Thần đồng không phải mình đồng da sắt
Trước tiên, cần phải nói rõ về chữ thần đồng có ngoặc kép mà người viết sử dụng ở tiêu đề, cách dùng từ này hoàn toàn không có ý tâng bốc hoặc ngược lại, cạnh khóe gì về khả năng của Đỗ Nhật Nam. Người viết dùng nó chỉ vì không có cách diễn đạt nào đúng và đúng hơn với hoàn cảnh hiện tại của em. Cách đây một tuần, khi video clip của em chưa bị "đào xới", người ta đã dùng từ này cho em với nghĩa tích cực. Thần đồng, tuy cũng hơi quá với em nhưng không phải là không có lý.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Đây là cái lý: Năm 2012, Nhật Nam đã được Trung tâm Sách Kỉ lục Việt Nam ghi nhận là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Em là một gương mặt khá quen với công chúng vì đã làm MC nhiều chương trình truyền hình như Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Quả chuông nhỏ, trò chuyện cùng bé (VTV2). Cậu bé 12 tuổi cũng là một cái tên nổi tiếng vì là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam với hai bản dịch "Nạp điện" và "Mặt trời mọc, mặt trời lặn" khi mới 7 tuổi.
Đỗ Nhật Nam có những thành tích đáng nể trong học tập, đặc biệt là tiếng Anh. Em từng đoạt giải Thí sinh tài năng của kỳ thi viết bài luận của trường đại học St.Andrew (Anh), giải Nhất kỳ thi tiếng Anh do Sở GD&ĐT Hà Nội và Trung tâm Việt - Anh tổ chức và thi TOEIC đạt 940/990 điểm, IELTS đạt 6.5/9.0.
Năm 2012, cậu phát hành quyển sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", tạo nên một hiệu ứng đáng kể trong làng xuất bản. Thông minh và dí dỏm, cậu bé phản ứng rất nhanh trước những câu hỏi bất ngờ và cũng khiến người hỏi bất ngờ vì câu trả lời của mình. Bất kỳ ai nghe cậu nói chuyện đều có chung một suy nghĩ: Đỗ Nhật Nam có cái đầu già trước tuổi.
Với những thành tích đáng nể và sự tự tin hiếm có, em được báo giới săn đón và cưng chiều. Người ta gắn cho em rất nhiều danh hiệu, trong đó có hai từ thần đồng. Thời gian này, người ta lại gán cho Nhật Nam mỹ từ đó, nhưng với ý châm biếm. Mọi chuyện xuất phát từ video clip từ năm ngoái của em được một tờ báo đăng lại. Người ta chú ý đến những phát ngôn của Nhật Nam cách đây một năm, khi em vừa cho xuất bản quyển sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?".
Nhật Nam (thứ hai từ phải sang) bên các độc giả nhí
Trong video clip đó, Nhật Nam trả lời các câu hỏi liên quan đến quyển sách mới cũng như thói quen đọc sách của mình. Câu trả lời có bản sắc, cùng với phong thái tự tin của em khiến cộng đồng mạng không hài lòng. Nhiều người cho rằng em khoe khoang (khi nói về một tủ sách to "choán cả căn phòng"), nhiều người nhận xét em là "ông cụ non", "một cậu bé không có tuổi thơ" khi đưa ra những ý kiến cá nhân về việc đọc, đồng thời đưa ra lời khuyên về cách đọc sách hiệu quả (khi phóng viên đưa ra câu hỏi).
Em nói: "Nên đọc những quyển sách có độ khó tăng dần, như thế đầu óc mình sẽ được linh hoạt hơn. Chẳng hạn như người nào đó đi xuống lòng đất, người ta sẽ đi từ từ chứ không trèo tụt xuống, vì như thế áp suất sẽ giảm đột ngột và sẽ thiếu không khí. Khi đọc sách, chúng ta nên nghiền ngẫm và đọc nhiều lần để có thể nhớ được những kiến thức đó. Không nên đọc truyện tranh nhiều mặc dù đôi lúc truyện tranh cũng có tác dụng nhưng như mẹ em nói nó cũng là con sâu đục phá tâm hồn".
"Bới bèo ra bọ"
Có lẽ cần phải phân tích từng yếu tố một. Các cụ xưa đã đúc kết rất rõ: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", ý nói trẻ em rất dễ bị "moi" thông tin, hỏi gì cũng nói. Việc một đứa trẻ nói về tủ sách to của mình với giọng điệu đầy tự hào, xét thấy chẳng có gì là khoe khoang, có thể em đã nói quá lên khi khua tay tả về "kho tàng" của mình. Nhưng trẻ con đứa nào chẳng thế. Nhật Nam mới 12 tuổi, và người lớn có quá soi xét không khi nhìn vào đó để nhận định về một cậu bé?
Câu trả lời của em về cách đọc sách, theo chủ kiến của người viết, là đúng. Cách so sánh của em có thể chưa hay (vì mọi so sánh đều khập khiễng) nhưng đó là suy nghĩ của bản thân em và em dám nói ra. Điều đó cần được khuyến khích hơn mọi sự quy chuẩn được "nhồi sọ" và sản xuất hàng loạt như văn mẫu.
Câu cuối trong trích dẫn nêu ở trên, có lẽ là lý do chính khiến em bị "ném đá". Một cậu bé chỉ thích đọc sách về tin học, xã hội, chính trị, khoa học và nói truyện tranh là "con sâu đục phá tâm hồn". Hẳn nhiên điều đó khiến em khác với các bạn ở cùng lứa tuổi em và khác với người lớn khi họ còn ở tuổi 12.
Có người "cạnh khóe" rằng ở độ tuổi 12, chắc Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn còn đọc truyện tranh, thực hư thế nào chắc có GS Ngô Bảo Châu mới có thể trả lời được nhưng rõ ràng người lớn đã không thiện chí khi phát ngôn ra câu nói đó. Nhưng có lẽ em chẳng cần phải có tuổi thơ giống ai cả, em có tuổi thơ của riêng em, tuổi thơ của Đỗ Nhật Nam, của một dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam và một tác giả nhí ăn khách. Sự nổi tiếng khiến em phải gồng mình, vì em còn nhỏ nên bố mẹ em đã lựa chọn giúp em và hiện tại, em hạnh phúc với điều đó, vậy là đủ.
Cần phải khẳng định, lần so sánh này của em không hay và không đúng. Truyện tranh hoàn toàn không phải là con sâu đục phá tâm hồn, truyện tranh nuôi dưỡng trí tưởng tượng, gửi gắm những bài học sâu sắc đằng sau những nét vẽ và những câu hội thoại đơn giản… Nhật Nam có lẽ không đủ kiên nhẫn để nhận ra điều đó, bao nhiêu thời gian và trí lực, em đã dồn vào việc đọc những tác phẩm khó, dịch sách và viết sách rồi.
Cá nhân người viết còn biết, em đang viết một phần mềm giáo dục giới tính cho độ tuổi thiếu nhi. Em đa tài và đa năng nhưng một ngày của em cũng chỉ có 24 tiếng nên em phải lựa chọn và đánh đổi, điều đó liệu có đáng trách?
Blogger Mimosa12 cho rằng phản ứng của dư luận dường như hơi gay gắt đối với Nhật Nam. Sức mạnh của "truyền thông" là rất lớn, chỉ cần một vài lượt bình luận, chia sẻ là ngay lập tức tạo ra phản ứng dây chuyền. Mimosa12 viết: "Với một cậu bé, có thể đây sẽ là cú sốc tinh thần lớn.
Nhiều người trước đây coi em là thần tượng thì nay có thể thần tượng đã sụp đổ hay có những phụ huynh trước đây muốn mua sách của Nam về để dạy con học và khuyên con nên học theo Nhật Nam thì nay có thể sẽ tránh thật xa, coi em như một loại virus làm lây nhiễm căn bệnh mọt sách, ông cụ non, tự kiêu,...
Và trẻ con thì không nên thế. Rồi có ý kiến cho rằng mọi người đang "giết" đi một tài năng. Người kém cỏi thì bị coi thường, tài năng thì bị ghen tỵ. Nhật Nam vẫn sống vui vẻ, vẫn có bạn bè, vẫn cống hiến cho xã hội (trong khả năng của em) thì hà cớ gì cả đống người đi nói một đứa trẻ. Đó là quyết định của em. Đâu ảnh hướng tới ai?".
Đứng ở góc nhìn khác, blogger "nổi đình nổi đám" Toàn Shinoda đưa ra ý kiến: "Bé Nam không có lỗi khi chọn con đường sách vở ngay từ bé cho bản thân nhưng phụ huynh bé lại là những người đáng trách bằng việc hướng con cái theo con đường họ thích, họ đã không ngại giẫm đạp lên những trải nghiệm có ích đối với những trẻ em khác. Nói cách khác, nếu muốn mọi người tôn trọng sở thích riêng của bạn, thì hãy tôn trọng mọi người bằng cách đừng giẫm đạp những sở thích của họ".
Một Nhật Nam rất... trẻ con Có một điều ít người biết, Nhật Nam ở độ tuổi học lớp 6 nhưng đã được "nhảy cóc" để học lớp 8. Cậu bé được các thầy cô yêu mến, đặc biệt là các giáo viên nước ngoài. Nhật Nam chia sẻ, em coi học tập là một niềm vui, tuy học nhảy cóc có nhiều bài tập hơn nhưng em không hề cảm thấy có bất kì áp lực gì. Lúc 6 tuổi, Đỗ Nhật Nam mong muốn trở thành Bộ trưởng bộ Ngoại giao của nước Mỹ, lên 8 tuổi, em muốn trở thành nhà sinh học còn khi 11 tuổi, Nhật Nam mong muốn trở thành một lập trình viên. Nhật Nam nói: "Bố em nói em có khả năng về ngôn ngữ nên em làm quen với ngôn ngữ lập trình rất nhanh. Đây là một cơ hội tốt để em theo đuổi niềm đam mê của mình và từ giờ đến khi lớn, niềm đam mê của em sẽ không thay đổi". |
Thanh Xuân