Chuyện từ một doanh nghiệp khởi nghiệp

Chuyện từ một doanh nghiệp khởi nghiệp

Trần Thanh Hải

Trần Thanh Hải

Thứ 6, 21/01/2022 08:30

Khởi nghiệp là từ ta được nghe hàng ngày, nhưng những người khởi nghiệp là ai, họ xuất thân từ đâu và giờ đang làm gì, tôi cũng như nhiều bạn còn chưa được biết.

Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi có được đến thăm một doanh nghiệp khởi nghiệp đang nghiên cứu công nghệ có tiềm năng hỗ trợ cho logistics.

Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ là Nguyễn Hữu Phước Nguyên - người sáng lập và là Giám đốc Selex Motors.

Tốt nghiệp lấy bằng Tiến sĩ ngành cơ khí tại Đại học Michigan (một trong 15 trường Đại học có ảnh hưởng nhất thế giới), Nguyên có thể chọn con đường ở lại Mỹ lập nghiệp như nhiều người khác. Nhưng anh đã quyết định quay về Việt Nam. Sau một thời gian thử sức mình ở những đơn vị khác nhau, đến năm 2018, Nguyên lập ra công ty Selex để triển khai các ý tưởng của mình.

Nguyên cho biết, Selex là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch. Năng lượng là nhu cầu tất yếu với một đất nước đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, và năng lượng xanh, sạch sẽ là xu hướng mà cả thế giới đi theo. Logistics là ngành sử dụng nhiều năng lượng, Nguyên rất quan tâm đến lĩnh vực này và mong muốn sản phẩm của Selex sẽ được các doanh nghiệp logistics đón nhận, đặc biệt là các doanh nghiệp giao hàng chặng cuối trong thương mại điện tử.

Cụ thể, Nguyên và các cộng sự nghiên cứu chế tạo ra các viên pin có hiệu suất cao để sử dụng cho xe máy và ô tô điện. Trở ngại của phát triển ô tô điện là các viên pin chưa tích đủ năng lượng để đưa cỗ xe có khối lượng nặng đi một quãng đường xa. Hiện nay các hãng xe lớn trên thế giới đều đổ vào nghiên cứu xe điện, nhưng mới chỉ có Tesla là hãng có thể thương mại hóa được loại xe này. Pin của Selex có mật độ năng lượng (khả năng tích điện trên một đơn vị thể tích pin) vào loại cao nhất trên thị trường hiện nay, nên tiềm năng ứng dụng là rất lớn.

Xi nhan Trái Phải - Chuyện từ một doanh nghiệp khởi nghiệp

Đội ngũ sáng lập của Selex Motors (từ trái qua phải): Nguyễn Đình Quảng, Nguyễn Trọng Hải và Nguyễn Hữu Phước Nguyên.

Nghe Nguyên chia sẻ về những kế hoạch như vậy, tôi thấy ái ngại. "Theo anh hiểu thì tất cả những gì em đã làm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa đưa ra thị trường. Vậy là công ty vẫn chưa có doanh thu?".

Nguyên cho biết, hiện công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Nguyên đã cùng hai người nữa, cũng là những Tiến sĩ đã được đào tạo ở nước ngoài nghiên cứu, sản xuất ra máy rửa tay tự động, nhỏ gọn, xinh xắn, khi đưa tay vào máy sẽ tự động phun nước khử khuẩn dưới dạng sương để người dùng khỏi phải nhấn tay vào bình xịt. Sản phẩm đã được trao tặng cho Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và một số cơ quan, được đánh giá cao.

Công ty cần thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư và phát triển, tuy nhiên các nguồn vốn hỗ trợ cho khởi nghiệp vẫn vướng về cơ chế giải ngân. Vay vốn từ ngân hàng thì cần tài sản thế chấp, trong khi đây là đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp không có gì nhiều ngoài chất xám.

Khác với ở Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ vẫn có cơ hội để tiếp cận các doanh nghiệp lớn, hiện thực hóa ý tưởng của mình miễn là ý tưởng đó thuyết phục, tại Việt Nam, các đối tác lớn vẫn còn tâm lý e dè với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nên việc tiếp cận, giới thiệu về dự án của những doanh nghiệp như Selex còn gặp không ít khó khăn.

Đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn, sẽ có nhiều đối thủ trong và ngoài nước tham gia. Cạnh tranh là tất yếu, Selex không e ngại. Nhưng trong khi các đối thủ nước ngoài được hỗ trợ bởi nhà nước, các quỹ đầu tư, nếu Selex không được quan tâm thì các đối thủ sẽ vượt qua nhanh chóng. Đó là chưa kể đến nguy cơ bị thôn tính, sáp nhập, không còn một thương hiệu của người Việt.

Rời căn phòng nhỏ còn bộn bề các loại mô hình, sản phẩm thử nghiệm, trong tôi đọng mãi hình ảnh những con người đang miệt mài, cặm cụi, dù ngoài kia là dòng người đông đúc của một ngày thu cuối tuần. Quốc gia khởi nghiệp có phải là bắt đầu từ đây! Việt Nam cần thêm bao nhiêu con người, bao nhiêu khởi nghiệp như thế này để có thể cất cánh nhanh hơn nữa! Và ai sẽ là người nâng những cánh chim khởi nghiệp này bay cao, bay xa?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Selex Motors vừa gọi vốn thành công 2,1 triệu USD vòng tiền hạt giống, với sự tham gia của các nhà đầu tư như ADB Ventures - Quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển châu Á và Nextrans - một trong những Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tích cực nhất tại Việt Nam. 

Đại diện Selex cho biết số vốn nhận được trong vòng đầu tư này sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), mở rộng quy mô sản xuất tại nhà máy mới ở khu vực Hà Nội và bắt đầu đưa sản phẩm vào vận hành chính thức với các khách hàng doanh nghiệp đầu tiên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.