Để tìm hiểu thực hư chuyện 16 bà vợ, tôi gặp anh Vũ – phó chủ tịch UBND xã Đa Tốn. Anh Vũ là người cùng làng Khoan Tế với thi sĩ Nguyễn Đăng Hành. Anh Vũ bảo: “Đúng là ông Đăng Hành thợ mộc biết làm thơ có 15-16 bà vợ, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có một vài bà, dân làng đều biết, nhưng không thấy ra xã trình báo, đăng ký gì cả. Ông ấy sống hiền lành, không vi phạm, không động chạm gì đến hàng xóm cả”.
Từ thông tin xã cung cấp, chị gái cung cấp, làng xóm cung cấp và chính miệng thi sĩ Đăng Hành kể lể, chứng cớ là hàng đống ảnh chụp cưới xin, thì quả thực thi sĩ Đăng Hành có 16 bà vợ. Nhưng vì sao, lúc này, trong căn nhà từng chứng kiến 16 lần thi sĩ Đăng Hành làm lễ phu thê giao bái, lại như một căn nhà hoang, không có lấy một người đàn bà?
Có 16 vợ, 24 con, nhưng thi sĩ Đăng Hành sống một trong căn nhà như nhà hoang này.
Những ai một lần đến nhà thi sĩ Đăng Hành, có lẽ, điều ấn tượng nhất không phải là chuyện anh làm thơ hay, lấy nhiều vợ, mà là được chứng kiến một cái… ổ chuột hôi hám, bẩn thỉu, kỳ dị. Căn nhà đã nhỏ, nhưng rác rưởi, bát đĩa, chai lọ ngổn ngang khắp nơi. Cưa, đục, lốp xe treo lủng lẳng đầy mái nhà.
Bà Nguyễn Thị Kỷ, chị gái của thi sĩ Đăng Hành, nhà ngay cạnh, cứ luôn mồm chửi thằng em vô tích sự, vô trách nhiệm nhất thế gian, rằng đến cái thân nó (đầy bệnh tật), đến cái nhà nó (như nhà hoang), nó còn chả có trách nhiệm, thì nó còn biết lo lắng cho ai nữa. Tôi kể rằng, bà chị gái mắng thế có đúng không, thi sĩ Đăng Hành bảo chị mắng thế là đúng.
Thiếu đàn bà, nên bếp núc như thế này đây.
Thi sĩ Đăng Hành kể, có lần, ngồi uống rượu với ông bố vợ ở Văn Giang, ông bố vợ chửi: “Mày là thằng vô trách nhiệm. Con mày là đứa xinh nhất thôn này, cả 6 năm liền nó là học sinh giỏi, mà mày chẳng bao giờ thèm hỏi đến nó một câu”. Thi sĩ Đăng Hành bảo: “Đấy, tớ đểu thế đấy, con mình là học sinh giỏi mà cũng không biết. Riêng bà này, đẻ xong cho bà ấy một đứa, tớ ít qua lại, nên không biết nó là trai hay gái, mấy tuổi rồi. Riêng vụ này thì tớ vô tình thật”.
Thi thoảng, gặp các con, thi sĩ Đăng Hành lại dặn các con, rằng nếu người ta mà nói với con, bố mày vợ nọ, con kia, bỏ mặc chúng mày nghèo đói, thất học, thì các con nói đỡ cho bố một tiếng, rằng “bố cháu là nhà thơ ạ!”.
"Tự do của Đăng Hành chỉ đáng bạc tỉ thôi à?"
Cứ nhìn cái ngôi nhà của thi sĩ Đăng Hành thì biết anh nghèo thế nào. Đến cái chỗ kê bát cũng không có, phải tha mấy tấm bia mộ người ta bỏ đi đem về làm giá. Lương mất sức của anh chỉ được gần triệu bạc. Thơ anh tháng nào cũng đăng báo, phát trên đài, nhưng thu nhập từ thơ cũng chỉ được đôi ba trăm bạc, không đủ mua rượu ăn mừng. Hàng ngày, ngoài lúc làm thơ, gặp bạn thơ, anh vẫn đi đóng gạch thuê cho một ông chủ ở gần nhà kiếm vài chục ngàn đồng. Cứ khi nào có lương, là Đăng Hành biến mất khỏi ngôi nhà ở Khoan Tế. Anh đi gặp bạn thơ để ăn nhậu, bình thơ, gặp vợ, thăm con, ai nghèo, ai thiếu thì anh cho hết. Hết tiền, anh lại về làng… đóng gạch.
Ngoài những lúc lên đồng với thơ, vô ngã, vô chú, vô chứ, vô tranh, vô danh, vô cầu, vô vi… với thơ, đôi lúc, anh cũng buồn, cũng xót với cái nghèo của mình, vì không thể đem thơ ra xào nấu thành món ăn no bụng. Anh tự trào phận hẩm qua bài Tự hứng:
Làm lắm cho nên nỗi xác xơ
Lắm lúc vểnh râu lên lớp phó
Nhiều phen trợn mắt bật tràng thơ
Nhừ tay đục đẽo mồ hôi tóe
Nát óc nghiến nghiền thần sắc trơ
Đa nghiệp, đa nghề nên dạ lép
Đáng đời thầy thợ, đáng đời thơ”.
Cũng có khi anh mượn lời con nhỏ, nói lên nỗi chua chát của thơ mà ứa nước mắt:
Bố đừng làm thơ nữa
Thơ chẳng ăn được đâu
Bố làm bánh làm kem
Lúc đói con ăn, lúc thèm con mút
Kẹo kem mẹ còn bán
Thơ chẳng bán được đâu.
(Lời con nhỏ)
Ở trang bìa thứ 2 của tập Thơ Hỏi, thi sĩ Nguyễn Đăng Hành tự nhận mình là “người tàn tật, cô đơn”. Ơ hay, có tới 16 bà vợ, 24 đứa con chính thức, con không chính thức thì không biết có bao nhiêu, thế mà anh vẫn là người cô đơn nhất thế gian!
Bà chị Nguyễn Thị Kỷ kể, cưới vợ được một thời gian, đưa vợ về nhà được dăm hôm bẩy bữa, thằng em vô trách nhiệm của bà lại đuổi họ đi. Lý do Đăng Hành đuổi vợ đi là vì, có vợ ở nhà, vợ la, con khóc, gã không thể làm thơ được.
Các bạn thơ chụp ảnh kỷ niệm chuẩn bị lên đường đón vợ thứ 16 của Đăng Hành.
Đăng Hành bảo, trước khi cưới bà nào về, anh đã nói trước rồi, anh thích sự tự do, không thích ràng buộc, vì anh là thằng vô tích sự. “Cả 16 bà đều thích tớ, đều yêu tớ mê mệt, tranh nhau đòi về ở với tớ đấy. Mấy bà cứ đòi bán đất, đem tiền về xây biệt thự ở chung với tớ. Này nhé, đất ở Thường Tín, Văn Giang, Gia Lâm, Long Biên của các bà đều bạc tỉ đấy. Nhưng Nguyễn Đăng Hành bảo sao rẻ thế, tự do của Nguyễn Đăng Hành mà có bạc tỉ thôi à?”.
Cậu bé giống bố Hành như lột.
Mỗi lần cưới vợ, Nguyễn Đăng Hành cho tân nương được hai lựa chọn: Một là ở nhà chồng, hai là Đăng Hành ở rể. Dù ở nhà chồng hay ở rể, hễ bà vợ có con rồi, Đăng Hành sẽ nói “bai bai” để đi tìm tự do tự tại với bầu rượu, túi thơ. Về chuyện này, thi sĩ Đăng Hành có bài thơ vui với tứ thơ lạ:
Em vợ chửi
Mẹ vợ rủa
Mụ vợ xua
Anh cười
Đắc đạo
Rước vợ về quê
Rau
Cháo
Nâng trứng
Hứng hoa
Làng xóm chê
Thằng cha sợ vợ
Không
Không
Tớ
… Nhà thơ
(Làm thơ)
Nói về những bà vợ, thi sĩ Đăng Hành thường gọi họ là đồ ế, đồ thiu, đồ thừa, đồ đáng thương, là Thị Nở của xã hội, còn anh là Chí Phèo tái thế, nhưng kể chuyện về những đứa con, thi sĩ Đăng Hành không khỏi lộ vẻ tự hào. Có đứa đang là kỹ sư, có đứa đang học đại học, có đứa là học sinh giỏi nhiều năm liền, có đứa thi thoảng lại qua nhà thăm bố, dúi cho bố ít tiền uống rượu, có xăng để đi gặp bạn thơ. Cũng có lúc, cả chục đứa tề tựu đông đủ, nhưng cũng có lúc, trong thời gian dài, chả thấy đứa nào hỏi đến ông bố, người mà chỉ có mỗi công là giúp mẹ nó đẻ ra nó, cho nó mang họ, còn lại thì hoàn toàn vô trách nhiệm. Thi sĩ Đăng Hành chả trách vợ nào, con nào, nhưng cũng có lúc cô đơn, nhớ nhung đàn con da diết:
“Thế là khê cháo ôi cơm
Thằng Đức nào nói năng gì
Thằng Tài biếng nhác lì lì trơ trơ
Hậu, Hiền hy vọng trông chờ
Càng mong càng mất, càng mơ càng buồn
Lại còn Lan, Huệ, Hương, Hùng
Bai bai vút vút bùng bùng bai bai
Điểm danh còn mấy xâu dài
Thôi thôi chiến tích một thời đã qua”
(Giúp đời)
Rồi:
“Phượng ơi cái Chiến nó chuồn
Tớ còn mỗi rượu và thơ
Nếu Phượng tâm đắc cùng chờ xuân sang”
(Tang tình)
Ai khô ai ướt ai chưa đèo bòng
Hỏi người ai nhớ ai mong
Ai chờ ai đợi ai lòng hiểu ai
Hỏi đêm tối, hỏi canh dài
Hỏi chiếc khuy bấm đã cài lại chưa?
(Hỏi)
Kết thúc câu chuyện về thi sĩ Đăng Hành với kiểu "giúp đời" chẳng giống ai, tôi chợt nhớ đến bà chị họ ở quê nhà. Bà chị đã ngoài 40 tuổi, gầy còm, nhan sắc kém, bố chết, mẹ chết, nhà lại quá nghèo. Chả người đàn ông nào để ý đến chị. Thời con gái, chị bình thường như bao cô gái khác, nhưng giờ chị có vẻ lẩn thẩn. Chị sống lầm lũi trong ngôi nhà giữa vườn chuối hoang. Thật tội nghiệp cho chị. Anh em kiến giả nhất phận, không biết sau này chị dựa vào ai. Nếu một người đàn ông nào đó, cho chị một đứa con, rồi kể cả bỏ mặc mẹ con chị, chắc tôi cũng không coi anh ta là kẻ đểu giả!
Theo VTC/ Khám phá