Gia đình cách mạng kiên trung
Giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về đôi bờ sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh – huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Mảnh đất can trường vốn đã quá quen thuộc với triệu người dân Việt Nam qua những cái tên “Hiền Lương”, “Bến Hải” hay “Vĩ tuyến 17”…
Trong căn nhà nhỏ của mình ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), gia đình bà Phan Thị Hoa (70 tuổi) vang lên những bài hát chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).
Bà Hoa là con gái của ông Phan Văn Đồng và bà Khổng Thị Nậy. Ông Đồng, bà Nậy là nguyên mẫu thật trong bài hát nổi tiếng “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Một bài hát đã trở thành bất hủ ca ngợi quê hương Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.
Trong ký ức của bà Hoa vẫn còn vẹn nguyên lời kể của bậc đi trước, về những năm tháng của chiến tranh ngay giữa đôi bờ vĩ tuyến. Sau Hiệp định Genève năm 1954, sông Bến Hải trên vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới giữa 2 miền Nam Bắc.
Ngày ấy, theo Hiệp định Genève, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã tập kết ra miền Bắc với niềm tin hy vọng 2 năm sau sẽ trở về bằng cuộc Tổng tuyển cử như quy định. Ngày ấy, cha bà Hoa - ông Phan Văn Đồng được phân công nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Cửa Tùng, để liên lạc của quân ta từ đảo Cồn Cỏ. Còn vợ ông, bà Khổng Thị Nậy ở lại để tiếp tục nhiệm vụ.
Cũng như triệu người dân Việt Nam yêu hòa bình, ông bà Đồng – Nậy cùng chung lời hẹn 2 năm sau sẽ đoàn tụ. Nhưng, lời hẹn thề đoàn tụ ấy đã phải kéo dài đằng đẵng tới mấy mươi năm sau. Khi ấy, bà Nậy đang mang bầu cô con gái út chính là bà Hoa.
Ngày ngày bên bờ Bắc, ông Đồng hướng về phía Nam nơi người vợ và các con thơ khắc khoải chờ đợi. Còn phía bờ Nam, bà Nậy vừa nuôi con, vừa tham gia Cách mạng. Người phụ nữ kiên trung ấy dằn chặt nỗi nhớ chồng trong tim để tiến lên. Với cương vị Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vào thời điểm ấy, bà Nậy thường bí mật di chuyển khắp cồn cát các thôn trong vùng để dò la tình hình địch, quan sát tàu chiến Mỹ ra vào cảng Cửa Việt cũng như các lực lượng địch để nắm tình hình, đồng thời phối hợp với các cán bộ chiến sỹ tìm cách đánh địch. Có những lúc đêm xuống, bà Nậy lại lần dò ra bãi phi lao bên bờ Nam sông Bến Hải nhìn về phía ngọn đèn biển, nơi chồng bà đang làm nhiệm vụ để nhớ, để thương.
Bà Hoa kể, hình ảnh mẹ mình đêm đêm nhìn về phía bờ Bắc – nơi cha đang công tác đã in sâu vào tiềm thức bà từ khi rất nhỏ. Trong dòng ký ức của bà Hoa mẹ Nậy là một người mẹ anh hùng. Mẹ tần tảo nuôi con, mẹ can trường làm cách mạng. Cuộc sống thời binh lửa cứ thế trôi qua, dưới bàn tay chăm bẳm của bà Nậy, những đứa con dần khôn lớn, tiếp bước anh hùng. Con trai cả Phan Đình An, con gái Phan Thị Hoa đều là những cán bộ cách mạng kiên trung. Trong đó, bà Hoa làm du kích, còn ông An là Xã Đội trưởng.
Nhưng rồi, năm 1970, nữ Bí thư can trường Khổng Thị Nậy hy sinh. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi ngoai thì cô du kích Phan Thị Hoa nhận được tin anh cả Phan Đình An cũng anh dũng ngã xuống. Những giọt nước mắt của bà Hoa rơi rất nhiều trên miền cát trắng Quảng Trị, hòa cùng dòng Bến Hải. Cũng chính nước mắt, chính đau thương ấy đã trở thành động lực để bà tiến lên, góp sức lực cùng triệu người con máu đỏ da vàng Việt Nam thu non sông về một mối.
Thương nhớ “Câu hò bên bờ Hiền Lương”
Nói về bài hát bất hủ “Câu hò bên bờ Hiền Lương” ai cũng đã biết, năm 1956 trong một lần tình cờ, khi nhạc sỹ Hoàng Hiệp đi thực tế sáng tác tại Cửa Tùng và Vĩ tuyến 17 đã nghe câu chuyện kể về nỗi nhớ nhung đôi bờ Nam Bắc của ông Đồng, bà Nậy.
Chính tình yêu đẹp giữa thời lửa đạn đã thành niềm cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bài hát cũng là nỗi lòng của những người thương nhớ nhau nhưng phải xa cách giữa hai bờ giới tuyến, giữa bờ Bắc và bờ Nam của một dòng sông. Khi bài hát ra đời và được phát trên sóng phát thanh, ông Đồng đã khóc rất nhiều.
Ngày hòa bình lập lại, gia đình bà Hoa chỉ còn bà và cha là ông Đồng. Bà Hoa lấy chồng là một người đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, sinh được nhiều đứa con. Năm 2007, ông Đồng cũng mất.
Bây giờ, dẫu ở cái tuổi 70 nhưng nữ du kích năm nào Phan Thị Hoa vẫn còn mạnh mẽ. Tri ân những ngày tháng binh lửa mà gia đình bà đã cống hiến cho Tổ quốc, cho sự hòa bình của đất nước, những dịp lễ ý nghĩa gia đình bà lại nhận thêm những niềm vui từ chính quyền, từ đồng đội.
Nhưng có lẽ điều bà tự hào nhất không phải vì cống hiến bản thân mình mà là vì cha mẹ mình. Giờ đây, cứ chiều chiều bên cầu Hiền Lương lại cất lên câu hát: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...”. Như bà Hoa vẫn tự hào rằng, bài hát này được người dân Quảng Trị hát mãi. Cho đến bây giờ, lời bài hát đã ngấm sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ, mà ở đó cha bà, mẹ bà hiện hữu trong bài hát ấy.
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cho biết, bà Hoa hiện sống vui vầy, mạnh khỏe bên gia đình, làng xóm. Ngoài công việc nhà, bà vẫn hay đi buôn bán ở chợ. Ở địa phương, gia đình bà Hoa được mọi người yêu mến, gần gũi.
Nhâm Thân