Chàng trai đạp xe xuyên Việt với tấm thẻ hiến tạng
24 tuổi, Lê Hữu Toàn, chàng trai sinh năm 1993, quê gốc Thanh Hóa, lớn lên ở Đăk Lăk, làm việc tại TP.HCM đã có quyết định táo bạo: Một mình đạp xe xuyên Việt với quyết tâm chạm tay vào cột mốc tại 4 cực của Tổ quốc.
Nói là làm, ngày 23/12/2016, Toàn độc hành trên chiếc xe đạp đã được mình tân trang, chuẩn bị khá kĩ từ trước.
Và khi quyết định một mình đạp xe xuyên Việt, Toàn nhận thức được những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi phía trước. Bởi vậy, trước khi bắt đầu hành trình, chàng thanh niên này đã đi đăng ký hiến tạng. Được biết, Toàn còn muốn hiến xác nhưng bị từ chối.
Sau gần 2 tháng Toàn bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt, chúng tôi đã có cơ hội gặp anh tại trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (TP.Hà Nội). Bất ngờ lớn nhất với chúng tôi là ngoại hình chàng thanh niên trẻ không hề cao lớn như suy nghĩ ban đầu của nhiều người. Thế nhưng, Lê Hữu Toàn đã làm được những điều lớn lao mà không phải ai cũng làm được, đó là: hiến tạng và một mình đạp xe xuyên Việt.
Toàn nói rằng, bản thân mình đã biết về việc hiến tạng từ lâu qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Và gần đây nhất, những xúc cảm về hai từ “hiến tạng” càng như ngọn lửa cháy trong khát vọng tuổi trẻ của Toàn khi Toàn biết câu chuyện của người mẹ quê Quốc Oai, Hà Nội có con trai bị tai nạn giao thông nhưng trước khi lìa xa cõi đời, một số bộ phận trên cơ thể anh như giác mạc, tim, thận đã được dùng để cứu sống cho 6 con người khác.
Và đâu đó, hình ảnh người con trai như sống lại qua cơ thể của những người được nhận các bộ phận mà anh đã hiến.
“Khi quyết định sẽ hiến tạng, tôi có điện thoại hỏi ý kiến gia đình, lúc đó ba mẹ tôi đã đồng ý với quyết định của tôi. Sau đó, tôi có nói về ý định đạp xe xuyên Việt của mình, lúc đầu gia đình tưởng tôi chỉ nói đùa. Nhưng trước sự quyết tâm của tôi, mọi người đã đồng ý”, Toàn kể lại.
Ban đầu Toàn cho rằng, hành trình xuyên Việt của mình phải mất khoảng 1 năm mới kết thúc và bản thân đã chuẩn bị 10 triệu đồng để làm “lộ phí”. Thế nhưng sau gần 2 tháng hành trình, Toàn đã đến được Hà Nội.
Sau buổi gặp gỡ vội vã ngày hôm đó, chàng trai 24 tuổi ấy lại gấp gáp lên đường. Và điểm chinh phục tiếp theo chính là cực Bắc của Tổ quốc – Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang).
“Tôi cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc hành trình vì nó còn phụ thuộc vào nhiều thứ”, Toàn nói.
Ngay từ những ngày đầu tiên trong hành trình đạp xe Toàn đã gặp không ít khó khăn.
“Ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu hành trình tôi đạp xe rất “sung”. Do vậy cuối ngày tôi mệt nhoài, nhất là khi đi qua những cây cầu rất cao ở tỉnh Cà Mau. Khi đó tôi đã thoáng qua ý định bỏ cuộc.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình đã lên kế hoạch từ rất lâu nên tôi chấp nhận mọi khó khăn và tiếp tục hành trình. Hơn nữa, tôi cũng xác định được những rủi ro khi đi trên đường và không ai biết trước được những gì sẽ xảy ra, chính vì thế tôi đã quyết định hiến tạng trước khi bắt đầu hành trình”, Toàn tâm sự.
Quay trở lại câu chuyện hiến tạng của mình, Toàn xúc động nói: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp rất khổ khi phải hàng ngày lọc thận, những người đó họ chỉ sống được khi có tạng để ghép. Từ những câu chuyện đó tôi nung nấu ý nguyện và cuối cùng tôi đã thực hiện được ý nguyện đó”.
Toàn vẫn luôn tâm niệm, mình không thể dự đoán được khi nào mình chết, có thể là hôm nay, có thể là ngày mai hoặc thậm chí là sau vài tiếng nữa.
“Vì thế với tôi, việc hiến tạng sau khi chết hoặc chết não của mình cũng giống như việc viết trước một bản “di chúc” và đó chính là đóng góp nhỏ bé của mình cho cộng đồng, xã hội”, đó là những tâm sự rất chân thật từ chàng trai gốc Thanh Hóa ấy.
Trước trường hợp của Toàn, cũng đã có trường hợp của anh Trần Nguyễn An Khương (sinh năm 1988) từng đạp xe xuyên Việt để vận động hiến tạng. Sau hành trình dài hơn 2.000km, Khương đã đến đăng ký hiến tạng trực tiếp tại trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Những người mẹ “bị từ chối” hiến phần nội tạng của con mình
Ngồi cạnh Toàn trong suốt buổi chia sẻ hôm ấy là Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Khá xúc động về những việc làm cao cả của những tấm gương như Toàn hay Khương và rất nhiều người khác trong việc hiến tạng, bác sĩ Phúc thông tin, đây đều là những trường hợp hiến tạng khi còn rất trẻ và đó chính là những tấm gương, là động lực để phong trào hiến tạng ngày càng phát triển ở nước ta.
“Hiến tạng hay không hiến tạng là quyền của mỗi người, còn lấy được hay không là câu chuyện của ngày mai, mà ngày mai thì chưa tới, tại sao chúng ta phải đặt ra nhiều giả thiết.
Có những người sống được 100 tuổi, nhiều người sẽ thắc mắc, già rồi không hiến được tạng. Thận, gan, tim không lấy được nhưng giác mạc hoàn toàn có thể lấy được. Chúng ta không kì vọng chúng ta đăng kí để ngày mai chúng ta ra đi, chúng ta chết não rồi chúng ta hiến tạng. Nhưng rõ ràng chúng ta đã làm một hành động cực kỳ ý nghĩa, giá trị, rằng chúng ta sẵn sàng trao tặng các bộ phận trên cơ thể của mình nếu không may chúng ta qua đời. Sự trao tặng ấy mang lại sự sống cho những người khác, cho dù chúng ta già, chúng ta không hiến được gì nữa nhưng câu chuyện đó, hình ảnh đó cũng mang lại những giá trị trong cộng đồng.
Chính vì thế khi tất cả những người đến đăng kí hiến tạng và cầm tấm thẻ trên tay, tôi chưa gặp người nào không hạnh phúc, đó là sự thật”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Và thẳm sâu trong vị bác sĩ ấy là cuộc gọi cách đây 2 ngày của một bà mẹ quê ở Vĩnh Phúc có con trai bị tai nạn giao thông và đang sống thực vật hơn 4 tháng nay.
Người mẹ ấy gọi điện tới Trung tâm và nói trong nước mắt. Câu chuyện của bà xoay quanh người con trai ấy. Con trai bà bị tai nạn giao thông, bệnh viện trả về. Gia đình cũng đã nỗ lực cứu chữa cho con nhưng không có kết quả, đến bây giờ không còn cơ hội nữa.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà hiểu về việc hiến tạng, hiểu rằng nhiều người đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự sống nên bà quyết định tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng con của bà.
“Bà cũng hỏi về các thủ tục trong việc hiến nội tạng. Trong trường hợp này Trung tâm cũng nói rất rõ cũng như chia sẻ và trân trọng tâm nguyện của bà. Tuy nhiên luật pháp chúng ta không cho phép việc lấy nội tạng của người đang còn sống.
Trường hợp này, mặc dù con trai bà đang trong tình trạng “chết lâm sàng” nhưng vẫn có thể tự thở nên không phải là trường hợp chết não. Chúng tôi không thể thực hiện được tâm nguyện đó của bà.
Sau khi nghe xong người mẹ ấy rất xót xa. Bà có hỏi thêm chúng tôi để biết, thế nào là chết não”, nói tới đây bác sĩ Phúc giọng đượm buồn.
Qua câu chuyện này, vị Phó Giám đốc của trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người muốn nhấn mạnh, người dân, xã hội, cộng đồng đã mở lòng đối với việc hiến tạng. Họ biết cảm thông với những khó khăn của người bệnh nên đã sẵn sàng chia sẻ, hi sinh hiến tạng. Đó là một điều rất đáng trân trọng.
Trước đây nữa cũng có trường hợp bà mẹ có con chết đuối, cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung Ương, lúc đó đã không còn cơ hội sống. Tâm nguyện của gia đình cũng muốn hiến một phần cơ thể nhưng trong trường hợp chết đuối, người bệnh chết hẳn rồi thì không đủ điều kiện để hiến. Nỗi đau của bà dường như tăng lên bởi trong nỗi đau mất con thì bà còn nghĩ đến sự cống hiến nhưng cơ hội ấy cũng không còn nữa.
“Từ những câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ ràng rằng góc nhìn của xã hội đã thay đổi, biết chia sẻ sự sống cho nhau là tốt. Và trên thực tế, đến giờ phút này chúng ta đã có gần 10.000 người đăng ký hiến tạng. Hơn 3 năm trước, đó là con số 0”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Nguyễn Huệ