Khi gặp Ri Yong-hui vào năm 1971, ông Phạm Ngọc Cảnh là một chàng sinh viên hóa trẻ Việt Nam tới Triều Tiên học tập. Chàng sinh viên đã “phải lòng” ngay người con gái đó khi thoáng nhìn thấy cô đi qua cửa của phòng thí nghiệm ở Hambung. Ông nhớ lại: “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là giá như cô ấy có thể là vợ mình”.
Năm 1973, ông rời Triều Tiên và đã viết thư cho cô Ri Yong-hui trong suốt 30 năm sau đó. Song do Triều Tiên cấm người trong nước liên hệ với người nước ngoài, nên ông Cảnh đã phải “ngược xuôi” để được gặp lại người con gái ông yêu. Có lúc, ông đã mang cả thảy 40 bức thư tình ông viết trong suốt 20 năm tới sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam để nhờ giúp đỡ.
Khi làm phiên dịch cho các đội tuyển thể thao, ông đã được trở lại thăm Triều Tiên rất nhiều lần. Nhưng ông nghe nói cô Ri, làm việc ở một nhà máy phân bón, hình như đã lấy chồng hoặc không còn sống. Song ông vẫn không tin là ông đã mất người mình yêu. Lá thư cuối cùng của cô Ri gửi tới ông là vào năm 1992, trong đó cô nhắc ông rằng mặc dù họ đã có tuổi nhưng tình yêu giữa họ luôn trẻ mãi.
Năm 2001, khi nghe tin một phái đoàn chính trị Việt Nam tới thăm Bình Nhưỡng, ông Cảnh đã viết thư cho Chủ tịch nước và Bộ trưởng Ngoại giao. Trong vòng vài tháng, ông nhận được câu trả lời mà ông đã chờ đợi suốt 30 năm, đó là được giới chức Triều Tiên cho phép cưới cô Ri.
Đám cưới của họ đã được tổ chức ở Hà Nội vào năm 2002, với sự tham dự của 700 khách. Nhiều người đã rơi nước mắt khi nghe câu chuyện tình vượt nghìn trùng xa cách của họ cuối cùng đã có một kết cục tốt đẹp.
Giờ khi đã ở trong độ tuổi 60, ông Cảnh và vợ sống trong căn hộ khiêm tốn ở Hà Nội.
Và người ta có thể thấy ông chở bà bằng xe máy đi khắp phố phường…
…hay hai người nắm tay nhau tản bộ.
“Tình cảm của tôi với bà ấy vẫn như thế, không thay đổi”, ông Cảnh tâm sự.
Theo Dân trí