Các chuyên gia cho rằng đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, nơi có thể có đến hàng trăm ca tử vong, chứng tỏ mối đe dọa toàn cầu do bệnh này gây ra.
Tại các phòng khám trong rừng nhiệt đới heo hút ở Congo, cách thị trấn gần nhất hàng trăm km, các bác sĩ đều biết quá rõ dấu hiệu đáng lo ngại của các nốt mụn.
Bệnh nhân đến các cơ sở y tế này thường đang trong tình trạng phát sốt, với các hạch bạch huyết sưng to và dịch mủ đang chảy. Để đến nơi, họ thường phải đi bộ hàng giờ đồng hồ dọc theo các tuyến đường mòn.
Các bác sĩ ở đây đang ở tuyến đầu trong đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ tồi tệ nhất thế giới - một căn bệnh bị bỏ quên đã gây báo động toàn cầu sau những đợt bùng phát chưa từng có tiền lệ ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Căn bệnh bị bỏ quên
Ngày 31/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 550 ca mắc ở 30 quốc gia, nơi đậu mùa khỉ không phải bệnh lưu hành.
Trong khi đó, trên khắp CHDC Congo, nơi lưu hành một chủng virus độc hại hơn, mối đe dọa ở một quy mô khác. Theo ước tính của WHO, đến nay Congo đã ghi nhận 1.200 ca nhiễm virus này, trong đó có 58 trường hợp tử vong.
Con số thực có lẽ còn cao hơn nhiều. Theo các nhà nghiên cứu người Congo, hàng trăm trường hợp tử vong có thể đã không được ghi nhận. Họ cho rằng thế giới đã lờ đi căn bệnh này quá lâu và hiện đang phải trả giá.
Sankuru, một khu vực ở miền Trung CHDC Congo nổi tiếng với những khu rừng nhiệt đới rộng lớn và các mỏ kim cương khai thác thủ công, là “tâm dịch” chính của đất nước - với gần 500 trường hợp được báo cáo chính thức kể từ tháng 1/2022.
“Bệnh đậu mùa khỉ đang ảnh hưởng đến hàng trăm người trong khu vực, đặc biệt là ở các khu y tế nông thôn ở La Grande Forêt”, Tiến sĩ Merveille Nkombo, một bác sĩ đang tham gia ứng phó với dịch bệnh trong khu vực, nói với Telegraph. “Đó là một bệnh dịch... vì vậy các bác sĩ đều biết các triệu chứng của bệnh đậu mùa ở khỉ”.
"Căn bệnh này đang ảnh hưởng đến hầu hết dân làng, từ già đến trẻ", Tiến sĩ Raphael Okoko, bác sĩ quản lý trung tâm chăm sóc sức khỏe Bena Dibele ở Sankuru cho biết thêm. “Chúng tôi đang điều trị cho họ bằng những gì chúng tôi có… Nhưng chúng tôi không có vắc-xin”.
“Tình hình dịch tễ học của bệnh đậu mùa khỉ rất đáng báo động và vẫn là mối quan tâm sâu sắc trong khu vực y tế của chúng tôi”, ông Okoko nói với Telegraph.
“Dịch tễ học đang thay đổi”
Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu xuất hiện ở CHDC Congo cách đây cả nửa thế kỷ. Vào năm 1970, trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được phát hiện ở Tây Bắc đất nước.
Đó là trường hợp của một cậu bé 9 tuổi. Các nốt ban gây khó chịu cho cậu bé khiến các bác sĩ liên tưởng đến bệnh đậu mùa, một căn bệnh chết người có từ thời cổ đại đã bị xóa sổ trong khu vực sau một đợt bùng phát dữ dội nhờ tiêm chủng.
Trong thập kỷ tiếp theo, các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ diễn ra lẻ tẻ và rất hiếm khi lây truyền từ người sang người - một phần là do vắc-xin phòng đậu mùa cũng giúp bảo vệ người được tiêm khỏi bệnh đậu mùa ở khỉ.
Nhưng theo mô hình từ Viện Pasteur ở Paris, khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa khỉ đã giảm từ khoảng 85% vào đầu những năm 1980 xuống còn 60% vào năm 2012.
Trong giai đoạn 1970-1979, 47 ca bệnh và 8 ca tử vong đã được ghi nhận ở CHDC Congo. Riêng năm 2020, có khoảng 4.000 ca nghi nhiễm và ít nhất 171 ca tử vong.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) là một bệnh nhiễm virus thường lưu hành ở châu Phi. Nó có thể lây lan qua tiếp xúc gần gũi và thường biểu hiện như một bệnh nhẹ.
Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức.
Phát ban có thể phát triển, thường bắt đầu trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả bộ phận sinh dục.
Phát ban thay đổi và trải qua các giai đoạn khác nhau và có thể trông giống như bệnh thủy đậu hoặc bệnh giang mai, trước khi hình thành vảy và bong ra.
“Tiêm chủng đã dừng cách đây hơn 30 năm… bây giờ, dịch tễ học đang thay đổi, bởi vì bây giờ không có khả năng miễn dịch trong dân số”, Giáo sư David Heymann, một cựu giám đốc điều hành của WHO, người đã tham gia ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ở CHDC Congo vào cuối những năm 1970, cho biết.
Dân số của đất nước cũng tăng lên, với các khu định cư trải dài trên lưu vực rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên Trái đất.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này có thể dẫn đến nhiều sự kiện lây lan hơn - bệnh đậu mùa khỉ được cho là bắt nguồn từ loài gặm nhấm ở Trung Phi.
Tiến sĩ Placide Mbala-Kingebeni, trưởng bộ phận dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia ở thủ đô Kinshasa (INRB) của CHDC Congo, cho biết: “Việc mở rộng nhân khẩu học… khiến con người phải dấn sâu hơn vào rừng để làm nông nghiệp, săn bắn và khai thác rừng”.
“Điều này làm tăng khả năng tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người rất nhiều”.
Con số tử vong thực tế có thể cao hơn
Hiện tại, loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã hoành hành ở các khu vực mới. Nếu trước đây Sankuru vốn là tâm dịch chính, thì nay các chuyên gia ngày càng lo ngại về một đợt bùng phát mới ở tỉnh Maniema lân cận, nơi các ca bệnh đang gia tăng.
“Đợt bùng phát nghiêm trọng nhất bây giờ là ở Maniema, gần Tunda. Mọi người không biết làm thế nào để đối phó với dịch bệnh ở đó”, Tiến sĩ Thierry Kalondji từ INRB cho biết.
Cho đến nay, chỉ có hơn 500 trường hợp được phát hiện trong tỉnh - bao gồm 425 trường hợp mắc bệnh và 50 trường hợp tử vong ở Tunda. Nhưng Tiến sĩ Mbala-Kingebeni cảnh báo rằng con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều do còn rất nhiều trường hợp không được báo cáo.
“Hàng trăm người có thể đã tử vong (vì đậu mùa khỉ)”, Tiến sĩ Mbala-Kingebeni nhận định.
Trong làn sóng dịch bệnh ở Congo lần này, biến thể chủ đạo gây bệnh đậu mùa khỉ là một biến thể nghiêm trọng hơn đến từ Lưu vực Congo. Nó gây tử vong cao với tỉ lệ tới 10% và là loài đặc hữu.
Ngoài CHDC Congo, biến thể nghiêm trọng này còn được ghi nhận ở Cameroon, tồn tại song song với biến thể nhẹ hơn đến từ Tây Phi. Chính biến thể nhẹ hơn này là loại hiện đang lan rộng ra ngoài lục địa đen và có tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều.
Những thách thức về hậu cần mà các nhân viên y tế Congo phải đối mặt là vô cùng lớn. Ví dụ, các nhà nghiên cứu từ Kinshasa, thủ đô của CHDC Congo, phải bay đến thủ phủ của tỉnh Maniema và sau đó lái xe khoảng 200 dặm (322 km) trên những con đường khó đi để đến với các bệnh nhân ở Tunda.
Vì địa phương không có khả năng xét nghiệm, nên mọi mẫu bệnh phẩm đều phải được đưa ngược trở lại Kinshasa theo cùng một hành trình như trên. Từ kết quả xét nghiệm đó, các bác sĩ mới có thể chắc chắn phải làm gì tiếp theo.
Khi các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh được xác định, bệnh nhân sẽ được điều trị các triệu chứng và cách ly. Ngay cả những người tiếp xúc với họ cũng phải cách ly.
Hiện nay, việc sử dụng rộng rãi chiến lược “tiêm chủng vòng” (ring vaccination), tức tiêm ngừa tất cả đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh trong khu vực được chỉ định xảy ra sự bùng phát dịch bệnh, - giống như chiến lược được triển khai ở Anh và phần lớn châu Âu, sử dụng vắc-xin đậu mùa - không phải là chuẩn mực.
“Có những biện pháp kiểm soát rất tốt, nhưng nhiều biện pháp kiểm soát không có sẵn ở đây”, Tiến sĩ Gervais Folefack, điều phối viên chương trình khẩn cấp của WHO tại CHDC Congo, cho biết.
“Những gì chúng tôi đang làm hiện nay chủ yếu là các phương pháp điều trị hỗ trợ để kiểm soát bệnh… cách ly bệnh nhân để ngăn ngừa sự lây lan hơn nữa và quản lý những người tiếp xúc với họ”.
Cái giá phải trả cho sự lơ là cảnh giác
Tiến sĩ Folefack cho biết thêm rằng căn bệnh này trước đây ít được chú ý vì nó được coi là một mầm bệnh chỉ xuất hiện ở những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá căng thẳng.
“Chúng tôi luôn nói rằng bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh bị bỏ quên”, Tiến sĩ Folefack nói.
Nếu so với Ebola, CHDC Congo đang nhận được ít sự giúp đỡ từ các đối tác quốc tế để phản ứng với bệnh đậu mùa khỉ hơn là bệnh Ebola.
Có một hy vọng đang le lói rằng việc virus gây bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ra nhiều nước khác sẽ thu hút thêm sự chú ý khi người ta muốn hiểu rõ hơn về nó và ứng phó với nó.
Cho đến nay, hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận ở gần 30 quốc gia. Nhưng Tiến sĩ Folefack cho rằng còn vô số trường hợp nữa sẽ được xác định trước khi căn bệnh này được kiểm soát.
“Với nhiều trường hợp không liên quan đến các quốc gia nơi đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành, điều đó cho thấy rằng đã có sự lây nhiễm không bị phát hiện trong một khoảng thời gian, và rồi bùng phát thành dịch thông qua một sự kiện siêu lây nhiễm”, Tiến sĩ Folefack cho biết. “Chúng tôi cần phải có một cuộc điều tra hồi cứu để hiểu điều gì đã xảy ra”.
Các chuyên gia ở Nigeria, nơi đã chứng kiến sự gia tăng bất thường của các ca bệnh kể từ năm 2017, đã cảnh báo về khả năng lây nhiễm quốc tế trong nhiều năm. Và thực tế là ca bệnh đầu tiên được biết đến ở Anh có liên quan đến việc du lịch đến quốc gia Tây Phi này.
Năm nay, nhà chức trách Nigeria đã xác định được 21 trường hợp mắc bệnh và một trường hợp tử vong vì đậu mùa khỉ.
Tháng 6/2019, Chatham House cũng đã triệu tập một cuộc họp tại London để thảo luận về mối đe dọa do bệnh đậu mùa khỉ gây ra, trong bối cảnh lo ngại rằng loại virus này sẽ “lấp đầy các ngách sinh thái” do bệnh đậu mùa để lại.
Các chuyên gia - bao gồm cả Giáo sư Heymann, người chủ trì cuộc họp - cảnh báo rằng cần phải gấp rút phát triển các loại vắc-xin và phương pháp điều trị thế hệ tiếp theo để chống lại mối đe dọa này.
“Du lịch toàn cầu và sự dễ dàng tiếp cận các vùng xa xôi và có khả năng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ là nguyên nhân khiến sự cảnh giác toàn cầu cần phải được tăng cường”, những chuyên gia này khuyến cáo.
Hồi cuối tháng 5, Giáo sư Heymann cho biết thêm rằng nghiên cứu về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, do chủng Tây Phi gây ra, không nên bỏ qua biến thể Lưu vực Congo - "trông giống như bệnh đậu mùa".
“Trong khi theo dõi loại virus này, chúng tôi cần chắc chắn về những gì đang diễn ra ở Trung Phi, vì việc lây lan ở đó dễ dàng hơn nhiều”, Giáo sư Heymann nói, đồng thời cho biết rằng họ sẽ theo dõi cả 2 biến chủng vì “khi tiêm chủng giảm đi, các ca bệnh sẽ tăng lên, và mối đe dọa toàn cầu là có thật”.
Tiến sĩ Mbala-Kingebeni nói với Telegraph rằng có một sự thất vọng thực sự trong giới y tế châu Phi rằng các cảnh báo đã không được chú ý và thế giới chỉ chú ý đến căn bệnh này khi nó đã lan ra ngoài lục địa đen.
"Tôi cảm thấy tức giận. Mọi chuyện luôn như vậy. Chúng tôi đã chịu đựng căn bệnh này trong nhiều năm, nhưng sự bùng phát ở chỗ chúng tôi đã bị bỏ qua”, Tiến sĩ Mbala-Kingebeni nói. “Nếu trước đây chúng tôi được hỗ trợ, thì giờ đây thế giới sẽ có những công cụ tốt hơn để điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở phương Tây và châu Âu”.
Minh Đức (Theo The Telegraph)