Tuy ông đã qua đời nhưng kho sách thuốc, sách khảo cứu quý báu cùng tâm y, đức độ của lương y Việt Cúc còn mãi khắc ghi trong lòng nhiều hậu bối nghề thuốc và trong lòng những bệnh nhân nghèo khổ.
Biến đau thương thành hành động
Ông Nguyễn Văn Nhất (ngụ xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), con trai út của lương y Việt Cúc tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngói tồn tại hơn 100 năm, tài sản từ sự cần lao bao đời của một gia đình nông dân nghèo khó. Ông Nhất im lặng vài phút, trước khi bắt đầu kể về người cha kính mến: "Thời cuộc và hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ, tôi sống xa cậu (ông gọi thân phụ bằng cậu), nhưng đến khi trưởng thành, có dịp may về sống cùng cậu trong suốt khoảng thời gian hơn 10 năm. Mười năm không quá ngắn, không quá dài nhưng đủ để cậu chia sẻ, bộc bạch nhiều về cuộc đời, sự nghiệp, tính cách của ông".
Lương y Việt Cúc xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, di dân từ miền Trung và chọn Gò Công làm vùng đất lành để an cư lạc nghiệp. Cha mẹ ông chịu khó làm ăn, dần dà tích góp được tiền mua ruộng đất, trở thành "tiểu điền chủ" trong sự nể phục của người dân bản địa. Việt Cúc ra đời đang lúc gia cảnh ngày một ổn định, nên cha mẹ ông quyết chí cho con ăn học thành người.
Vốn người tu chí, lại giàu nghị lực, Việt Cúc học giỏi cả quốc ngữ lẫn chữ Nho, sống hòa thuận với anh em, hiếu thảo cùng cha mẹ. Thế nhưng, nhà cửa đương thời thịnh vượng, sung túc, bỗng nhiên bất hạnh dồn dập ập đến, đau thương tang tóc phủ trắng một gia đình.
Năm 1919 người anh thứ sáu của ông bị bệnh thời khí, bệnh phát cấp bách, không chữa trị kịp, hai ngày sau chết trong tức tưởi ở tuổi 17. Khoảng một tháng sau, cha ông vì lao tâm, lao lực trong suốt thời gian dài nên cơ thể suy kiệt, ít ăn kém ngủ, vóc dáng ngày càng tiều tụy. Lại một tháng nữa, người anh thứ năm của Việt Cúc 22 tuổi, cảm phải bệnh phong nhiệt, bệnh mới phát nhưng do thuốc không hiệu quả nên kéo dài thời gian khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Cuối cùng, người này cũng qua đời sau nhiều ngày vật vã với căn bệnh tưởng chừng đơn giản. Việt Cúc nhìn người anh thứ năm mất trong trạng thái vô cùng đau đớn mà ám ảnh và oán ghét bệnh tật.
Ông Nguyễn Văn Nhất chia sẻ những kỷ niệm về người cha đáng kính của mình. (Ảnh: Hà Nguyễn).
"Ông nội vừa chống chọi với bệnh tật vừa chịu đựng mất mát trước sự ra đi đột ngột của các con nên bệnh ngày càng trầm trọng. Cuối cùng, ông nội cũng mất và trở thành đỉnh điểm của chuỗi ngày tang thương trong ngôi nhà đầm ấm. Trụ cột gia đình đã không còn, bà nội bơ vơ khi chồng mất. Cậu tôi thương mẹ, yêu gia đình, căm thù bệnh tật nên quyết chí học nghề thuốc", ông Nhất kể lại.
Năm 1923, Việt Cúc bước những bước đầu tiên để thực hiện ý nguyện ấp ủ từ ngày nhìn thấy người thân của mình lần lượt qua đời. Việc học và hành nghề thuốc của lương y Việt Cúc thời bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, cái khó nhất là không có thầy giỏi để theo học. "Tiền của lúc ông nội làm ăn tích góp dần được bán đi để mua về cái chữ và nghề thuốc cho cậu. Bà nội không phiền hà về sự hao tốn tiền của cho con ăn học, một phần bà cũng nhìn thấy ý chí, lòng kiên trì và tin tưởng con mình sẽ giúp đỡ cho đời, bớt đi nỗi đau ly tán do bệnh tật", ông Nhất cho biết.
Người thầy đầu tiên của lương y Việt Cúc là thầy Nhì Phạm Ngọc Huẩn ở chợ Tân Niên. Bốn năm miệt mài bên tài liệu, cỏ cây, lương y Việt Cúc thấm nhuần những bài học đại cương về đông y, về tánh dược và mạch pháp... Hết khóa học, tức năm 1927, lương y bắt tay vào việc trị bệnh bằng thuốc bắc khi tuổi đời mới vừa 21. Thầy thuốc trẻ, mới ra nghề dẫu biết có cố gắng làm tròn trách nhiệm, lương tâm của nghề nghiệp nhưng vẫn chưa đủ để người bệnh an tâm, bản thân người làm nghề tự tin cứu người. Việt Cúc nghĩ vậy mà tâm tưởng không yên, không tin tưởng vào kinh nghiệm y lý của bản thân, sợ nguy hại, liên lụy người bệnh. Do đó lương y nghĩ nhất định phải học thêm để người bệnh yên tâm, bản thân vững trí mà hành nghề. Việt Cúc tiếp tục học thêm nghề thuốc tại nhà thầy Nguyễn Thanh Tùng ở Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) trong vòng hai năm.
Nam dược trị Nam nhân
Ông nghe nói ở ngoài miền Trung, miền Bắc có nhiều thầy giỏi nên cố tìm hiểu trên báo chí rồi đăng ký học lớp y học hàm thụ của Hội y học Trung Kỳ đặt tại thành phố Vinh (Nghệ An). Khoảng thời gian từ năm 1937-1939, ông học dưới hình thức nhận bài và gửi bài qua đường bưu điện. Học từ tài liệu không thầy hướng dẫn, không ai giám sát, đôn đốc, Việt Cúc vẫn miệt mài học. Đến cuối năm 1940, Việt Cúc khăn gói ra Vinh để học tập trung năm cuối rồi thi tốt nghiệp khóa học.
"Cậu náo nức vì sắp được gặp bạn, gặp thầy, có nhiều điều kiện trao đổi kinh nghiệm hơn so với việc tự học ở nhà. Nhưng cậu cũng buồn lo xa vợ xa con nhớ nhung khôn xiết. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, hành trình từ Nam ra Bắc gặp nhiều nguy hiểm, ra đi rồi biền biệt. Xa nhà, đồng tiền mang theo cũng cạn dần, bữa cơm nơi xứ lạ của cậu chỉ một con cá trích nhỏ mà bốn năm người ăn, thấy kẹo ngọt thèm không bước đi nổi", ông Nhất bùi ngùi kể lại.
Ngày 15/8/1941, Việt Cúc được cấp bằng y sĩ và tương đối vững vàng, tự tin mở hiệu thuốc Vân Thê Dược Phòng vào đầu năm 1942. Công việc bốc thuốc cứu người của lương y Việt Cúc thuận lợi trong vòng ba năm. Năm 1945, người nhà lương y có người tham gia cách mạng nên bị mật vụ Pháp theo dõi ráo riết và tìm cách quấy phá, hăm dọa, khủng bố không cho thầy Việt Cúc cứu người. Sau nhiều lần dời đổi không thành, ông ẩn náu và hành nghề thuốc ở chùa rồi thọ giới tu hành.
Trong khoảng thời gian này, ông đã tìm cách chuyển đổi từ việc sử dụng thuốc bắc sang thuốc nam cho giảm nhẹ chi phí bởi bệnh nhân của ông đều nghèo nàn, đói rách. Từ đây, ông phát hiện thêm nhiều loại dược liệu quý làm phong phú thêm kho tàng dược liệu Việt Nam, thực hiện tốt lời dạy "Nam dược trị Nam nhân" của ông tổ thuốc nam Tuệ Tĩnh.
Việc chuyển từ trị bệnh bằng thuốc bắc sang thuốc nam, là bước ngoặt quyết định sự chuyển hướng quan trọng trong cuộc đời làm thuốc của lương y Việt Cúc. Sự chuyển hướng này rõ ràng đã góp phần phục vụ thiết thực đối với bệnh nhân nghèo ở địa phương, giúp họ có cơ hội, điều kiện trị bệnh đỡ tốn kém hơn. Đồng thời, sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương kế thừa tinh hoa của nền y dược học dân tộc, kết hợp Đông, Tây y trong điều trị bệnh của ngành y tế nước ta. Lương y Việt Cúc tham gia giảng dạy ở nhiều tỉnh, thành miền Nam.
Nhiều học trò của thầy trở thành lương y hoặc tiếp tục tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Thầy được viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM mời về Cơ sở thừa kế thuộc Viện để hợp tác chữa bệnh. Y đức và tài năng của thầy được tiếp tục phát huy.
Ngoài tham gia giảng dạy, làm thuốc cứu người, lương y Việt Cúc còn viết sách, làm thơ. Thầy được kỷ lục Tiền Giang công nhận là người viết nhiều sách thuốc quý hiếm nhất tỉnh, với 24 cuốn. Hiện ông Nguyễn Văn Nhất vẫn còn lưu giữ những bản thảo quý giá chưa kịp xuất bản. Tất cả đều được viết bằng tay, chữ đẹp thẳng hàng, có hình ảnh màu đen trắng minh họa các loài thuốc quý.
Ngọc Lài - Hà Nguyễn