã có 4 người con, 3 trai và một gái. Hiện nay các con anh đều làm việc tại công ty chế biên nông lâm sản của gia đình bác sỹ Sinh. Anh Pản thở dài, ngày xưa các con anh mặc cảm không đến trường, anh phải hàng ngày vừa đi làm vừa dạy các con biết đọc biết viết...

Tại trại phong núi Pháy, không chỉ riêng đôi vợ chồng chị Thum, anh Pủa mà còn nhiều đôi vợ chồng được tác hợp bởi hai quốc tịch Việt - Lào như chị Quảng Thị Thăm, anh Lường Văn Ọi; Anh Sây và chị Soi; Anh Từng và chị Quây..., những cặp "trời sinh" đã vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống để đến với nhau xây dựng một cuộc sống mới.

Hà Tân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.