Tiền vay mượn đủ để mua vé máy bay, bạn bè ở Pháp hối thúc sang và hứa sẽ giúp đỡ. Vậy là bà khăn gói lên đường. Chuyến đi mang đến cho bà nhiều trải nghiệm mới và một huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý, vinh danh những kết quả bà thực hiện được cho tình hữu nghị hai nước Việt - Pháp...
Truyền bá văn hóa Việt ra thế giới
Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng chia sẻ: "Những năm tháng làm phóng viên chiến trường, tôi đã kết bạn với không ít phóng viên nổi tiếng, kỳ cựu của Pháp, quen biết nhiều nhà sử học, đạo diễn tài ba. Khi tôi ngỏ ý muốn sang thăm Pháp, họ đã rất nhiệt tình mời tôi sang và hứa tạo điều kiện cho tôi. Tìm được chỗ ở nơi nước bạn, tôi quay sang vay mượn tiền bà con, bạn bè để mua vé máy bay sang Pháp". Với vốn tiếng Pháp phong phú, bà làm công việc dịch sách, dịch phim, phiên dịch... để trụ lại Paris hoa lệ. Sau hơn 2 năm, bà tích góp được 2.000 USD, một số tiền rất lớn ở thời điểm đó. Cầm số tiền đó trên tay, bà vừa vui, vừa buồn. Bởi bà nhận ra những hiểu biết của người nước ngoài về nền văn hóa, lịch sử ngàn năm của nước ta trong các buổi trò chuyện thật hạn hẹp.
> Đọc thêm Kỳ 1: Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam
Đại sứ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà Xuân Phượng (ảnh do nhân vật cung cấp).
Nhắc đến Việt Nam, người ta thường liên tưởng đến một đất nước còn lạc hậu bởi chiến tranh tàn phá. Bà rất suy tư mỗi khi nghe người nước ngoài chia sẻ những suy nghĩ chưa chính xác về một đất nước anh hùng trong chiến đấu và hào hùng trong tái thiết, xây dựng, đổi mới. Thế nên, đi đâu, gặp gỡ ai, hễ có cơ hội trò chuyện, bà đều dành thời gian miêu tả với bạn bè quốc tế một Việt Nam với nền văn hóa đa dạng và lâu đời, yêu hoà bình và đầy khát vọng vươn lên tầm cao mới. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Bà cũng nhận thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa, truyền thống của Việt Nam trong từng ánh mắt ngạc nhiên của họ, khi nghe bà kể chuyện.
Bà Phượng chia sẻ: "Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến việc mở một phòng tranh, lấy mỹ thuật Việt Nam giới thiệu ra thế giới. Nghĩ đến đó, tôi thấy rõ con đường tôi sẽ tiếp tục đi trong thời gian nghỉ hưu". Bà liền chuyển tiền về nước và dặn dò các con tìm các họa sỹ trong nước, mua mỗi người vài bức gửi sang Pháp để thử làm triển lãm. Bà lại quen với ông Quận trưởng quận 1 của Thủ đô Paris, có trụ sở trong khuôn viên Bảo tàng Louvre nổi tiếng. Bà bày tỏ ý định mở một triển lãm tranh Việt Nam ở Paris để giới thiệu vài nét về hội họa trong nước. Ông Quận trưởng tỏ vẻ thích thú và chấp nhận ngay ý định táo bạo của bà.
Cuối cùng, một triển lãm tranh với 37 tác phẩm của họa sỹ Việt Nam được trưng bày trên ngay trong lòng Thủ đô Paris vào năm 1991, tại khuôn viên Bảo tàng Louvre. Lần triển lãm này bà bán được 27 bức, một thành công ngoài sức tưởng tượng của bà cùng các cộng sự. Ngay cả, ông Phạm Bình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cũng đến bắt tay chúc mừng những thành công của bà nói riêng, và mỹ thuật Việt Nam nói chung. Ngoài những họa sỹ có danh tiếng, bà còn chú ý đến và mua lại những bức tranh của sinh viên Mỹ thuật mới ra trường, họa sỹ chưa nổi tiếng nhưng có tiềm năng phát triển. Yêu cầu là, những bức tranh này phải thể hiện được văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Kết quả bà đạt được trong suốt hơn 20 năm qua là 60 cuộc triển lãm đã được mở ra ở nhiều nước khác nhau trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ.
> Đọc thêm: Chuyện về 'người đẹp thuốc nổ' đầu tiên của Việt Nam (Kỳ 2)
Bà Xuân Phượng và các cộng sự tại triển lãm tranh Việt Nam ở Ý (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hàn gắn vết thương chiến tranh bằng hội họa
Bà chọn tranh theo những chủ đề khác nhau như: Việt Nam bốn mùa, Bản giao hưởng của màu sắc, Thu Hà Nội, Lung linh xứ Huế... Bà tự nhận mình không biết vẽ tranh, nhưng có khiếu xem tranh. Những bức bà chọn, những họa sỹ chưa tên tuổi mà bà quyết định hợp tác về sau đều nổi tiếng.
Bà chọn hội họa làm cầu nồi giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới vì nhiều lẽ. Bà chiêm nghiệm: "Thứ nhất, họa sỹ Việt Nam thời kỳ đó, may mắn được đào tạo bài bản từ ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi có nhiều bậc thầy về hội họa của Pháp từng giảng dạy. Thứ hai, người ta giữ một bức tranh, một bức ảnh trong nhà lâu hơn, gần gũi hơn. Ngày nào ra, vào người ta cũng thấy, cũng nhớ "Đây là tranh Việt Nam". Từ đó, hai từ Việt Nam thông qua hội họa dần dần ăn sâu vào việc định hình hiểu biết về văn hóa Việt trong lòng người nước ngoài".
Hàng năm, cứ sau mỗi chuyến đi, bà lại thấy công việc mình làm thật ý nghĩa và có ích. Trong triển lãm tranh ảnh ở Bỉ, bà đã gặp một Việt kiều. Ông này ngày nào cũng đến triển lãm, chăm chú xem rồi lặng lẽ ra về. Đến ngày cuối cùng, ông ta mới bước đến gần bà Xuân Phượng và chia sẻ: "Khi nghe có triển lãm tranh Việt Nam ở đây, tôi tìm đến để xem. Và không ngờ, tôi đã tìm lại được tuổi thơ mình với quê hương xứ sở mà từ lâu tôi nghĩ mình đã mất đi. Tôi thấy một Việt Nam hòa bình, thân thiện. Tôi hứa với chị tôi sẽ trở về, để thăm lại đất nước và bỏ suy nghĩ thù hằn dân tộc".
Quả thật, tác dụng vượt ra khỏi bức tranh, xóa hết quan niệm thù hằn Hội họa đã như một thông điệp cảm hóa người xem, hướng họ đến với những điều tốt đẹp, hoá giải quá khứ đau buồn. Hay như câu chuyện giữa bà và người đàn ông Ý. Nó đã tiếp thêm sức mạnh trên con đường mang hội họa Việt Nam chinh phục thế giới và bạn bè quốc tế. Câu chuyện cảm động này bắt đầu từ lần bà mang tranh sang Venie (Italia) triển lãm năm 2011.
Bà quan sát thấy người đàn ông đội nón cao bồi, ngày nào cũng vào xem tranh một cách chăm chú. Ngày cuối cùng của triển lãm, ông dẫn vợ theo và tâm sự: "Tôi là kiến trúc sư của những công trình như kho vũ khí Long Bình, xây sân bay Chu Lai và xây sân bay Buôn Mê Thuột. Tôi không ngờ từ những nơi tôi xây dựng đã gây ra cuộc chiến ác liệt. Và máu người Việt Nam đã đổ trên ba công trình này. Tôi rất hối hận và ám ảnh, nghĩ rằng mình là người gián tiếp gây ra cuộc chiến đầy tội ác đó. Tôi đi điều trị nhiều nơi nhưng chưa đêm nào tôi ngủ yên giấc".
Bà Phượng kể lại: "Ông ấy sợ khi về Việt Nam phải đối diện với những ánh mắt căm thù, với một dân tộc đau khổ nên nhiều lần đặt vé máy bay sang Việt Nam rồi lại hủy. Sau lần triển lãm tranh Việt Nam ở Ý, nhìn ngắm những bức tranh đầy màu sắc, đầy sức sống, ông ta hiểu rằng, dân tộc Việt Nam đã vượt qua được nỗi đau tàn khốc và hồi sinh nên ông đã thực sự cởi bỏ những e dè, mặc cảm để thăm lại nước ta".
Ngày 12/10/2011, trong buổi lễ trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho bà Nguyễn Thị Xuân Phượng tại lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM, đại sứ Jean-Francois Gerault đã long trọng phát biểu ghi nhận những đóng góp của bà cho sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Trong thời chiến cũng như thời bình, bà có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam bằng chính những việc mình làm. Qua việc đưa các đoàn làm phim, chính khách Pháp sang Việt Nam làm phim, viết sách trong thời chiến, cũng như đưa hội họa Việt Nam ra nước ngoài cùng các cuộc hội thảo, triển lãm, bà đã tạo điều kiện cho bạn bè hai nước hiểu nhau hơn. Với tất cả những điều đó, bà còn được xem như là một sứ giả của hoà bình và tình hữu nghị...
Lời xin lỗi muộn của người bên kia chiến tuyến Khi trực tiếp xem những bức tranh về sự đổi thay, hồi sinh, phát triển của một đất nước phải trải qua khói lửa chiến tranh, ông kiến trúc sư người Ý mới thật sự yên lòng và lục tìm trong trí nhớ hai tiếng "Xin lỗi" để đến nói với bà, người Việt Nam mang tranh chữa lành vết cho những tâm hồn bị ám ảnh. Sau đó người đàn ông này đã cầm tay bà Xuân Phượng và nói trong xúc động: "Đất nước bà đã tự đứng dậy trên đôi chân của mình. Những màu sắc này vẽ nên biết bao bức tranh tươi đẹp về một đất nước tươi đẹp, yêu hoà bình. Tôi sẽ đặt vé máy bay về thăm lại Việt Nam, điều mà tôi đã không dám làm khi chưa biết đến những cuộc triển lãm hội họa của bà". |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn