Hàng trăm năm nay, Tết nguyên đán chính là thời điểm quý báu và thiêng liêng nhất trong một năm. Đây chính là thời khắc để cho mọi người trong gia đình có thể tụ họp với nhau, chia ngọt sẻ bùi những gì xảy ra trong năm và cùng nhau đón một cái tết đầm ấm sau những bộn bề lo toan dù ai đi đâu, cũng luôn nhớ về quê hương cội nguồn sum họp đón Tết.
Họ trút đi những phiền muộn của một năm cũ, để đêm giao thừa thắp nén hương trầm tưởng nhớ tổ tiên, để được quây quần cùng gia đình, họ hàng bên mâm cơm chiều 30, được hít thở sức sống mãnh liệt của mùa xuân mới.
Hạnh phúc đơn giản của rất nhiều người dân là vậy, nhưng đối với những chiến sĩ cảnh sát cơ động tỉnh Bình Dương, dường như Tết với họ lại là một cái gì đó thiêng liêng và cao cả hơn, họ không được bên gia đình, không được đón thời khắc giao thừa bên mâm cơm, thế nhưng họ luôn cảm thấy hạnh phúc vì ba chữ “Tết bình yên”.
Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi tìm về Phòng cảnh sát cơ động (CSCĐ; PK 20 – Công an tỉnh Bình Dương) để ghi nhận về tình hình đảm bảo an ninh trật tự cho các ngày lễ và sinh hoạt trong ngày tết.
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang ráo riết chuẩn bị cho ca trực, tuần tra trên các cung đường trên địa bản tỉnh. Trước khi vào nhiệm vụ chính, Thượng tá Nguyễn Hoàng Kiệt – Phó trưởng phòng Cảnh sát Cơ động (PK 20 - Công an Bình Dương) niềm nở chia sẻ “Năm nay anh em chiến sĩ của phòng đều trực chiến 100%, vì Tết tình hình tội phạm bất, người dân nghỉ tết chứ tội phạm thì không, và vì muốn người dân ai cũng được vui chơi, an toàn trong dịp lễ tết nên chiến sĩ Phòng CSCĐ sẵn sàng phục vụ”.
“Đã hơn 30 năm rồi, thực sự bản thân chưa năm nào được đón Tết trọn vẹn cùng gia đình cả. Nhưng trong tiềm thức của người chiến sĩ CAND thì Tết chính là nhiệm vụ và thời khắc thiêng liêng quan trọng nhất. Dẫu biết không được ở bên gia đình, người thân, nhưng chúng tôi xem ‘hạnh phúc của người dân là hạnh phúc của chính mình’ người dân vui chơi thoải mái, đón một cái Tết thật trọn vẹn đó mới chính là Tết của chúng tôi. 30 năm chưa hề biết cầm cây chổi quét nhà, phụ vợ sắm sửa Tết, thế nhưng đó luôn là hậu phương vững chắc của tôi, bà xã luôn động viên tôi phải hoàn thành nhiệm vụ, người dân an toàn, thì gia đình tôi mới được hưởng Tết trọn vẹn” Thượng tá Kiệt tâm sự.
Cũng giống như Thượng tá Kiệt, Trung tá Nguyễn Minh Sơn – Đội trưởng đội chính trị hậu cần, đã có hơn 20 năm công tác tại Phòng CSCĐ cho biết “Hơn 20 năm rồi, tôi cùng anh em đón Tết tại đơn vị, anh em làm thì mình phải làm. Nếu Tết người dân có bình an thì chúng tôi mới có niềm vui trọn vẹn”.
“Gia đình tôi ở tại Bình Dương, thế nhưng chưa có năm nào giao thừa tôi ở bên vợ con. Cách đây ít năm, trong khi đi làm nhiệm vụ, con gái gọi điện hỏi ba có về đón giao thừa, giây phút ấy tôi biết là con đang rất nhớ ba, nhưng với tôi nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho người dân là trên hết, tôi đã phải động viện và hứa với con gái ba sẽ về sớm” Trung tá Sơn nhớ lại.
“Khi tiếng pháo giao thừa kết thúc, người dân trở về nhà để dâng nén nhang cho tổ tiên và chìm vào giấc ngủ, thì cũng là lúc 4-5 giờ sáng, anh em chiến sĩ quay trở về đơn vị nhấp chén trà nóng cũng là lúc chúng tôi đón Tết và giành cho nhau những lời chúc, cái bắt tay, ôm hôn của tình đồng đội. Với tôi đơn vị là nhà, đồng đội là người thân, Tết được ở bên họ cùng chia ngọt sẻ bùi chính là niềm vui của tôi” Trung tá Sơn xúc động.
Tình đồng chí đồng đội là thế, sự hi sinh cao cả để người dân có cuộc sống bình an không những trong những ngày Tết mà cả những ngày bình thường. Đã rất nhiều chiến sĩ CSCĐ nhiều năm liền chưa về quê, chưa được ăn bữa cơm gia đình.
Tiếp xúc với Trung úy Trương Hưng Bình (quê Hưng Yên) khi chiến sĩ này đang trực gác tuần tra, đảm bảo ANTT, Trung úy Bình chia sẻ “Nhiều năm rồi tôi vẫn chưa một lần về quê, thăm họ hàng người thân, tôi đều ở lại đơn vị trực chiến cùng anh em, năm nay gia đình tôi đón thêm thành viên mới, nhưng nhiệm vụ được nhà nước giao phó thì nhất định phải hoàn thành. Vào những lần đi gác đêm, trực bảo vệ người dân vui giao thừa, lòng bồi hồi lắm, nhớ nhà vô cùng, nhưng nhìn thấy dân bình an thì mình lấy đó là vui tự an ủi mình”.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ, Trung úy Bình chia sẻ “Vào đêm giao thừa 2014, khi chúng tôi đang trực chiến thì phát hiện một bé gái đi lạc bố mẹ, anh em phải đi khắp mọi người để tìm kiếm rồi giúp cháu bé, lúc đó cháu khóc đòi bố mẹ nên tôi đảm nhiệm luôn việc giỗ giành, may mắn chúng tôi đã tìm bố mẹ cháu. Thấy họ mừng rỡ, ôm nhau giữa thời khắc giao thừa mà anh em thấy vui sướng. Anh em cũng động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, rồi về đơn vị cùng tặng nhau những món quà, cùng ăn bánh tét tự gói trước đó, bên đồng đội”.
Kể xong câu chuyện khó quên, Trung úy Bình cùng đồng đội lại lên xe, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT cho người dân được vui chơi thoải mái, bình yên bên người thân, vui xuân trong dịp Tết nguyên đán 2017.
Phùng Sơn