Con đường "tắt" đến với hội họa
Họa sĩ Trần Thị Thu Hà sinh năm 1952 tại Huế. Bà sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội họa sĩ Thu Hà là nghệ nhân điêu khắc trong cung đình Huế. Nhờ có nhiều biệt tài nên ông được cất nhắc làm đội trưởng và sau này để lại nhiều danh tiếng cho con cháu. Các thành viên trong gia đình của nữ họa sĩ đều yêu thích và có khả năng thi ca, văn chương, nhạc họa.
Tuy có năng khiếu trong lĩnh vực hội họa và từ bé được cha mẹ cho học vẽ nhưng đến khi trưởng thành, họa sĩ Thu Hà vẫn chọn học ngành kinh tế thương mại. Tuy vậy, bên cạnh việc học kinh tế, bà vẫn yêu thích âm nhạc và thưởng lãm tranh. Bà cũng tập tành vẽ những hình ảnh đơn giản để giết thời gian trong những lúc rảnh rỗi. Nhưng, với bà, vào thời điểm đó, vẽ tranh chỉ là cách giải trí thư giãn tao nhã và đầy lãng mạn.
Vợ chồng họa sĩ Thu Hà bên bức tranh chú mèo biết xem tranh.
Sau ngày lấy chồng và vào Sài Gòn sinh sống, bà vẫn giữ được mối thân tình với các họa sĩ nổi tiếng như họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh), họa sĩ Chóe... Từ những tình bạn bền chặt này, họa sĩ Thu Hà đã phát hiện ra một tình cảm đặc biệt của mình dành cho hội họa.
Từ thời điểm đó, bà say sưa vẽ. Không kể ngày hay đêm, nữ họa sĩ này vẫn ngồi ngay tại phòng tranh Tự Do do chính bà thành lập đêẩ miệt mài vẽ. Ngôi nhà của người đàn bà này cũng chính là phòng tranh Tự Do nên hằng ngày nữ họa sĩ được tiếp xúc cũng như trao đổi kinh nghiệm vẽ tranh từ những họa sĩ đàn anh có tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật nước nhà sau những năm thống nhất. Nhiều họa sĩ chọn phòng tranh Tự Do để triển lãm tranh và cũng là cơ hội để gặp nhau luận bàn về nghề nghiệp. "Thời gian đó, rất nhiều họa sĩ đến phòng tranh của tôi. Chính họ là những người bạn, người thầy cho tôi những kinh nghiệm quý báu. Đó là cách học tắt của tôi."
Không có cơ hội học qua trường lớp chuyên nghiệp nhưng tình yêu hội họa và những mối giao tình đã tạo cơ hội cho bà cắt ngắn thời gian học môn nghệ thuật này.
Người chủ lập phòng tranh Tự Do đầu tiên
Chia sẻ về chữ duyên trong nghề hội họa, nữ họa sĩ này cho biết: "Thú thực tôi đến với nghề này cũng nhờ cái duyên. Cái duyên đầu tiên là khi tôi được họa sĩ Rừng mượn nhà để triển lãm tranh. Từ lần ấy, đời tôi rẽ sang một hướng khác. Tôi biến thành họa sĩ và nữ chủ nhân của phòng tranh tư nhân đầu tiên".
Theo lời bà Hà, lúc đầu, gia đình đã lên kế hoạch kinh doanh vì nhà nằm ngay mặt tiền đường Đồng Khởi, con đường sầm uất, náo nhiệt nhất Sài thành thời đó. Thế nhưng, mọi tính toán đều thay đổi. Không phải là một cửa hàng kinh doanh mà thay vào đó là một phòng tranh tư nhân giản dị. Đây là tiệm tranh tư nhân đầu tiên ra đời tại Việt Nam sau 1975.
Năm 1989, họa sĩ Rừng ngỏ ý mượn nhà cô bạn Thu Hà làm triển lãm cá nhân. Với tình bạn gắn bó mấy chục năm, nữ chủ nhân ngôi nhà vui vẻ đồng ý và cùng bắt tay vào việc hợp thức hóa bằng cách cố gắng xin phép cơ quan chức năng cho phép làm triển lãm tư nhân. Ở thời điểm ấy, sở Văn hóa thông tin chưa ban hành một quy chế cụ thể về việc tự tổ chức một triển lãm cá nhân tại một phòng tranh tư nhân.
Bức tranh "hoa", bức tranh đầu tiên của nữ họa sĩ.
Từ khó khăn không thể để diễn tả hết nỗi vất vả của bà, người đi tiên phong trong việc lập phòng tranh tư nhân cũng như lập nên một qui chế hành chính mới. Họa sĩ Thu Hà tự mình chạy vạy khắp nơi xin giấy phép và cuối cùng cũng nhận được con dấu đỏ. Sau khi nhận được sự đồng ý, bà Hà và họa sĩ Rừng bắt tay vào chuẩn bị trang trí cho phòng tranh. Với những chuẩn bị kỹ lưỡng bằng tất cả những gì có được, triển lãm tranh của họa sĩ Rừng đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Theo đó, 2/3 số tranh mang đến triển lãm của họa sĩ đã được nhiều người yêu mến mua về.
Sau thành công ngoài mong đợi trên, nhiều họa sĩ dần biết đến Thu Hà. Họ tụ họp lại rồi đề nghị chủ nhân phòng tranh Tự Do chính thức thành lập phòng tranh một cách lâu dài. Được sự ủng hộ và sẵn lòng hiến dâng cho mỹ thuật, họa sĩ Thu Hà đã bất chấp những rủi ro, khó khăn mà dấn bước. Một phòng tranh tư nhân hoạt động tích cực không có một ngày nghỉ. Đây là sân khấu biểu diễn của hơn 100 họa sĩ thời bây giờ.
Cũng chính tại phòng tranh này, bà cho ra đời bức tranh đầu tiên và trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp theo trường phái hồn nhiên hiện đại. Sau những thay đổi của xã hội, phòng tranh cũng qua một lần dời đổi. Tuy vậy, dẫu phải xa con đường Đồng Khởi sầm uất và chuyển đến đường Hồ Tùng Mậu nhưng Tự Do gallery vẫn và luôn là nơi tập trung, tìm về triển lãm của những họa sĩ tên tuổi. Nơi đây cũng là địa điểm trưng bày triển lãm đầu tiên của họa sĩ Thu Hà vào năm 1991. Từ đây, tranh của bà cũng như các đồng nghiệp theo chân các du khách chu du khắp thế giới.
Tuy nhiên, với bà Hà, có lẽ điều lớn lao nhất mà nữ họa sĩ này có được đó là tìm được người bạn đời gắn bó, đồng cảm và chia sẻ tình yêu hội họa của mình. Thêm vào đó, việc cô con gái duy nhất của họa sĩ Hà được báo giới nước ngoài đánh giá cao trong môn phê bình hội họa cũng là niềm tự hào lớn lao. Con gái của bà đã làm được điều mà nữ họa sĩ hằng ấp ủ. Đó là mở một phòng tranh tư nhân của Việt Nam có mặt trên nước Mỹ.
Ngọc Lài