Ấn tượng đầu tiên của tôi về họa sĩ Lê Huy Hoàng là dáng người cao, với mái tóc búi đằng sau như một chàng cao bồi. Thế nhưng, khi trò chuyện với anh, tôi mới cảm nhận được rằng, đằng sau cái vẻ ngoài "phớt đời" ấy là những tâm sự rất giản dị, một tình yêu vô bờ bến với cây cọ.
Họa sĩ Lê Huy Hoàng
Từ người lính thành họa sĩ sắp đặt
Sinh ra ở Hà Nội, nhưng bố anh là người Campuchia. Mẹ của Hoàng làm nghề dạy học, khi bà lấy ông, bà cũng không biết ông là người Campuchia. Cho đến khi ông được lệnh trở về Campuchia theo đoàn quân chiến đấu, lúc đó em út của Hoàng mới được một ngày tuổi, cậu vĩnh viễn chẳng bao giờ biết mặt bố bởi ông đã hy sinh tại Campuchia. Mãi đến năm 1982, khi thư báo về bố đã mất, cả gia đình Hoàng mới tắt hy vọng ngóng trông bố.
Họa sĩ Lê Huy Hoàng theo nghiệp bố đi học sĩ quan rồi sang Phnom Penh học trường Văn hóa Quân đội. Hơn sáu năm sống trong môi trường quân đội, Huy Hoàng đã được rèn luyện tính kỷ luật nghiêm ngặt và một cuộc sống trong khuôn khổ. Nhưng khi trở về Hà Nội, Hoàng vẫn đau đáu với nghiệp vẽ, anh quyết tâm "lều chõng đi thi" vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Phải tới lần thứ tư, bảng vàng mới có tên anh, khi ấy Lê Huy Hoàng đã 32 tuổi.
Năm 2003, họa sĩ Lê Huy Hoàng tốt nghiệp trường Mỹ thuật, với sự mày mò và kiên trì của mình, năm 2006, anh cho ra đời tác phẩm sắp đặt đầu tiên trong đời mình. Huy Hoàng cho biết, trên thế giới, nghệ thuật sắp đặt không còn mới mẻ nhưng ở Việt Nam thì loại hình này vẫn còn nhiều điều để khám phá. Theo dòng cảm xúc đó, các tác phẩm sắp đặt của anh lần lượt ra đời: Loa, Lưỡi, Khăn… và gần đây nhất là Rồng rắn, Mưa…
Với những tác phẩm sắp đặt mang hơi hướng đương đại, Lê Huy Hoàng đã dùng nhiều vật liệu để tạo nên những bức tranh rất đẹp, cuốn người xem vào những cảm xúc mới lạ như dùng tre, vải, nhựa và đặc biệt trong các tác phẩm gần đây, anh đã mạnh dạn dùng những chất liệu "độc đáo" như kim khâu, mầm cải và hiệu ứng ánh sáng để tạo cho người xem những cảm giác rất thật khi được tận tay sờ, cảm nhận những chất liệu rất "khác người" này.
Cận cảnh những mầm cải
Mãn nhãn với... kim khâu và mầm cải
Với tác phẩm "Mưa" được đưa ra triển lãm vào tháng 9/2012 tại Hà Nội, Lê Huy Hoàng đã khiến cho khán giả Thủ đô sững sờ khi được ngắm bức tranh với hàng nghìn chiếc kim khâu và hiệu ứng ánh sáng. Bức tranh như sinh động hơn, khi ở phía dưới đất có những mầm cải nhờ những hạt mưa trong trẻo mà lớn lên và những chiếc kim khâu như những giọt mưa rơi xuống đất.
Nhiều khán giả cho biết, khi bước vào không gian triển lãm, những cây kim châm cứu bắt ánh sáng được treo yên lặng như một quang cảnh tĩnh, một cảnh phim được ấn nút dừng cho bạn nhìn rõ được từng hạt mưa. Nếu bạn cũng đứng yên lặng rất lâu trong không gian này, bạn có thể nhìn thấy những cử động rất nhỏ của kim và cảm nhận được sự cựa quậy rất im lặng của mầm cây đang nẩy. Và dường như, Lê Huy Hoàng đang kể lại câu chuyện cuộc đời mình bằng những mầm cải đầy sức sống, vươn lên trong mưa và nắng...
Nghệ thuật sắp đặt từ 20.000 chiếc kim châm cứu Để có "Mưa", Lê Huy Hoàng phải nhờ một kỹ sư nông nghiệp, gieo cải sao cho mọc mầm tốt tươi, không bị hư hại. Ngoài ra, từ hai mươi ngàn cây kim châm cứu, Lê Huy Hoàng cùng người thân tỉ mỉ xâu từng cái kim qua sợi chỉ nilon. Với chiều cao 4,3m, để có trận mưa kim ào ào tuôn chảy gây hiệu quả thị giác cao, ngoài hiệu ứng ánh sáng, cần căng các tấm vải đen thật khéo sao cho không bị trùng và nhất là, buộc hai mươi ngàn cây kim vào nhau, ghim lên trần nhà không được bị rối mà cần thẳng hàng, đẹp lối. Vì thế, "Mưa" mang một sắc thái mới, một cảm hứng mới, tác động trực tiếp đến thị giác người xem hơn. |
Lạc Thành