Trong chuyến đi về nguồn đến Tiền Giang của các bạn trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, PV Người Đưa Tin đã ghé lại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến tại xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), 2 người phụ nữ anh hùng đã cống hiến cả tuổi xuân cho công cuộc giải phóng đất nước, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Theo tư liệu lịch sử công bố tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và Lê Thị Ngọc Tiến, đầu năm 1972, huyện Chợ Gạo mở rộng dần vùng làm chủ, chị Lê Thị Ngọc Tiến (là y tá) cùng với chị Lê Thị Lệ Chi (là y sĩ, Phó Ban Dân y kiêm Trưởng Bệnh xá Dân y huyện Chợ Gạo) được điều về củng cố điểm trạm ở xã Hòa Định.
Ngày 16/4/1972, địch đi càn qua vùng căn cứ, chị Tiến và chị Chi bị chúng phát hiện khi đang trú ẩn dưới hầm bí mật, đã xả súng bắn sập nắp hầm. 2 chị bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng 2 chị kiên quyết không khai hầm ẩn giấu thương binh. 2 chị hy sinh anh dũng, bảo vệ an toàn cho 18 thương binh.
Chị Tiến hy sinh khi tuổi đời 21, chị Chi mới chỉ 31 tuổi. Ngày 23/5/2005, chị Lê Thị Lệ Chi và chị Lê Thị Ngọc Tiến được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tinh thần Anh hùng bất khuất
Tại nhà tưởng niệm, PV đã có cơ duyên trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mười Hai (73 tuổi), là đồng đội của 2 liệt sĩ trong cuộc kháng chiến. Qua lời kể “nhân chứng sống” mới thấy rõ hơn sự anh dũng, kiên cường và những câu chuyện của các nữ dân y trong thời chiến, có vui, có buồn, gian khổ nhưng thấm đẫm tinh thần dân tộc.
Nhớ lại thời gian đau đớn ấy, bà Mười Hai cho biết: “Thời đó, tình hình của Chợ Gạo rất ác liệt, chỉ có 131 ấp nhưng mà lên đến 155 đồn giặt. Tình hình chiến đấu căng thẳng, địch bắn phá rất nguy hiểm. Lúc đó, chị Tiến và chị Chi đã chuyển thương binh về An Quới, Bến Tre để tránh mũi nhọn của địch. Đến năm 1972, tình hình tại Chợ Gạo ổn định hơn, do đó các chị cũng như Huyện uỷ và Phòng y tế của huyện chuyển thương binh và dân y của huyện về Chợ Gạo, lúc đó đóng ở xã Hòa Định".
Lúc chuyển về địa phương, các thương binh sử dụng những hầm bí mật cũ đã đào từ trước, còn 2 chị sử dụng những hầm mới đào được 10 ngày. Sáng ngày 16/4/1972, có một trận càn của địch. Lúc đó, tên đội trưởng của địch càn quét vào xã Hòa Định, tiến đến khu vực ẩn trốn của chị Tiến và chị Chi. Sau khi chuyển hết thương binh xuống hầm trú ẩn và gài mìn, 2 chị lui về hầm trú ẩn của bản thân, nhưng do hầm và lá ngụy trang còn mới, khi địch đến, hầm của 2 chị bị sập.
Bọn giặc đã phát hiện, yêu cầu 2 chị lên, ép đầu hàng và khai ra nơi trú ẩn của bộ đội, thương binh nhưng 2 chị quyết ở dưới và không lên. Sau đó, chúng bắn và ném lựu đạn để trấn áp tinh thần nhưng 2 chị vẫn rất kiên quyết.
Sau cùng 2 chị cũng bị bắt lại. Bọn chúng đã sử dụng nhiều biện pháp tra tấn dã man để 2 chị không còn giữ vững ý chí, tra tấn ép buộc khai báo chỗ giấu thương binh. Tối đến, chúng đã sát hại chị Tiến, tra tấn tinh thần chị Chi. Lúc bấy giờ, chị Chi nói: "Tụi bây là quân khốn nạn, tao không khai". Trước sự kiên cường của chị, chúng không thu được thông tin gì và hành quyết chị ngay sau đó”.
Chị Tiến và chị Chi đã anh dũng hy sinh bảo vệ an toàn cho 18 thương binh, để lại tấm gương dũng cảm của người phụ nữ Việt Nam, không khuất phục trước bạo lực của kẻ thù. Ngày 23/5/2005, đồng chí Lê Thị Lệ Chi về Lê Thị Ngọc Tiến được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tấm gương cho thế hệ mai sau
Dù ở độ tuổi trăng tròn, nhưng những người phụ nữ anh hùng ấy đã gác lại tuổi xuân, lên chiến trường vì sự độc lập của dân tộc. Trải qua thời gian ác liệt và khó khăn phẩm chất người phụ nữ Việt được bộc lộ rõ ràng hơn nữa. Các chị bất khuất với địch, trung hậu - đảm đang với những đồng đội của mình.
Nhớ về ngày xưa, bà Mười Hai kể lại rằng: “Năm 15 tuổi, chị Tiến và tôi đi dân công hỏa tuyến, tải thương, tải đạn. Công việc lúc đó rất nhiều, hầu như đêm nào 2 đứa tôi cũng đi hết. Đến năm 1968, chị Tiến được đi học khóa y tế rồi trở về phục vụ nhân dân ở xã Quân Lâm. Lúc đó, Quân Lâm là một điểm chiến trường từ Mỹ Tho về đến Hòa Định.
Chúng tôi mỗi đêm nhận từ 50 đến 100 thương binh. Chị Tiến còn trẻ nhưng lại kiên cường. Khi nhận thương binh và đến lúc chuyển đi, chị lo hết số thương binh đó từ lau chùi, tắm rửa, dọn dẹp, cơm nước cho các anh. Chị là một người rất có tâm, nhớ có lần hết nước biển mà không gửi mua được, chị leo lên cây dừa cắn răng mang trái dừa xuống chứ không cho rơi vì sợ dập, lấy nước không được”.
Tấm gương của các chị là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ trẻ ngày nay. Những câu chuyện về sự can đảm, ý chí và lòng dũng cảm của những phụ nữ đã chiến đấu cho tự do, công lý và quyền lợi của dân tộc không chỉ là một phần của quá khứ, mà còn là hành trang quý báu cho tương lai.
Thế hệ trẻ hôm nay, khi được tiếp xúc với những câu chuyện về những nữ anh hùng, chúng ta có thể học hỏi được những phẩm chất quan trọng như lòng kiên nhẫn, sự quyết đoán, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội. Những tấm gương này giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của tự do, công bằng và lòng yêu nước, cũng như khuyến khích chấp nhận thách thức và vượt qua khó khăn trong cuộc sống.