"...Không còn có cuộc đấu tranh nào khác, người viết có một niềm say mê đủ để biện minh cho mình rồi: sự thai nghén hình thức.
Nếu anh ta từ chối công cuộc giải phóng một hành ngôn văn bản mới, thì chí ít anh ta vẫn có thể nâng giá cái hành ngôn cũ lên, phủ lên nó đầy những ý đồ, một hành ngôn giàu có và sinh động.
Lối viết truyền thống lớn ấy...chứng tỏ rằng hình thức, trong sức nặng của nó, trong sắc phục đặc biệt của nó, là một giá trị siêu việt đối với lịch sử, cũng giống như hành ngôn nghi lễ của các vị giáo sĩ.
Lối viết thiêng liêng đó, nhiều cây bút khác cho rằng chỉ có thể giải tà nó bằng cách làm phân rã nó ra: họ bèn đánh mìn hành ngôn văn bản, mỗi lúc họ lại phá tung cái vỏ tái sinh của những sáo ngữ, những thói quen, cái vỏ hình thức quá khứ của người viết; trong mớ hỗn loạn các hình thức, trong sa mạc các từ, họ tìm đến một vật tuyệt đối không có Lịch sử, tìm lại vẻ tươi xanh của một trạng thái mới của hành ngôn.
Song những bấn loạn ấy cuối cùng lại đào ra những rãnh mòn của chính chúng, làm ra những lề luật của chính chúng.
Văn bản đe dọa mọi hành ngôn không thuần túy cơ sở trên lời nói xã hội. Cứ bị một cú pháp hỗn loạn đuổi chạy mãi về phía trước, sự tan rã của hành ngôn chỉ có thể dẫn đến một sự im lặng của lối viết. . . Từ ngữ, bị bóc đi lớp vỏ những sáo nghĩa quen thuộc, những phản xạ kỹ thuật của người viết, sẽ hoàn toàn vô trách nhiệm về mọi ngữ cảnh khả dĩ, nó tiến đến gần một hành vi ngắn gọn, đặc biệt, mà vẻ mờ đục xác định một sự cô đơn, tức là một sự vô tội.
Nghệ thuật đó mang chính cấu trúc của sự tự vẫn, ở đấy sự im lặng là một thời gian thơ đồng chất, nó hãm kẹt và làm bùng nổ từ như một thứ ánh sáng, một chân không, một vụ sát hại, một tự do, hơn là một mảnh của một bản mật ước ...". (Độ không của lối viết - Roland Barthes)
Tình cờ đọc lại tiểu luận (theo mình , nó là sự pha trộn giữa Triết học, Phê bình văn học và Tuyên ngôn nghệ thuật) của nhà phê bình theo chủ nghĩa cấu trúc này, thấy vẫn tươi mới, mặc dù bản dịch này (hình như của Nguyên Ngọc) hơi trúc trắc, tối nghĩa. Nhớ lại cách đây 25 năm, vào năm thứ ba Đại học, mình bị choáng ngợp thực sự khi lần đầu đọc nó tại thư viện khoa học xã hội 24 Lý Thường Kiệt- một bản dịch đánh máy trên giấy pơ -luya mỏng dính của với cái tên hơi khác: "Độ không của việc viết". Không biết bản nào dịch sát với nguyên bản tiếng Pháp hơn, nhưng hình như bản dịch của GS Phan Ngọc có độ "phiêu" hơn bản dịch hiện tại.
Chả biết hình hài cái chủ nghĩa cấu trúc của giới học giả tư sản ấy thế nào, nó có ngon lành hơn cái mớ lý thuyết ngập ngụa sự ngán ngẩm về "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" tạo nên một cái đầm lầy kiến thức bất tận trong khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy hay không, chỉ biết rằng sự chênh vênh đầy ấn tượng của ngôn từ tạo cảm giác mạo hiểm thú vị cho người đọc của Roland Barthes khiến thằng bé mê tít và...nhớ đến tận bây giờ.
Một phần tư thế kỷ sau, một người đàn ông 45 tuổi không thể bắt những thằng bé của thời hiện tại- những phóng viên trẻ của mình đồng cảm trải nghiệm của thời quá khứ.
Nhưng một Tổng biên tập thì có quyền yêu cầu họ phải tự trang bị một hành trang tối cần thiết cho một phóng viên báo giấy hiện đại: phải tạo được "độ không của lối viết" cho riêng mình.
Vì sao vậy? Vì Internet đã tạo ra một con quái vật media mang tên báo mạng, nó giống như một hoá thân của quái vật Medusa trong thần thoại Hy Lạp làm hoá đá mọi tin tức sốt dẻo trên báo giấy, làm cứng đơ một kỹ năng tối cần thiết có tên gọi "săn tin" của phóng viên.
Trang báo giấy giống như một pháp trường trắng hành quyết những khái niệm như "Tin mới nhận", "Tin giờ chót", "Tin độc quyền", vân vân và vân vân. Hãy cho chúng một phát súng ân huệ thay vì để chúng ngắc ngoải, giãy giụa trên trang báo giấy khiến người đọc ngán ngẩm và kinh sợ. Hãy chôn theo nấm mồ của chúng những lý thuyết lỗi thời vẫn được các thầy chưa bao giờ làm báo rao giảng ra rả ở các giảng đường báo chí, những cái khuôn đúc ra kiểu viết tin hình tháp ngược giống nhau đến nhàm chán , những kiểu tư duy bức tử sự sáng tạo trong cách thể hiện. Hãy gieo trên trang báo giấy của bạn những hạt mầm có tên là lối viết. Hạt mầm ấy sẽ nảy nở thành những loài cây có tên là bản sắc. Loài cây ấy sẽ tạo nên những vụ mùa bội thu.
Nói cách khác, bây người đọc sẽ không bỏ tiền ra mua chữ nghĩa của chúng ta (in trên giấy) để biết tin tức. Họ mua lối viết và cách nhìn của chúng ta. Vì vậy phải xác định lại cấu trúc tin tức. Bạn đọc không cần chúng ta (báo giấy) cho họ biết "Ai, cái gì, ở đâu". Họ cần chúng ta miêu tả "Ai, cái gì, ở đâu" mà họ đã biết qua báo mạng một cách hấp dẫn và sinh động nhất, họ cần chúng ta chúng ta đưa ra những quan điểm về "Ai, cái gì, ở đâu" một cách thông minh, thú vị và bất ngờ nhất. Hãy nhìn BBC, bây giờ đó không phải là một cơ quan truyền thông nhanh nhạy, sốt dẻo bậc nhất nữa, nhưng họ vẫn duy trì được thương hiệu vì tính bản sắc trong thông tin. Bây giờ người ta nghe, đọc BBC không phải để biết sự kiện, mà là biết quan điểm của người viết (đương nhiên cũng là của BBC)
Cuối cùng, nếu bạn muốn tạo "độ không của lối viết" cho riêng mình, hãy luôn luôn phản biện mọi ý kiến mà bạn cho là không hợp lý, không phù hợp với quan điểm của mình trong cách tác nghiệp, kể cả ý kiến này của tôi - Tổng biên tập của bạn.
Nguyễn Tiến Thanh
(Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, báo Người đưa tin)