Chuyện về nhà phê bình "đắt sô" nhất Việt Nam

Chuyện về nhà phê bình "đắt sô" nhất Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Ông là một dịch giả thiếu học vị nhưng là một nhà phê bình "đắt sô" nhất Việt Nam.

Giới văn nghệ sĩ gọi ông là Nguyên đầu bạc. Chỉ cần lướt qua ngoại hình cũng đủ hiểu biệt danh đó. Nhưng ít ai biết ẩn sau mái đầu bạc là một tinh thần rất… thanh niên. Ông vui vẻ, cởi mở và hòa nhã. Với giọng điệu đầy hứng thú, ông kể lại những kỷ niệm thuở ấu thơ và những điều "trái khoáy" tạo nên thương hiệu "Nguyên đầu bạc", vị chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội.

Xã hội - Chuyện về nhà phê bình 'đắt sô' nhất Việt Nam

Phạm Xuân Nguyên trong một chuyến đi Trường Sa

Văn hay chữ xấu

Phạm Xuân Nguyên kể, hồi nhỏ, ông học đều các môn nên tên của ông luôn thường trực trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi cả hai môn văn và toán. Ông đã gặt hái được rất nhiều giải thưởng từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Nhưng có điều đặc biệt là sau bao nhiêu năm ở đội tuyển học sinh giỏi, các giải thưởng Phạm Xuân Nguyên đều tập trung ở môn văn, trong đó có hai giải nhất văn tỉnh Hà Tĩnh năm lớp 6 và lớp 10.

Tôi thắc mắc, văn hay thế ắt chữ viết của ông rất đẹp. Ông cười lớn rồi nói: "Đó là điểm yếu của tôi. Bạn bè vẫn nói đùa tôi là người "văn hay chữ xấu". Hồi nhỏ, thầy chủ nhiệm lớp 5 của tôi cất công đến tận nhà, gặp bố mẹ tôi và nói: "Ông bà cho thằng Nguyên ăn cẳng gà hay sao mà chữ nó xấu thế". Chữ tôi xấu đến nỗi hồi đi thi đại học còn sợ giám khảo không thèm đọc bài. Nhưng cuối cùng tôi cũng đỗ khoa văn đại học Tổng hợp (nay là đại học KHXH&NV).

Ở trường đại học, tôi học môn văn học phương Tây của cô Đặng Thị Hạnh, con gái GS Đặng Thai Mai. Hôm trả bài kiểm tra, cô nói có một bài ban đầu cô không định đọc vì chữ xấu quá, sau cố đọc thì thấy khá nên cho 9 điểm, nghe vậy tôi nói luôn: "Thưa cô bài chữ xấu là của em đấy ạ".

Sau khi lấy bằng cử nhân, Phạm Xuân Nguyên được nhận vào viện văn học và công tác ở đó cho đến nay. Viết nhiều, làm nhiều nhưng có một điều ông vẫn không thực hiện được là học cao hơn. Bạn văn của ông, nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ: "Nó chỉ có trọc lóc mỗi bằng cử nhân, mình nói cả viện văn chỉ còn mày với bà bán nước là chưa tiến sĩ thôi đấy, nó nhăn răng cười".

Ông là người duy nhất ở Viện Văn học chỉ có bằng cử nhân và là một trong số rất ít những người thuộc giới viết lách, phê bình chuyên nghiệp viết rất nhiều mà lại chưa in sách, chưa khi nào có ý gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Phạm Xuân Nguyên không lấy đó làm điều.

Nhà văn Di Li nhận xét: "Chỉ những người rất tự tin vào tri thức của mình, chỉ những người đã có danh tiếng, danh vị mà coi nó như thứ phù du mới có thể đứng giữa thiên hạ mà ngang như thế. Cũng thể như một ông tỷ phú sở hữu hàng trăm bất động sản có lần từng nói vui rằng "Ôi dào, tôi mặc cái gì mà thiên hạ chẳng tưởng tôi mặc hàng hiệu", cô dành những lời như thế để nói về đàn anh của mình.

Xã hội - Chuyện về nhà phê bình 'đắt sô' nhất Việt Nam (Hình 2).

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Tô Hoài

"Kẻ tay ngang" cự phách

Phạm Xuân Nguyên là một thương hiệu. Ông là nhà phê bình, nhưng có những đóng góp to lớn cho văn học dịch. Ông có thể dịch trôi trảy 3 ngoại ngữ Nga, Anh, Pháp mà tất cả đều do tự học. Hồi học lớp đặc biệt chuyên toán tại trường cấp ba Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), ông được học tiếng Nga. Lên đến đại học, vốn đã có nền ban đầu, Phạm Xuân Nguyên tiếp tục chọn học tiếng Nga. Nhưng vốn học nhanh và ham học, Phạm Xuân Nguyên mượn cả giáo trình tiếng Pháp tự học.

Để luyện phản xạ và tranh thủ thời gian, cứ vào tiết Nga là Phạm Xuân Nguyên lại mở sách tiếng Pháp ra học. Nhưng bất kể lúc nào thầy hỏi, ông đều trả lời được. Biết Phạm Xuân Nguyên học khá nên cứ hôm trước ngày lên lớp, cả phòng xúm lại nhờ ông dịch bài hoặc làm bài tập ngữ pháp.

Đang học đại học thì ông đi bộ đội. Nhập ngũ, ông tiếp tục tự học tiếng Anh. "Ôm lấy mấy cuốn sách dạy tiếng, ngày đêm học từ học ngữ, rồi sẵn máu văn chương tôi tự đọc các tác phẩm văn thơ bằng các thứ tiếng mình học. Đó vừa là một cách học theo lối tự mình, vừa là một cách tìm hiểu văn chương nước người. Và tôi đã cầm bút dịch thơ, dịch truyện từ tiếng Nga, Anh, Pháp sang tiếng Việt từ lúc nào không biết. Dịch xong đọc thấy xuôi tôi mạnh dạn gửi báo và được đăng.

Thế rồi tháng ngày trôi, dịch thuật thành một niềm ham mê lớn của tôi cùng với công việc nghiên cứu phê bình văn học. Tôi được gọi là "dịch giả" khiến ngượng, và run. Tôi dịch thơ, dịch truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch lý thuyết, nghiên cứu, sách dịch in ra đã năm bảy cuốn. Bạn bè lại bảo có khi tôi đứng danh phê bình nghiên cứu, nhưng đóng góp thực sự lại ở mảng dịch thuật", ông chia sẻ.

Bản dịch đầu tiên của ông đến với công chúng là bài báo đăng trên Tiền Phong từ năm 1980, viết bằng tiếng Pháp. Ông kể lại: "Tôi còn nhớ đó là Thế vận hội Olympic tổ chức ở Liên Xô. Năm đó tôi đang đóng quân ở Sài Gòn, một lần ra phố mua được tờ báo, trong đó có bài viết về một vận động viên nhảy cao bị tai nạn nhưng đã phấn đấu để thành công. Thấy bài viết hay nên tôi dịch rồi gửi cho Tiền Phong, rồi cũng quên đi. Vô tình một lần nghỉ phép từ Sài Gòn về Hà Tĩnh, ngồi trên tàu, giở tờ báo ra lại thấy bài của mình. Một thời gian sau họ gửi nhuận bút cho tôi, được 12 đồng, số tiền đó hồi đấy to lắm, tôi mua quyển tạp chí có một đồng hai".

Có một điều đặc biệt ở Phạm Xuân Nguyên, ông thuộc dạng "câm điếc" ngoại ngữ. Ông dịch rất nhiều nhưng không thể nghe nói được. Ông đã nhiều lần ra nước ngoài tham dự hội thảo và ông là dịch giả duy nhất có phiên dịch kè kè bên cạnh.

Ông kể về một cuộc hội thảo ở Pháp bàn về tác giả Cao Hành Kiện người đạt giải Nobel Văn học năm 2000: "Tôi tham gia đóng góp bằng một bài viết nhưng khổ nỗi về khoản nghe nói là mù tịt. Tôi đã phải tối giản bài phát biểu mà lên đọc cũng toát mồ hôi hột. Người ta cho tôi phát biểu 30 phút mà tôi chỉ dùng có 15 phút thôi. Con gái tôi bảo: "Bố thật to gan". Tôi thấy mình cũng liều, học tay ngang như thế mà dám dịch, dịch rồi cũng may là được công nhận".

Ông luôn tìm tòi để đưa đến cho độc giả những tác phẩm thức thời, mang hơi thở của cuộc sống, đầy triết lý và chất chứa ưu tư. Đó không phải là những tác phẩm dễ đọc, những cuốn best-seller hay những tiểu thuyết nhà ga. Ông đọc nhiều và kén chọn trong đó những tác phẩm tâm đắc để dịch, có lẽ vì thế sách dịch của ông cũng kén người đọc. Ông đã dịch sách của Milan Kundera (nhà văn Czech), Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản), Jean-François Lyotard (nhà triết học Pháp)...

Thanh Xuân

Kỳ sau: Người tiên phong trong "nghề" MC sách


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.