Thế đất “phượng chùy”
Cụ Hoàng Thế Xương là người đã bỏ rất nhiều năm để nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Làng Đa Sĩ. Cụ đã giúp phóng viên tìm lại các nguồn sử liệu, bia mộ và các nhân vật liên quan.
Cụ Xương bảo rằng, sở dĩ nơi đây có nhiều người đỗ đạt cao là do các cụ đã biết cách hấp thụ linh khí của trời đất. Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng, đất Đa Sĩ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hòa, dân làng làm ăn thịnh đạt và đúng như tên gọi của dân làng.
Cụ HoàngThế Xương là người đã tốn cả đời để nghiên cứu về lịch sử và văn hóa làng Đa Sĩ.
Cụ tổ Phúc gia tiên sinh đã chọn đất, tậu đất xây dương trạch, mở trường dạy học, đặt âm phần ở xứ Đống Dấm (Xứ Đồng ở giữa đất Đa Sĩ bây giờ” vào những năm cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Khi đất thiêng phát phúc, năm Tân Mão 1411, cụ sinh được một người con trai có thiên tư tuyệt đẹp, thông minh đĩnh ngộ. Cụ đặt tên là Hoàng Trình Thanh. Với tài năng hiếm có, Hoàng Trình Thanh đã thi đỗ và giữ những chức quan lớn. Ông là người nắm giữ những chức trách quan trọng qua 4 triều vua. Ông được coi là người mở đầu khoa danh cho dòng họ Hoàng nói riêng và làng Đa Sĩ nói chung.
Câu chuyện về phong thủy vùng đất hiếu học này còn được ghi rất rõ trong sử sách. “Các sách cũ như Đa sĩ Hoàng tông gia phả, Đại Nam long thủ liệt truyện” có nói tới việc cụ tổ dòng họ Hoàng là Hoàng Phúc Nguyên, gốc ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, nhờ có “thần tâm thánh nhãn” đã tìm được ngôi làng bấy giờ vẫn mang tên là Huyền Khê – một huyệt đất có thế “phượng chùy” (mỏ chim phượng), bèn tậu lấy, di cư đến, mở trường dạy học và âm táng mộ phần cha mẹ.
Mấy năm sau vợ chồng ông sinh hạ được Hoàng Trình Thanh và dòng họ Hoàng bắt đầu “phát” cả về khoa danh sự nghiệp, lẫn nhân đinh từ đấy. Gia phả chi họ Hoàng Trung Phú còn ghi rõ: Đó là nhờ sự linh ứng của thế đất, với tột đỉnh của 3 nguồn sáng, dồi dào của 4 dòng nước (“tam quang cập đệ – Tứ trụ thủy lưu) ứng với 4 chi họ Hoàng, khởi đầu từ 4 con trai của Hoàng Trình Thanh, trong đó có 3 chi trụ lại và trường tồn ở Huyền Khê.
Cụ Xương ví von về cái tên dân gian cổ truyền của chỗ đất phát tích ra truyền thống hiệu học rằng, “Đống Dấm là nơi dấm ngọn lửa hồng, là nơi dấm những mầm non nhân tài của Huyền Khê hàng trăm năm về trước”.
Theo giáo sư Sử học Lê Văn Lan: “Chúng tôi vẫn kính nể cái thuật này, tuy nhiên, hằng tin theo lời Khổng Tử nói về quỷ thần, rằng: “Quỷ thần kính nhi viễn chi” (Quỷ thần thì kính nhưng mà xa ra), cho nên đối với việc coi chuyện đất cát, mồ mả... là sự đảm bảo cho truyền thống học hành giỏi – đỗ đạt cao do cụ Hoàng Trình Thanh để lại thì chúng tôi xin có thái độ với việc quỷ thần vậy thôi”. Do đấy, xin được tin vào một hệ thống những điều đảm bảo khác, cho truyền thống này. Ấy là, chẳng hạn giống như vế câu đối đang treo ở hậu cung ngôi từ đường họ Hoàng Đa Sĩ đã nói rất hay, là “Chấn cố hữu quang trâm hốt truyền gia bằng tổ ấm “một nhà vẻ vang, hào quang vang động các đời, là nhờ vào giá trị tổ tiên để lại), ở đây đã có sự khẳng định về một niềm tôn kính mãnh liệt, rằng sự hiển đạt của một họ tộc – như họ Hoàng Đa Sĩ – sở dĩ có được, là do tổ tiên biết gây dựng và lưu truyền các giá trị – chính là chữ “ấm”, trong tổ hợp từ tổ ấm – cho con cháu và các đời con cháu thì phải biết noi theo, thừa kế và phát huy các giá trị ấy”.
Từ chỉ Đống Dấm là nơi ghi dấu truyền thống hiếu học của dân làng.
Từ “dòng nước huyền diệu” đến làng tiến sỹ
Cụ Xương dẫn chúng tôi đi thăm Từ chỉ Đống Dấm, một mô đất cao ráo. Từ chỉ cổ kính là nơi tôn kính nhất làng. Bên cạnh có những cây cổ thụ có niên đại khoảng 500 năm. Đã qua bao thế kỷ, dân làng vẫn thay nhau quét dọn và hương khói để nhắc nhở con cháu phải giữ lấy truyền thống hiếu học. Được biết, trước mỗi kỳ thi, các sỹ tử đều đến đây để thể hiện quyết tâm thi cử của mình. Cụ cho biết, sở dĩ nơi này trang nghiêm và thiêng liêng như vậy vì xưa kia là “vườn học” của các sỹ tử trong làng. Đây là nơi duy nhất có truyền thống “vườn học”, nơi đào tạo và rèn luyện nhân tài nho học. “Đó là lò luyện thi chuẩn bị kiến thức cho các bậc danh sỹ trong làng luyện kiến thức cho các sỹ tử trong làng tham gia các kỳ thi Cống, Hương, Hội, Đình”, cụ Xương nói.
Dòng họ Hoàng là “dòng họ khoa danh kế thế, thi lễ truyền gia”. Trong “Lịch triều đăng khoa lục”, “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” và “Hoàng Việt thi lục” có nhắc đến các nhân vật như Trạng nguyên lưỡng quốc Hoàng Nghĩa Phú và 7 cháu chắt đỗ tiến sỹ, chức vụ từ Thượng thư, Thị Lang, Giám sát Ngự sử, Chủ sự, Tri Phủ, Thái y viện. Tính đến hết triều Lê có 24 đời cháu chắt đỗ đạt trọng nhận quan chức.
Cả làng Đa Sĩ có 11 vị tiến sỹ và 1 trạng nguyên lưỡng quốc bao phong, được lưu danh trên văn bia sử sách. Xưa kia, cánh cửa của Quốc Tử Giám là nơi tuyển chọn nhân tài quốc gia. Việc thi tuyển cực kỳ nghiêm ngặt, chặt chẽ. Những tưởng chỉ các con cháu Công hầu, Khanh tướng có điều kiện “học hành đến nơi đến chốn” mới có thể thi đỗ. Nhưng, chính các sĩ tử nghèo của làng Đa Sĩ đã đường hoàng bước vào cánh cửa danh giá ấy. “Nhờ truyền thống hiếu học đó, ngôi làng đã vinh hạnh được đổi tên. Tên gốc của làng là “Huyền Khê” (dòng nước huyền diệu), đổi thành “Đan Sĩ” (bến đợi thuốc thang) và cuối cùng lấy tên là “Đa Sĩ”. Đa sĩ tức là làng có nhiều tiến sỹ”, cụ Xương nói.
Hầu hết những vị quan ở làng Đa Sĩ đều rất thương dân và được nhân dân kính nể. Bản thân tiến sỹ Hoàng Trình Thanh đã được nhân dân hai làng Chi Nê và làng Tử Vy lập đình thờ Thành Hoàng làng, bởi ông đã có công khai hóa tạo dựng trường học, dạy dân học hành. Ông là ân sư của hai làng đó. Cháu chắt ông như tiến sỹ Hoàng Khắc Minh, trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, tiến sỹ Hoàng Tế Mỹ hết lòng thương dân, đã miễn thuế rồi cấp ruộng đất cho dân nên được nhân dân bốn làng ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông làm đình thờ Thành Hoàng làng từ 400 – 500 năm nay.
Truyền thống hiếu học của làng vẫn luôn được coi trọng và phát huy. Cụ Xương cho biết: “Dân làng đã lập văn bản vào tháng trọng thu năm Minh Mệnh thứ 20 (tức tháng Tám âm lịch năm 1939) có câu “Các đấng tiên hiền do trời đất bẩm sinh cho biết trước việc trời mà dẫn dắt người đời sau, cho nên chúng ta ngày nay phải biết nêu cao gương ấy”. Một văn bản khác cũng nhắc nhở dân làng: “Làng phải lập lăng thờ, lập bia theo thứ tự khoa danh trước sau, thì hậu thế mới thịnh vượng giỏi giang được. Phải thiết lập nơi thờ cúng nghiêm cẩn để kính tôn tiên hiền, giáo dục đời sau noi gương tiếp bước”.
Được biết, hiện nay, con cháu trong làng vẫn giữ được truyền thống hiếu học. Đã có nhiều người giỏi giang, thi cử đỗ đạt cao và đảm nhiệm những trọng trách lớn.
Những báu vật của làng Từ chỉ Đống Dấm là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã nuôi dưỡng tiến sỹ Hoàng Trình Thanh trưởng thành thành đạt, hiện còn lăng thờ và tấm bia ghi sự tích lập vào đời Gia Long thứ 14 (1815). Nhà thờ tiến sỹ Hoàng Trình Thanh ở giữa làng Đa Sĩ, xây dựng từ đời Nguyễn đã bị giặc Pháp tàn phá và đã được con cháu dựng lại từ năm 1952. Phần mộ của Hoàng Trình Thanh, Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú, Hoàng Giáp Hoàng Du từng được giữ gìn truyền đời từ thuở các vị quy tiên. Tất cả đều là di tích cổ, hiện đang bị xuống cấp lại chịu cơn sóng đô thị hóa. |
Hoàng Thế Tào