Chuyện về người vợ tự trao giấy báo tử cho mình

Chuyện về người vợ tự trao giấy báo tử cho mình

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

40 năm sau ngày chồng bà hy sinh, một đồng đội cũ đã tìm được gia đình liệt sỹ Nguyễn Xuân Luyện, người đại đội trưởng xe tăng đã hy sinh ngay trận mở màn chiến dịch Đắc Tô Tân Cảnh năm 1972, mà sau này được gọi là mùa hè đỏ lửa Tây Nguyên.

Tháng ngày chồng vợ

Ngày ấy, đầu những năm 1960, họ là những chàng trai, cô gái độ tuổi 20 cùng làng ngày đêm hăng say xây dựng miền Bắc XHCN ngay trên quê hương mình (Tam Dương - Vĩnh Phúc). Chị là Nguyễn Thị Tò và anh là Nguyễn Xuân Luyện. Họ cùng tham gia các hoạt động đoàn thanh niên, các công tác xã hội, công tác phụ nữ, rồi anh vào bộ đội năm 1963. Và mối tình của hai người cũng bắt đầu từ đó.

Năm 1965, lúc hấp hối, ông cụ cho gọi anh về. Tất cả vỏn vẹn chỉ có 5 ngày phép, hai người tranh thủ làm đám cưới để chạy tang cha. Đám cưới trong chiến tranh đơn giản lắm, chủ yếu xóm làng hai họ tới chia vui, ăn trầu, hút thuốc. Thế rồi, vợ chồng chưa kịp mặn nồng, bén hơi nhau thì anh đã trở lại đơn vị.

Pháp luật - Chuyện về người vợ tự trao giấy báo tử cho mình

Liệt sĩ Nguyễn Xuân Luyện

Những năm đầu, anh đóng quân ở làng Chùa - Hướng Đạo, cách nhà vài chục cây số. Vì bà nội mong sớm có cháu bế bồng nên chị đi bộ lên đơn vị thăm anh. Trước khi đi, chị được bà nội, bà ngoại gom cho chị 10 đồng - chị mua hoa quả, thuốc lá, bánh kẹo vào với các chú bộ đội. Lúc chị tới, khu nhà tiếp thân nhân của đơn vị đã rất đông người đến thăm. Chị thấy có người nói với trẻ chăn trâu rằng: "Nhắn chú bộ đội tên Luyện là có vợ tới". Nhưng chị đợi mãi, suốt từ chiều tới tối mịt vẫn chưa thấy anh đâu. Cuối cùng, mãi 9h tối, anh sinh hoạt đơn vị xong mới ra. Lần đó, chị ở lại khu nhà khách 5 ngày. Rồi chị có mang cô con gái đầu lòng. Nhưng mãi tới tận ngày khi con gái đầu được 8 tháng tuổi, anh mới có dịp về thăm vợ con.

Và cứ như vậy, chị ở nơi sơ tán, anh ở đơn vị đến năm 1970 thì nhận lệnh vào đường 9 Nam Lào. Thời gian đó, có lần anh đã suýt chết vì bị ném bom cháy. Rồi sau đó, anh trở ra và được lệnh đi B dài. Anh được nhận mệnh lệnh chỉ huy một đơn vị xe tăng T54 và hàng trăm tấn khí tài hành quân vào chiến trường Tây Nguyên.

Vào thời điểm này, con gái thứ hai của anh chị mới được 8 tháng tuổi. Ngày anh đi là giữa tháng 6/1971, chị vẫn nhớ như in hôm đó trời mưa tầm tã, anh cứ đi xuống sân rồi lại quay vào nhà, cứ trở đi trở lại như vậy mấy lần liền. Rồi anh trở lại võng, ngồi bế cô con gái bé nhỏ trong tay đu đưa bịn rịn… Trước khi đi, anh dặn chị: "Vì đất nước có chiến tranh nên anh phải ra đi. Em đừng nghĩ anh quay trở về, mà phải xác định một sống một còn. Em ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe, công tác tốt và chăm sóc các con chu đáo. Anh đi không hẹn ngày về". Dù anh dặn vậy, nhưng chị vẫn tin, nhất định anh sẽ trở về…

Một năm đầu, anh cứ đi tới đâu viết thư về tới đó. Sau đó, bặt tin anh nhưng chị nghĩ, chiến tranh đang hồi ác liệt nên thư từ có thể bị thất lạc. Thế nhưng, sau 13 tháng không nhận được tin tức gì của anh thì chị nhận được giấy báo tử. Chị rụng rời và quá đỗi bất ngờ, đất trời chao đảo khi chính chị là người trao giấy báo tử cho mình. Bởi trước đó, làm công tác Đảng ở địa phương, chị là người đi đưa giấy báo tử và động viên các gia đình vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn trong nỗi đau chung của đất nước. Kể từ ngày tự mình nhận giấy báo tử của chồng, chị đã không thể làm công tác đi báo tử nữa.

Vậy là một đời người phụ nữ đó, có với chồng hai mặt con, nhưng thời gian anh chị ở bên nhau có thể đếm được bằng ngày: Cưới 1 tuần, đi Nam Lào 10 ngày, đi B 10 ngày nhưng thời gian là cả cuộc đời dằng dặc nhớ thương, mất mát.

Cha, con và những lá thư

Ấn tượng của cô con gái Nguyễn Thị Hồng Thúy ngày cha đi mới 8 tháng tuổi là những lá thư, là những câu chuyện mẹ kể về người cha thân yêu của mình, chỉ ngần đó thôi nhưng quá đỗi thân thuộc và tự hào. Chỉ có chị gái Thúy - Nguyễn Thị Kim Dung - lúc đó đã 5 tuổi là còn chút kỷ niệm về bố. Trước ngày đi B, bố chở Dung bằng xe đạp sang huyện Lập Thạch thăm bà con, lúc về Dung bị kẹp xe vào nan hoa đau điếng, còn với Thúy mẹ kể chuyện gì về bố đều cảm nhận và tưởng tượng như tất cả đang ở trước mắt.

Hồi bé, Thúy thường bắt gặp mẹ mang những lá thư của bố ra đọc đi đọc lại và lần nào mẹ cũng khóc. Thư từ được mẹ cất kỹ trong hòm nhưng Thúy thường lục lọi và mang ra xem dù không hiểu gì nhiều. Tới lớp 3-4, Thúy thấy những phong bì thư của bố gửi về có hình những bông hoa rất đẹp. Thế là cùng với sự non nớt của một đứa trẻ, Thúy cắt những bông hoa đó dán vào sổ tay. Ngày đó, cô bé Thúy không hiểu tại sao mình lại bị mẹ mắng một trận dữ dội tới mức vậy.

Pháp luật - Chuyện về người vợ tự trao giấy báo tử cho mình (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Tò

Và những lá thư đó, Thúy vẫn để trong cặp và đọc từng đoạn rời rạc. Cho tới một ngày, đang ngồi trong lớp, Thúy vô tình mang thư bố ra đọc, lá thư có đoạn: "Em nói với hai con trận đánh vừa rồi anh đã thu được một miếng dù dành làm khăn cho các con. Hai con gái Dung, Thúy của bố ngoan, ngày chiến thắng trở về bố hứa sẽ mua hai con búp bê tặng các con. Bố hứa sẽ mang về cho các con" - Lúc đó Thúy đã òa khóc nức nở và chạy ra cửa lớp. Có một điều gì đó quá đỗi lớn lao và đau đớn òa vỡ trong tâm hồn cô bé 17 tuổi.

Giờ đây, những kỷ vật còn lại của người cha thân yêu chỉ còn khoảng hơn 20 lá thư, đã bị thất lạc nhiều. Đó là những lá thư người cha viết trên đường hành quân, sau những trận đánh mù trời bom đạn, đó là lúc người cha đi họp, đi sinh hoạt đơn vị về, có khi thư lại là những bài thơ dài chúc tết. Thư nào người cha cũng dặn: "Dù khó khăn thế nào em hãy cố gắng nuôi các con và làm tốt công tác xã hội. Mùa đông em nhớ giữ ấm cho các con".

Vĩ thanh

Chiến tranh qua đi, mẹ con Thúy chỉ nghe tin loáng thoáng về cái chết của chồng, của cha vì đồng đội cũ mỗi người một ngả. Cho tới một lần gặp mặt mới đây của đơn vị, vị tướng năm xưa là người trực tiếp chôn cất liệt sỹ đại úy Nguyễn Xuân Luyện - Trung tướng xe tăng Trần Doãn Kỷ (Tư lệnh Binh chủng tăng thiết giáp) và một người đồng đội của đơn vị đã tìm được mẹ con Thúy.

Trước đây, mỗi người kể một thông tin, gần 40 năm sau ngày liệt sỹ Nguyễn Xuân Luyện hy sinh, gia đình mới biết anh đã ngã xuống như thế nào. Lúc bấy giờ trung tá Trần Doãn Kỷ là trưởng ban Tăng mặt trận B3 đi kiểm tra chiến trường, ông xót thương vô cùng khi bắt gặp đại đội trưởng Luyện và một pháo binh tên Thu đã hy sinh cháy xém trên xe (xe có ba người thì anh lái xe tên Thanh kịp nhảy ra ngoài là sống sót). Nguyễn Xuân Luyện đã được ông chôn cất và đánh dấu ở bìa rừng trong lúc tiếng súng vẫn chát chúa vọng về. Năm 1975, sau ngày giải phóng, tướng Kỷ tìm về nơi đã mai táng đại đội trưởng Luyện nhưng nơi bìa rừng đó đã bị giặc càn quét không còn dấu vết…

Gặp mẹ con chị Thúy, vị tướng năm xưa nay đã ở tuổi xưa nay hiếm rưng rưng nước mắt nói Thúy giống cha như đúc. Và với Thúy, dường như bố luôn ở bên cạnh rất đỗi ấm áp dù ngày bố vào chiến trường Thúy vẫn còn phải bế bồng trên tay.

Giữa tấm lòng và sự ấm áp của đồng đội, nhìn hai mẹ con Thúy lọt thỏm, chơi vơi giữa niềm vui gặp mặt, tôi hiểu chiến tranh như hiện hữu bằng xương bằng thịt bởi những mất mát, những con người bé nhỏ mà vĩ đại vô cùng. Trên đất nước mình có bao nhiêu hòn vọng phu như thế, bao nhiêu máu và nước mắt đã thấm đẫm trên dải đất hình chữ S thân yêu.

Uyên Na


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.