Đưa hình ảnh Bác vào trái tim du khách
Vừa thuyết minh xong cho đoàn hơn 50 em học sinh, chị Lương Thị Định, nữ thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tranh thủ uống ngụm nước, chỉnh lại micro để đón đoàn tiếp theo.
“Những ngày tháng 5 này, đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) nên có rất nhiều đoàn du khách từ trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng. Vì vậy, chúng tôi cũng nỗ lực giúp mọi người hiểu hơn về cuộc đời vĩ đại của Người. Dù mệt nhưng rất vui”, chị Định nói.
“Sinh ra ở quê hương Nam Đàn, sau khi ra trường lại được quay về chính quê hương của Bác để làm việc, bản thân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Chính tình cảm, niềm xúc động của mọi người đã bồi đắp trong tôi tình yêu Bác nhiều hơn, yêu nghề nhiều hơn”, chị chia sẻ.
Vào ngày lễ lớn, khu di tích đón khoảng 500 đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước, chưa kể du khách nước ngoài. Nhiều đoàn thường có yêu cầu thuyết minh riêng để cảm nhận sâu sắc nhất, kĩ lưỡng nhất về làng quê, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác. Những lúc đó, chị em vận dụng tối đa kinh nghiệm và kiến thức thuộc phạm vi thuyết minh về Bác để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, đối với học sinh, các chị càng chú tâm giới thiệu từng hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Bác. Thuyết minh một cách uyển chuyển, cách kể chuyện cũng cuốn hút, ngắn gọn. Ngoài ra, trong lúc kể chuyện, các chị sẽ hỏi lại các em những điểm chính để các em luôn ghi nhớ. Nếu có thời gian, các chị lại lồng vào những bài hát về Bác Hồ với thiếu nhi khiến các em rất hào hứng.
“Mỗi đoàn khách với lứa tuổi, vùng miền, ngành nghề khác nhau đều có những kỷ niệm, tình cảm khác nhau mà Bác Hồ dành cho họ nên không phải đoàn nào mình cũng nói giống nhau mà phải có sự liên hệ để thấy Bác rất gần gũi”, chị Định nói.
Gần 26 năm làm thuyết minh viên, chị Phùng Thị Hương Giang không nhớ nổi mình đã đón và kể chuyện về Bác cho bao nhiêu đoàn khách tham quan. Chỉ biết rằng mỗi ngày, chị Phùng Thị Hương Giang thường đón và thuyết minh cho khoảng hơn 20 đoàn khách. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, con số này tăng lên gấp bội. Được tiếp đón và phục vụ khách tham quan trên quê hương Người càng khiến chị tự hào và yêu quý công việc của mình hơn.
“26 năm được phục vụ Bác và làm việc trên quê hương Bác, những cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn như những ngày đầu. Hàng ngày, mình nói về Bác thì càng cảm phục Bác và coi Bác như tấm gương để học tập làm theo”, chị Giang nói.
Một điều đặc biệt, dù đón tiếp đoàn khách miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, các thuyết minh viên vẫn giữ nguyên giọng nói đặc trưng xứ Nghệ. Từng câu, từng chữ, đưa đến cho người nghe cảm xúc về sự chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của con người xứ Nghệ, quê hương xứ Nghệ, nơi đã hun đúc và hình thành nên cốt cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nỗ lực học tập theo Bác suốt đời
Song song với nhiệm vụ tham gia hướng dẫn ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, các cán bộ thuyết minh còn được cơ quan giao nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết minh các chuyên đề về Bác ở các đơn vị ngoài Khu di tích như trường học, đơn vị quân đội, đoàn viên thanh niên...
Hàng năm, các cán bộ thuyết minh thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, học thêm kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, làm các chuyên đề chuyên sâu và nghe thêm các câu chuyện hết sức thú vị về Bác Hồ.
Chị Phạm Thị Oanh, nữ thuyết minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết thêm, chứng kiến tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Bác, đó chính là động lực để các chị luôn cố gắng, nỗ lực hết mình, làm mới nội dung và hình thức thuyết minh.
“Suốt 12 năm gắn bó với công việc thuyết minh tại quê Bác, tôi luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân quen của Bác còn vương bên những mái nhà tranh, nơi Bác đã sinh ra và sống những tháng ngày thời niên thiếu. Với mỗi đoàn khách đến tham quan, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng truyền tình yêu bao la của Bác đến tất cả đồng bào trên mọi miền Tổ quốc”, chị Oanh nói.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, đến năm 1989 mới tiến hành thi tuyển những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đầu tiên.
Hiện, Khu di tích có 17 thuyết minh viên, tất cả đều là người xứ Nghệ, đều sở hữu chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào, đầm ấm. Âm thầm, lặng lẽ, các chị góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ những tài sản thiêng liêng về vật chất và tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lan tỏa hình ảnh một vĩ nhân song có cuộc sống đời thường rất đỗi đơn sơ, giản dị đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
“Các cán bộ thuyết minh luôn có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yêu nghề, trách nhiệm với công việc, luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ du khách. Ban quản lý đang chú trọng đào tạo tiếng nước ngoài cho các thuyết minh, hiện đã có 6 cán bộ thuyết minh thành thạo bằng tiếng Anh, một cán bộ thuyết minh tiếng Pháp và đang đào tạo 5 cán bộ thuyết minh tiếng Lào”, ông Tuấn cho biết.