Chuyện về lớp học của những ngư dân tuổi xế chiều

Chuyện về lớp học của những ngư dân tuổi xế chiều

Thứ 2, 23/09/2013 13:39

Cả một đời sống lênh đênh trên sóng nước của đầm phá Tam Giang, nên có người đã ngoài 60 tuổi mà vẫn chưa biết chữ. Khát khao được biết con chữ đã thôi thúc hàng chục ngư dân lên bờ để học lớp xóa mù chữ.

Khát khao tìm con chữ

Đúng 8h sáng, khi chúng tôi xuống thôn Định cư, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thấy có mặt đông đủ của 50 học trò. Sau một đêm thức trắng để giăng lưới thả câu, nhưng gương mặt ai cũng hiện lên niềm vui tươi, lớp học lúc nào cũng sôi nổi và đầy ắp tiếng cười.

Lớp học chỉ là ngôi nhà tạm bợ đã bị bỏ hoang sau nhiều năm không sử dụng. Nay lại rộn rã với tiếng đánh vần O, A... của những ngư dân ở tuổi "xế chiều". Trong số họ người nhiều tuổi đã có cháu nội, cháu ngoại còn người trẻ nhất thì cũng đã ngoài ba mươi. Có chị đang mang bầu  được bảy tháng cũng phấn khởi đi học. Những bàn tay chai sạn chỉ quen cầm chèo, đẩy ghe nên "lóng nga lóng ngóng" khi lần đầu tiên cầm bút viết. Những nét chữ có phần không được tròn trịa, nhưng sao cứ làm chúng tôi xúc động mãi!

Chia sẻ với chúng tôi về lần đầu tiên được đi học chú Trần Văn Ky (53 tuổi) cho biết: "Được đi học biết chữ tôi mừng lắm! Mình sống đã hơn nửa đời người rồi mà không biết chữ nên mỗi lần đi ra ngoài xã vay vốn cho con đi học vì không biết chữ nên phải lăn tay, dị lắm cô ơi! Nay có lớp học xóa mù chữ của bác sĩ Thúy Hằng về dạy tình nguyện,  nên tôi quyết tâm đi học để biết chữ. Đi đâu mình cũng tự tin hơn". 

Xã hội - Chuyện về lớp học của những ngư dân tuổi xế chiều

Bác sĩ Thúy Hằng đang dạy các học sinh U50 ở xã Phú Mỹ

Còn chị Thúy (55 tuổi) vui vẻ chia sẻ: "Chúng tôi ở đây toàn ngư dân, sống quanh năm suốt tháng trên đầm phà kiếm con tôm, con cá để mưu sinh. Nay Nhà nước cho lên bờ sống ở khu tái định cư, nhưng chúng tôi vẫn quen sống trên sông nước. Giấc mơ đi học của chúng tôi gần cuối đời mới thực hiện được. Không biết chữ khổ lắm! Đi đâu mình cũng mặc cảm. Tôi nhớ hồi tôi sinh đứa đầu khó đẻ nên phải nhập viện, đến lúc bác sĩ bảo mình ký và viết tên... Lúc đó tôi ngại lắm! Chỉ rụt rè nói mình không biết chữ nhờ họ viết tên giùm. Nay có lớp học xóa mù chữ tôi sẽ cố gắng học để biết chữ mà dạy con chứ!".

Lớp học say sưa giữa cái trưa nắng bỏng rát trái mùa, 50 học trò ngồi trên sàn đất để luyện từng nét chữ một. Ngoài lớp học sau những ô cửa sổ lại là tiếng cười nói của lũ trẻ nhỏ, các em là con là cháu của những học trò trong lớp. Đứng sau ô cửa sổ theo dõi mẹ học, em Phan Thị Xuân Diệu (đang học lớp 3), con của chị Đặng Thị Hiệp (40 tuổi) kể chuyện: "Nhà em có 6 anh em, các anh chị đều được đi học cả, anh lớn nhất năm nay lên lớp 11, còn em là út năm nay em học lớp 2. Mẹ em thường ngày ngoài đi thuyền bắt cá, tôm còn phải về nấu ăn, giặt giũ cho cả gia đình. Từ ngày mẹ đi học lớp xóa mù chữ thì khi về nhà em với mẹ cùng học bài với nhau, chỗ nào mẹ không biết em chỉ  cho mẹ đó chị à".

Chuyện nghe tưởng phi lý hai mẹ con cùng học lớp 1, hay thậm chí ông bà và cháu cùng vào lớp 1 thì ở thôn Định Cư lại trở nên... bình thường! Và đặc biệt trong lớp có hai đôi vợ chồng già vẫn rủ nhau đi học đó là chú Đặng Văn Cư chồng của cô Trần Thị Thái và vợ chồng nhà chú Trần Văn Ky và cô Đoàn Thị Nùng (đều đã trên 50 tuổi). Cứ sau mỗi lần tan phiên chợ sáng họ lại đèo nhau đến lớp học.

Xã hội - Chuyện về lớp học của những ngư dân tuổi xế chiều (Hình 2).

Nỗi trăn trở của cô và trò...

Sẽ vận động thêm bà con đi học

Anh Đặng Cư, trưởng thôn Định Cư (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: "Từ trước đến giờ, người dân cũng muốn đi học lắm, nhưng ngặt một nỗi không có ai đứng lớp.  Nay có cô Hằng về dạy tình nguyện, chúng tôi rất vui vì bà con mình sẽ biết chữ. Chính quyền sẽ vận động bà con tham gia lớp học đông hơn nữa để xóa được nạn mù chữ…".

Cô giáo đang trực tiếp mở lớp xóa mù chữ này là bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng. Chị là người sáng lập ra tổ chức từ thiện với tên "Gia đình Thiện Sanh". Qua sự giới thiệu của thầy Hòa, thầy đã đứng ra  kêu gọi và vận động bà con trong xã đi học lớp xóa mù chữ. Lớp học được khai giảng vào ngày 20/7, buổi đầu tiên chỉ có 23 học trò nhưng đến ngày thứ hai con số đã ngoài 50 người. Cô Hằng vừa mừng vừa lo cho chúng tôi biết: "Mình mừng vì bà con có ý thức rất cao về chuyện đi học xóa mù chữ, nhưng hơi buồn vì ở xã Phú Mỹ còn nhiều bà con chưa biết chữ quá!".

Ngay ngày đầu khai giảng lớp học các cô, chú được nhận mỗi người một phần quà của Gia đình Thiện Sanh là những chiếc túi, vở, bút... Ngoài cô Hằng đứng lớp ra còn có 5-6 bạn tình nguyện viên chỉ bày cho từng nhóm. Và lý do mà lớp học lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười vì sau mỗi buổi học các cô, các chú cùng giao lưu văn nghệ với đội tình nguyện. "Chúng tôi rất vui và như thấy mình trẻ lại. Tuổi thơ chỉ biết đến sông nước mênh mông, với những lo âu ngày mưa bão. Nay già rồi mà còn được đi học... cứ như  chúng tôi đang được trở về với tuổi thơ... còn thiếu của cuộc đời mình vậy!", cô Hồ Thị Vẻ (50 tuổi) xúc động.

Lớp học được mở ra trong sự trông đợi của nhiều ngư dân nơi đây. Nhưng đó cũng chính là nỗi trăn trở của cô và trò khi lớp học chưa có bàn ghế, phòng chưa có điện sáng. Và người dân đều là ngư dân lao động vất vả, lúc rảnh rỗi bà con còn tranh thủ đi học được, chứ lúc vào mùa là phải lênh đênh trên phá Tâm Giang để đánh bắt.  Mùa nắng thì đi đánh bắt cho cả năm vì mùa mưa nước động không có tôm, cá... Nhưng chúng tôi tin rằng với sự giúp đỡ tận tâm của cô giáo Hằng, sự quan tâm của chính quyền, và bằng niềm tin, ước mơ biết đọc biết viết, các ngư dân sẽ được xóa mù chữ trong nay mai!.

Hoàng Yến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.