Người cựu chiến binh tận tụy
Bất kỳ ai đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, nằm cạnh QL 1A, thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đều cảm nhận được sự linh thiêng xen lẫn niềm tự hào xúc động. Để góp phần làm nên sự tôn nghiêm ấy, không thể không nhắc đến người quản trang Lê Quang Trung.
Ông Lê Quang Trung (SN 1960) vốn là cựu chiến binh, gắn bó với nghĩa trang đã 13 năm nay. Ông Trung xem những phần mộ liệt sĩ như những người thân đã khuất của mình. Với ông Trung, việc trông coi, chăm sóc nghĩa trang không chỉ là công việc, là nhiệm vụ mà còn là sự tri ân với những người đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 13 năm qua, ngoại trừ những lúc ốm đau, bệnh tật, chưa một ngày nào ông rời nghĩa trang. Nhìn cách người quản trang ấy nhẹ nhàng nhặt từng chiếc lá trên các phần mộ, tỉ mẩn cắt tỉa các cây cảnh, chúng tôi phần nào cảm nhận được ý nghĩa của công việc này đối với ông.
"Chỉ những lúc đau ốm hay có việc đột xuất tôi mới nghỉ hoặc nhờ vợ con lên chăm nom hộ. Có khi, cả nhà đều tập trung chăm sóc nghĩa trang, người quét rác, người lau chùi từng phần mộ", ông Trung nói.
Trước đây, quản trang ở Nghĩa trang có hai người nhưng hiện tại chỉ còn ông Trung, nên công việc cũng vất vả hơn. Khuôn viên rộng gần 3ha với hàng ngàn phần mộ nên hầu như ngày nào ông dậy từ tờ mờ sáng để kịp dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ cho đến lúc nghĩa trang phong quang, sạch đẹp mới thôi.
Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, các phần mộ, khuôn viên nghĩa trang phải được dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp hơn ngày thường để đón gia đình các liệt sĩ, đoàn thể, chính quyền đến thăm viếng. Có bàn tay chăm sóc của ông, những ngôi mộ liệt sĩ luôn sạch đẹp và ấm áp.
Từng "vào sinh ra tử" nơi chiến trường ác liệt, ông Lê Quang Trung hiểu hơn ai hết những đau thương mất mát của gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh. Thế nên, năm 2012, khi được ngỏ ý về công việc quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc, ông không ngần ngại nhận lời ngay. "Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, sinh mạng của họ, vì vậy, công việc này như là để mình được gần gũi hơn với đồng đội, được "canh giấc" cho các đồng đội yên nghỉ, để ở thế giới bên kia họ luôn thấy ấm lòng", ông Trung xúc động.
Thuộc lòng vị trí của từng ngôi mộ
Quản trang không phải công việc quá nặng nhọc nhưng thường thì ít ai dám đảm nhận. Khi hỏi về việc này, ông Trung khẳng định việc quản trang chỉ có thể làm tốt khi mình có tấm lòng và nhiệt huyết, tạm gác sang bên chuyện cơm áo gạo tiền.
Ông Trung bùi ngùi chia sẻ: "Niềm vui của chúng tôi là những giây phút được thấy nụ cười trên môi các thân nhân liệt sĩ mỗi lần đến viếng nghĩa trang và giọt nước mắt mừng tủi của bao người khi nhận được phần mộ người thân mà họ cất công đi tìm bao lâu".
Bao năm gắn bó với công việc lặng thầm đầy cao cả ấy, ông Trung nhớ như thuộc lòng vị trí của từng ngôi mộ. Ông bảo, vui nhất là khi thân nhân của các liệt sĩ tìm được mộ người thân của họ sau bao nhiêu thời gian tìm kiếm trong vô vọng và điều khiến ông nặng lòng nhất chính là những ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc là một nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia được xây dựng năm 1975. Nghĩa trang là nơi an nghỉ của 3.060 liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đã hy sinh trong cuộc khánh chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có đến khoảng một nửa là phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Ông Nguyễn Quang Tuyền, quyền Chủ tịch UBND xã Lý Trạch chia sẻ: "Ông Lê Quang Trung là một quản trang tận tụy, tâm huyết. Từ khi ông đảm nhiệm công việc, khuôn viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, những ngôi mộ liệt sĩ luôn chỉnh chu, ấm áp. Chúng tôi luôn mong ông thật nhiều sức khỏe để đảm nhận lâu dài công việc cao cả này".