Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, tính đến cuối tháng 4/2015, người dân trên địa bàn đã đầu tư trồng được gần 7,5 ha cây tam thất. Cây tam thất được người dân tự đầu tư trồng ở các xã: Sán Chải 0,9 ha, Nàn Sán 2,3 ha, Mản Thẩn 4,2 ha.
Huyện Si Ma Cai ( Lào Cai ) dự kiến phát triển diện tích trồng tam thất lên 50 ha vào năm 2020. Nếu điều đó trở thành hiện thực, huyện đặc biệt khó khăn này sẽ là vựa tam thất lớn nhất nước.
Nhiều người dân huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã đầu tư vào trồng cây tam thất. (Ảnh Nông Nghiệp Việt Nam)
Được biết, người tiên phong đầu tiên trồng cây tam thất này là ông Giàng Seo Sì (Thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai). Ông là một người buôn trâu xuyên biên giới đệ nhất huyện Si Ma Cai. Với thâm niên hơn 20 năm đánh trâu sang tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) rồi nhập ngựa từ nước bạn về, ông Sì nói tiếng Hoa như tiếng mẹ đẻ. Thấy những phú hộ huyện Mã Quan, Châu Vân Sơn (cái nôi tam thất của Trung Quốc và thế giới) giàu nứt đố đổ vách từ trồng cây tam thất, ông Sì quyết tâm học bằng được bí quyết trồng loại dược liệu “hái ra tiền” này.
Ông Sì chia sẻ, nhiều người bảo ông là quá liều, khi dám bỏ gần hơn nửa tỷ đồng để đầu tư vào trông loại cây cao cấp mà ở địa phương chưa hề có "tiền lệ" ai trồng bao giờ. Nhưng được gia đình động viên, và rất tin tưởng vào điều mình chứng kiến, học hỏi từ những người anh em bên huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nên Sùng Seo Sì quyết tâm đầu tư.
Sau 8 tháng, cây trổ bông trắng muốt, chủ vườn cắt được gần 1 tạ nụ hoa bao tử tươi, đổ buôn cho thương lái 40 triệu đồng. Đáng mừng hơn, củ tam thất đã to gấp 3 lần lúc mới trồng.
Theo dự kiến của ông Sì đến tháng 11/2015 sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích cây tam thất