Chữa bệnh vì cái tâm
Tiếp chuyện tôi trong ngôi nhà nhỏ, khá ngăn nắp, miệng ông luôn tươi cười khi nói về nghề của mình. Nghề chữa rắn cắn đến với ông thật tình cờ và ông gắn bó với nó giống như duyên phận.
Năm 1979 ông Trần Văn Giàu nhập ngũ và đóng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng…Tại đây, ông đã gặp người cha nuôi gốc Hoa và cũng chính là người thày truyền nghề cho ông. Vốn là người ham học hỏi, có trí tò mò nên ngoài thời gian luyện tập, ông thường đi theo thầy đến các cách đá, rừng rậm ở Cao Bằng để bắt rắn. Vào một buổi tối, trong khi đi bắt rắn ông bị rắn mang hoa cắn. "Lúc đó, thấy người lạnh cóng, nóng lạnh thất thường, tôi lo sợ lắm", ông Giàu nhớ lại. Nhưng may mắn cho ông, đã được người thày dùng thuốc lá cứu sống ngay trong đêm hôm đó. Kể từ đó, ông xin cha nuôi truyền nghề cho mình.
Ông Giàu bên bài thuốc chữa rắn cắn
Lúc đầu, ông học nghề với mục đích để tự chữa cho mình, cho người thân trong nhà, rồi anh em đồng đội, chứ không nghĩ là làm nghề. Ông cho biết, ở trong quân ngũ thêm một thời gian, năm 1982 ông giải ngũ về quê và tiếp tục mày mò, học nghề. Nhiều ngày đêm, ông đã thử kết hợp nhiều loại thảo dược khác nhau nhưng tất bại. Với lòng ham mê và ý nghĩ cứu người nung nấu đã thúc giục ông đi Thanh Hóa, Cao Bằngđể tìm gặp những người chữa rắn cắn giỏi để học hỏi. Ông đã từng lăn lộn tại nhiều vùng rừng thiêng nước độc các tỉnh phía Bắc, phía Tây giáp Lào để học nghề. Sau nhiều năm rong ruổi, ông về quê tiếp tục chữa rắn cắn. Không chỉ chữa rắn cắn, ông còn bào chế phương thuốc chữa chó, mèo cắn dựa trên bài thuốc sẵn có. "Vì chó mèo cũng có nọc độc như rắn nhưng không nguy hiểm bằng lọc rắn nên cơ bản bài thuốc vẫn giống như chữa rắn cắn. Nhưng liều lượng các loại cây và cách pha chế thuốc khác nhau", ông Giàu cho biết. Với những bài thuốc dân gian đã tích cóp, học hỏi trong biết bao nhiêu năm và khả năng nhận biết các loài rắn qua các vết cắn một cách tài tình, ông Giàu đã cứu biết bao mạng người. Người ta thường ví việc cấp cứu khi bị rắn cắn là chạy đua với tử thần, bởi nạn nhân sau khi bị rắn cắn thường nguy hiểm lập tức đến tính mạng
Người vác tù và hàng tổng
"Ông vua rắn" hay "thần y chữa rắn cắn" là những biệt danh mà người dân trong vùng yêu mến đặt cho ông. Điều đó càng được khẳng định khi tôi vừa đến Hạ Cát hỏi thăm nhà ông Giàu, một bà cụ ngoài 60 tuổi hỏi ngay: "Bị rắn cắn hay cho mèo cắn à, tìm đến ông Giàu là đúng địa chỉ rồi đấy". Chị Hiền - một người dân trong thôn nhiệt tình đưa tôi đến tận nhà ông Giàu. Vừa đi, chị vừa kể: "Bị rắn cắn mà ông Giàu không chữa được thì không ai chữa được. Nhiều người được ông ý chữa khỏi lắm rồi đấy mà không phải là dân vùng này đâu đấy. Có cả ở huyện khác, cả bên Hải Dương cũng sang đây đấy, cứ đến chữa ông ấy là yên tâm".
Bài thuốc của ông Giàu cũng đơn giản với nhiều loại cây có sẵn trong tự nhiên: nước, cây dầu hỏa tràng, đại dâu phong… nhưng phải là người có kinh nghiệm thì mới biết về thuốc, pha chế, sắc thuốc. Mặc dù các loại thuốc có trong tự nhiên nhưng rất khó tìm, phải là người biết và thông thổ thì mới thấy vì ít người biết chính xác các loại cây đó như thế nào, khi nào thì nên hái, sử dụng bộ phận nào của cây để chữa bệnh
Ông Giàu trầm ngâm khi nói về chuyện đời, chuyện nghề. Ông tìm trong tủ một cuốn sổ nhỏ - cuốn bệnh án của riêng ông, giấy đã ngả vàng. Đó là danh sách những người mà ông đã cứu sống khỏi cơn nguy kịch. Đã có hơn 50 người được ông cứu sống có những người trong làng, nhưng cũng có những người ở huyện Tiên Lữ, Ân Thi hay Hải Dương tìm đến, chỉ tính riêng tháng 1 này đã có 5 người vừa nói ông vừa chỉ vào cuốn sổ.
"Hầu hết những người bị rắn cắn, khi đến nhà ông thì có hiện tượng sốt cao, khó thở, người tím tái nên tôi phải khẩn trương khám và cùng vợ con đi đi kiếm thuốc. Nhưng không phải ai bị rắn cắn đều dùng 1 loại thuốc mà tùy từng loại sẽ có phương thuốc phù hợp", ông giàu tâm sự.
Những lá thư cảm ơn liên tục được gửi về cho ông Giàu
Khi tôi hỏi về chi phí của mỗi ca rắn cắn là bao nhiêu, ông xua tay: "Tôi có lấy tiền thuốc đâu, không bao giờ tôi đòi tiên công mà họ tự trả. Có khi là 1 triệu, khi vài trăm nghìn, có khi không đồng nào vì nhà họ nghèo quá phải đi bắt rắn kiếm cơm. Tôi chữa bệnh làm phúc. Bà Lý, vợ ông cho biết: "Ông ấy chữa bệnh vì cái tâm là chính chứ cứ trông chờ vào tiền công người ta trả thì chẳng đủ ăn". Chính vì thế, nhiều khi bà đùa ông là ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng.
Ông Giàu luôn tận tình với bệnh nhân, không ngại mưa hay nắng đều đi lấy thuốc khi cần. "Có lần, vào buổi chiều tối tháng giêng, rét buốt, tôi lại bị ốm thì có cậu thanh niên chân tay còn lấm bùn đất, chạy đến nhờ cứu giúp vì bị rắn đen trắng cắn. Dù vẫn mệt trong người nhưng tôi vẫn cố đi lấy thuốc, thức suốt đêm đấy để sắc thuốc và coi chừng cậu ta", ông kể. Không chỉ có vậy, với những ca đã biến chứng nặng mà ông không chữa được, ông đưa bệnh nhân đến bệnh viện và kết hợp với bác sĩ để chữa. Nhưng không phải ai ông cũng cứu được, cũng có một vài người khi đưa đến nhà ông đã muộn không thể cứu chữa.
Nhắc đến hoàn cảnh của anh Trần Văn Miên, hàng xóm và cũng từng là bệnh nhân của ông, đôi mắt ông ngân ngấn nước. Gia đình anh Miên thuộc diện hộ nghèo và khó khăn ở xã. Ông Giàu bảo: "Nhà nó mới chuyển về đây, chứ trước kia vợ chồng, con cái ở túp lều ở gần cánh đồng. Nhà nó cũng không có đất, có ruộng gì cả". Trong căn nhà tuềnh toàng của anh Miên không có gì giá trị hơn bộ bàn ghế đã cũ sờn. Anh là lao động chính trong gia đình, nuôi 3 con ăn học, còn vợ anh không được nhanh nhẹn nên chỉ ở nhà. Vì vậy, khi anh bị rắn cắn khi đang cuốc ngoài ruộng, gia đình càng thêm khốn đốn. Nhờ có ông Giàu cứu chữa kịp thời nên anh mới qua khỏi cơn nguy kịch. Anh Miên giọng rưng rưng, cảm động: "May mà có ông Giàu thì tôi còn sống để mà làm thuê nuôi con. Nói dại, không có ông Giàu chữa, tôi chết đi thì vợ con tôi cũng chết đói".
Đối với anh Sáng thôn Trà Dương, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ - một người được ông Giàu chữa rắn cắn cho biết: "Ông Giàu là ân nhân của tôi. Nếu không có ông ấy, tôi không thể sống mà đi xây để nuôi con được".
Điều khiến ông Giàu trăn trở là hàng năm số người chết do rắn cắn, chó mèo cắn ngày càng tăng mà chưa có một loại thuốc đặc trị nào. Cách đây một vài năm, ông cũng truyền lại bài thuốc cho Bệnh viện huyện Phù Cừ. Có bài thuốc nhưng lại thiếu nhân lực và cơ sở vật chất để mở rộng quy mô. Theo ông, để mở rộng phương pháp chữa bệnh này, cần mở những khóa đào tạo và có khu bào chế thuốc, nhưng với điều kiện của địa phương hiện nay thì chưa thể thực hiện.
Truyền nghề bằng chữ tâm Hơn nữa, với ông, việc truyền nghề cũng rất khó bởi: "Những người nào thực sự có tâm cứu người chứ không để mục đích kiếm tiền lên hàng đầu thì mới theo được nghề này. Mà những người như vậy, hiện nay còn rất ít", ông Giàu tâm sự. Trong thời gian sắp tới, ông Giàu dự định sẽ phối hợp với bệnh viện Phù Cừ cùng với nhiều bệnh viện 4 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình mở cuộc hội thảo nghiên cứu về bài thuốc chữa rắn cắn của ông. Sau đó mở lớp đào tạo, truyền nghề lại cho những người muốn học nghề và có tâm với nghề để không có người chết vì rắn cắn. |
Gia Lê