Chuyện về người hơn 30 năm ngủ ngồi

Chuyện về người hơn 30 năm ngủ ngồi

Thứ 6, 16/08/2013 10:06

Trong chuyến công tác Thái Nguyên, tôi được nghe câu chuyện về “lão Hạc” thời hiện đại. Lão có vợ, thế nhưng vợ lão dường như chỉ là một chiếc bóng trong ngôi nhà hoang tàn, lụp xụp. Lão và vợ hiếm khi nói chuyện với nhau vì chẳng biết nói gì.

Xót xa cảnh chồng mù, vợ điên

Men theo những cung đường ngoằn ngoèo qua những dãy núi cao trùng điệp bên dòng suối cạnh quốc lộ 3 đi Bắc Kạn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà "lão Hạc" Hoàng Văn Báo (SN 1940) và vợ là Nguyễn Thị Nhớn (SN 1944). Đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, cửa trước bị khoá trái, giăng rào tre, gỗ như nhà hoang không người ở. Sau một hồi gọi lớn, không thấy có tiếng đáp lại, chúng tôi được mấy người phụ nữ đi làm qua đó nói: "Ông Báo đang ở trong nhà, các bác đi theo lối này vào bằng cửa sau. Cửa này bà vợ khoá trái quanh năm suốt tháng như vậy rồi vì sợ mất trộm dù ông  24/24h ở nhà. Hoá ra, mấy người phụ nữ dẫn đường cho chúng tôi chính là cháu dâu họ của ông Báo.

Xã hội - Chuyện về người hơn 30 năm ngủ ngồi

Căn bếp nhà ông Báo.

Bước vào nhà, xộc vào mũi chúng tôi là một mùi nồng nồng, hôi hám vô cùng khó chịu. Trong ánh sáng mặt trời lọt qua khe hở của tường nhà, ông Báo ngồi trên giường, tay đang vuốt ve chú chó vàng gầy gò một cách âu yếm. Thấy vậy, chị Thuận, cháu ông Báo cầm que củi đuổi con chó xuống đất nhưng nó không chịu xuống mà giơ nanh vuốt ra phản ứng lại sự đe dọa của người ngoài. Thấy vậy, ông Báo lên tiếng "kệ nó đi, nó quen được tôi chiều rồi". Nghe tiếng ông chủ, con chó ngoan ngoãn lui vào một góc giường.

Bên cạnh giường, trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ của một người cháu họ cho, có một chiếc bát nhựa đã ngả màu, cáu bẩn. Chiếc bát này là của chị Thuận thi thoảng mang cơm sang cho ông ăn rồi để lại. Vì mù nên có lúc ông đặt chiếc bát vào kiềng bếp hoặc lửa khiến chiếc bát bị biến dạng thảm hại. Trên tường nhà, gần chiếc giường của ông, quần áo, chăn màn bày lộn xộn. Điều đáng nói, tất cả những đồ dùng ấy đều có màu đất, bẩn thỉu giống nhau. Người ta thường nói, đến nhà một ai đó, chỉ cần nhìn vào bếp ăn cũng có thể biết được đó là một gia đình giàu nghèo, no đủ ra sao. Ở nhà ông Báo, trong chiếc kiềng ba chân vẫn còn những thanh củi nguội lạnh, cạnh đó, chỉ có một chiếc nồi và một chiếc ấm đun nước méo mó đen sì. Tất cả như lột tả cái không khí ảm đạm, nghèo khó tới cùng cực của vợ chồng ông Báo.

Đưa tay chỉ vào đống củi chất đầy nhà, chị Thuận cho biết: "Đây là củi do ông bà cùng đi kiếm về mỗi khi có sức khoẻ". Nhìn theo hướng tay của chị Thuận, đập vào mắt tôi là hàng trăm nút buộc xung quanh đống củi bằng giẻ rách. Biết tôi tò mò, một người cháu của ông Báo nhanh nhẹn: "Đây là những dấu tích bà Nhớn đánh dấu đó cô. Bà sợ bị con cháu đến nhà trộm củi khi bà đi vắng. Mỗi khi về nhà, thấy sợi dây nào sai vị trí, lập tức bà chửi ầm ĩ cả ngày”.

Xã hội - Chuyện về người hơn 30 năm ngủ ngồi  (Hình 2).

Ông Báo và người cháu dâu trò chuyện cùng phóng viên.

“Ăn ngon như này,   chết cũng sướng”

Hơn 30 năm ngủ ngồi trên củi vì suy nghĩ quái đản

Điều đặc biệt ở đống củi không dừng lại ở những nút dây buộc mà ở chiếc ghế nằm được tạo nên từ những thanh củi, quần áo, miếng đệm. "Đó là chỗ ngủ của bà Nhớn. Không biết tự bao giờ, bà Nhớn không ngủ cùng ông Báo và tự tạo cho mình chiếc giường theo kiểu này để ngủ. Khi ngủ, mặc cho muỗi đốt, bà nhất quyết không chịu mắc màn vì bà bảo ngủ màn giống như người chết. Chẳng biết bao nhiêu năm rồi, bà cứ ngủ với tư thế ngồi như vậy. Thật khổ, đến ngủ, bà cũng không được thoải mái. Cái tư thế ngủ ấy đã nói lên cuộc đời khổ sở, đói nghèo của bà", chị Thuận chia sẻ.

Dường như cuộc đời lão là một chuỗi màu đen tối, mịt mù: Con nhà nghèo, bị mù bẩm sinh. Cuộc sống của lão phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác, thế nên, ở vào cái tuổi xấp xỉ tứ tuần, lão được anh em, con cháu mai mối và lấy vợ giúp. Vợ lão, một người đàn bà goá chồng, kém lão 4 tuổi, bị dở hơi nhưng lão vẫn chấp nhận. Lấy vợ rồi, cứ ngỡ cuộc đời sẽ mỉm cười với lão, gia cảnh lão sẽ khá khẩm hơn. Nhưng không, nghèo vẫn hoàn nghèo bởi việc mưu sinh với người lành lặn đã khó, với người mù, dở hơi như vợ chồng lão càng khó khăn hơn.

Năm nào cũng như năm nào, mỗi khi đến mùa mưa bão, vợ chồng lão lại được ở lều mới vì lều cũ bị gió tốc mất nóc, cuốn phăng mỗi nơi một mảnh. Nhà ở tạm bợ, cuộc sống của cặp vợ chồng tật nguyền càng tạm bợ hơn. Những khi khoẻ, ông bà cùng nhau lên rừng kiếm củi, kiếm thức ăn, lúc ốm yếu, trái gió trở trời, cuộc sống của ông bà phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của con cháu. Đặc biệt những tháng ngày mưa bão, lối mòn dẫn lên túp lều bị tách biệt với thế giới bên ngoài, ông bà phải ăn gạo sống, nhịn đói cầm chừng. Cũng vì dở hơi, lúc phát bệnh, lúa chưa kịp chín, bà đã ra đồng gặt, ngăn cản thế nào cũng không được.

Cuộc sống nghèo nàn, khốn khó kéo dài mấy chục năm qua khiến ông bà không dám mơ tưởng đến bữa ăn ngon. Thế nên, những lúc được ăn quả vải, bát canh mướp đắng nấu suông con cháu mang cho, ông thường nở nụ cười hiền rồi hướng đôi mắt trắng đục về phía người biếu rồi nói gở: "Ăn ngon như này, chết cũng sướng". Khi tôi hỏi, sao con cháu không ai đón ông bà về ở cùng", mọi người đều lúng túng nhìn nhau bởi cuộc sống của họ cũng chẳng khá hơn ông bà là mấy.

Sau hơn 30 năm sống trong túp lều lụp xụp, ông bà được chính quyền hỗ trợ 4 triệu đồng để làm nhà kiên cố. Ngôi nhà hiện nay ông bà đang ở được xây dựng bằng tiền chính sách cộng với tiền đóng góp thêm của các cháu và sự góp công của hàng xóm láng giềng. Tuy nhiên, dù được ở trong ngôi nhà kiên cố song cuộc sống của hai ông bà vẫn vô cùng bấp bênh, khổ sở. Bởi ông đã già yếu, bệnh điên của bà ngày càng nặng. Khi chúng tôi đến, bà đã bỏ nhà đi lang thang được hơn một ngày. Có những lúc bà đi lang thang lâu ngày, con cháu lại phải đi tìm khắp nơi vì sợ không may bà xảy ra chuyện gì không hay.

Ông Đỗ Trọng Bích, chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: "Gia đình ông Báo thuộc diện nghèo khó đặc biệt của xã. Ngoài việc thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ tết, hay gạo cứu trợ mỗi mùa mưa bão, vợ chồng ông Báo còn được hưởng trợ cấp người tàn tật, mù loà với số tiền 180.000 đồng/tháng. Với số tiền ấy, ông bà phải chi tiêu tằn tiện mới đủ sống qua ngày. Chính quyền xã cũng rất muốn giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng để làm được điều ấy là điều không đơn giản. Số gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo và nghèo trong xã còn rất nhiều, trong khi xã Quy Kỳ là một xã miền núi nghèo, không có nhiều tiền ngân sách".

Hồng Mây

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.