Chuyện về mối thù truyền kiếp giữa một “siêu cò” và Arsene Wenger

Chuyện về mối thù truyền kiếp giữa một “siêu cò” và Arsene Wenger

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

(Nguoidsuatin.vn) Trở lại sau những ngày "bóc lịch" vì scandal tiêu cực tại Marseille, Piierre Bernes đã vươn mình thành "siêu cò" quyền lực nhất của bóng đá Pháp.

Mùa hè năm 2011, ngôi sao bóng đá người Pháp Samir Nasri gây chấn động khi đào tẩu từ Arsenal sang Manchester City. Phía sau vụ chuyển nhượng đình đám và hao tốn nhiều giấy mực của báo chí này, mãi về sau, người ta mới biết có bàn tay đạo diễn của nhà môi giới số một của bóng đá Pháp Jean Pierre Bernes. Ông đã cướp khỏi tay Arsene Wenger (HLV Arsenal) một ngôi sao để trả mối hận trong lòng. Câu chuyện sặc mùi Hollywood này, khi được làm sáng tỏ đã khiến nhiều người phải choáng váng, đặc biệt về tầm ảnh hưởng và sự lũng đoạn của những "siêu cò” trong thế giới bóng đá.

Bóng đá Quốc tế - Chuyện về mối thù truyền kiếp giữa một “siêu cò” và Arsene Wenger

Ông trùm của bóng đá Pháp Jean Pierre Bernes

"Thâm cung bí sử" giữa Bernes và Wenger

Jean Pierre Bernes bây giờ là nhà môi giới bóng đá số một của nước Pháp. Chẳng phải riêng Samir Nasri chọn ông làm người đại diện quyền lợi cho mình. Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng khác như Frank Ribery, Mavuba hay đương kim HLV đội tuyển Pháp Didier Deschamp cũng đều là thân chủ của Bernes. Nhưng ngược dòng thời gian khoảng 20 năm về trước, nhiều người hẳn sẽ bất ngờ nếu biết rằng Jean Pierre Bernes là một quan chức bóng đá tầm cỡ của Olympic Marseille.

Trong đoạn lịch sử bi hùng nhưng cũng đầy rẫy thành công của đội bóng thành phố Cảng miền nam nước Pháp, Pierre Bernes là cánh tay phải của Chủ tịch Bernard Tapie, là người đạo diễn nhiều vụ dàn xếp bẩn sau hậu trường nhằm mang về kết quả tốt cho Olympic Marseille.

Ở bên kia chiến tuyến, Wenger, khi đó còn dẫn dắt CLB Monaco, đã phải chịu những sự bức ép, bất công bởi tư duy làm bóng đá sạch của mình. Kết quả là khi vụ dàn xếp tỷ số giữa Olympic Marseille và Valencienes nổ ra vào năm 1993, chính Wenger là người sốt sắng nhất hỗ trợ cơ quan điều tra, cung cấp các chứng cứ khiến Pierre Bernes phải vào tù bóc lịch và bị cấm tham gia mọi hoạt động điều hành liên quan trực tiếp đến bóng đá.

18 năm sau thời khắc đen tối nhất sự nghiệp, Pierre Bernes đã trở lại và có dịp trả mối thù đã ăn sâu trong tiềm thức năm xưa. Với vai trò người đại diện hợp pháp của Samir Nasri, ngôi sao lớn nhất của Arsenal thời điểm đó, chính Pierre Bernes đã xúi tiền vệ này từ chối đề nghị gia hạn hợp đồng mà Wenger thảo sẵn. Đó là một nhát dao chí mạng với Wenger, khi vị chiến lược gia vừa mất Cesc Fabregas vào tay Arsenal trước đó ít ngày và tiếp tục bị phản bội bởi Nasri, cầu thủ mà ông đã chăm bẵm từ khi còn rất trẻ cho đến lúc thành danh.

Nhưng rồi khi quyết định bước ngoặt cho sự nghiệp, ngôi sao này đã quay sang hỏi ý kiến của Bernes, thay vì Wenger. Khi vụ chuyển nhượng trị giá 24 triệu bảng đưa Nasri đến Manchester City hoàn tất, Jean Pierre Bernes (không cần che giấu) đã nói thẳng: "Tôi đã trải qua những tháng ngày khổ sở, thậm chí mắc bệnh trầm cảm trong nhà tù vì kẻ khác (ám chỉ Wenger). Tôi đã vượt qua và bây giờ hạnh phúc khi chứng kiến mình làm được nhiều điều".

Bóng đá Quốc tế - Chuyện về mối thù truyền kiếp giữa một “siêu cò” và Arsene Wenger (Hình 2).

Toàn bộ những tuyển thủ Pháp này là "gà" do Bernes đại diện

Sự lũng đoạn được nâng tầm kinh điển

Trên bình diện châu Âu, Jean Pierre Bernes có thể chưa đặt được dấu ấn đậm nét như Jorge Mendes. Nhưng tại Pháp, tầm ảnh hưởng mà ông tạo ra thậm chí đã vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường về một tay môi giới bóng đá có hạng. Vấn đề ở đây không chỉ là quy tụ được về mình những ngôi sao đình đám như Nasri, Ribery hay cả thế hệ Vàng của bóng đá Pháp 1998. Bernes, giống như tờ Chrono đã phân tích, có khả năng thao túng được cả việc gọi ai lên đội tuyển Quốc gia, quyết định tương lai sáng sủa hay tối tăm của các cầu thủ. Cách mà ông tạo ra ảnh hưởng bao trùm lên toàn bộ nền bóng đá tại đất nước hình Lục lăng, thực sự là một sự lũng đoạn mang tầm kinh điển.

Khi Chrono đưa ra phân tích của mình, nhiều người Pháp mới chợt giật mình. Họ nhớ ra là không chỉ vụ chuyển nhượng Samir Nasri, chính Pierre Bernes từng đứng sau đạo diễn một cú đào tẩu nổi tiếng khác của Ribery từ Marseille sang Bayer Munich vài năm trước. Rồi khi ngôi sao này đạt đến đỉnh cao phong độ, chính Bernes, lại một lần nữa giật dây Ribery chơi bài dọa dẫm, khiến lãnh đạo Bayer Munich phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận chi ra khoản hoa hồng không nhỏ để ông thuyết phục thân chủ của mình ký vào bản gia hạn với mức lương cao ngất ngưởng.

Một câu chuyện khác đến giờ vẫn được lưu truyền cho thấy ảnh hưởng lớn lao của Bernes. Sau Euro 2012, HLV Laurent Blanc từ chức. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) Le Graet rất muốn chọn Didier Deschamp thay thế. Nhưng vì mối bất hòa cá nhân, Deschamp đã bất ngờ từ chối vinh dự này, khiến Le Graet bẽ mặt và đẩy FFF vào nguy cơ về một cuộc khủng hoảng niềm tin. Ở hy vọng cuối cùng, Le Graet lại phải gõ cửa Pierre Bernes nhờ vả và không lâu sau cuộc gặp bí mật này, Deschamp nhận lời làm HLV trưởng đội tuyển Pháp.

Đợt lên danh sách tập trung đầu tiên dưới thời Deschamp, người ta thấy Mapou Yanga Mbiwa, cái tên mới toanh được triệu tập. Ngoài tài năng, dư luận Pháp rỉ tai Mbiwa chính là gà mới được Bernes đưa vào danh sách cầu thủ do mình đại diện.

Jorge Mendes có thể sở hữu những ngôi sao hot nhất giới bóng đá như Mourinho, C.Ronaldo, Anderson hay Nani trải đều tại nhiều giải đấu. Nhưng tạo nên ảnh hưởng bao trùm, thậm chí lũng đoạn tới một nền bóng đá quốc gia như Pierre Bernes thì đúng là vô tiền khoáng hậu. Sự thành công của Bernes, bởi vậy, cũng chính là minh chứng kinh điển cho quyền lực của giới cò nói chung và nó, cũng giải thích tại sao các đội bóng, thậm chí các Liên đoàn, dù chẳng hề thích thú, vẫn phải chấp nhận sống chung, chi tiền (hoặc rất nhiều tiền) để nuôi những tay môi giới, rồi đêm ngày lo lắng nguy cơ bị phá hoại.

Từ chối làm quan chức

Năm 2010, khi Jean Claude Dassier nhậm chức Chủ tịch CLB Marseille, người đầu tiên ông tìm gặp là Didier Deschamp. Hơn ai hết, Dassier biết rằng HLV Deschamp được đại diện bởi Bernes và ông càng rõ hơn, tầm ảnh hưởng sâu rộng, khả năng quan hệ của nhà môi giới này. Assier đã thông qua Deschamp gửi lời mời Bernes trở lại giữ vai trò Giám đốc điều hành CLB. Nhưng khi đã có được tất cả với công việc của một nhà môi giới, Bernes đã từ chối lời đề nghị này.

Tạp chí Capital, trong một cuộc phỏng vấn Bernes đưa ra khẳng định: 90% lý do Nasri phản bội Arsenal là một vụ trả thù. Quyền lực của Bernes thực sự trong các vụ chuyển nhượng thực sự quá lớn. Nói thẳng ra, nếu không vì tác động hậu trường của nhà môi giới này, Arsenal có thể đã giữ chân được Samir Nasri và Arsene Wenger đã không phải khốn khổ chứng kiến cuộc khủng hoảng tồi tệ mà Pháo thủ vật vã mới vượt qua được trong mùa giải trước.

Gia Mẫn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.