Tết ở Tây nhưng vẫn đủ đầy hương vị Việt
Tất bật cho những ngày cuối năm, bà Đỗ Thị Thơm (sống ở Newcastle - Vương quốc Anh) nhanh chóng đặt những món hàng cuối cùng để phục vụ nhu cầu của cái Tết truyền thống. Dù định cư ở nước ngoài hơn 20 năm, nhưng cứ đến Tết cổ truyền của Việt Nam, bà Thơm vẫn chu đáo chuẩn bị từng chiếc lá dong, đậu xanh, miến, măng khô,... để cả gia đình được tận hưởng một cái Tết ấm cúng “đúng vị” quê nhà.
Bà chia sẻ: "Mâm cơm ngày Tết rất thiêng liêng. Bận rộn đến mấy tôi vẫn muốn tự tay làm một mâm cơm cúng gia tiên đầy đủ hương vị truyền thống, để con cháu luôn ghi nhớ cái Tết cổ truyền của người Việt mình”.
Ông Ngô Tuấn Hiểu - chồng bà Thơm ngoài việc phụ giúp bà xã trang trí nhà cửa, làm mâm cỗ Tết cũng không quên việc chuẩn bị những phong bao lì xì đỏ thắm để tặng cho các cháu nhân dịp năm mới. "Lì xì đầu năm là một phong tục tốt đẹp vào dịp Tết của người Việt. Dù các cháu nhỏ chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc lì xì nhưng nhìn các cháu vui vẻ nhận phong bao lì xì một cách lễ phép như thế cũng quá đủ vui rồi", ông Hiểu nói.
Mấy năm gần đây, những thế hệ như vợ chồng bà Thơm – ông Hiểu là người hiểu rõ nhất về sự chuyển mình, kết nối toàn cầu trong nền kinh tế, khi sống ở nước ngoài nhưng không khác gì đang ở Việt Nam. Họ có thể mua tất cả đồ Tết từ lá dong, cành đào, giò lụa, nem,... thậm chí có cả dịch vụ làm mâm cơm cúng ông Công ông Táo và mâm cơm cúng giao thừa như ở quê.
"Dù có thể đặt hàng online mọi thứ, nhưng việc tự tay chuẩn bị cái Tết cho cả gia đình giống như một sự thôi thúc chúng tôi nghĩ về cội nguồn. Mỗi lần gói chiếc bánh chưng, chuẩn bị từng chiếc nem, hai vợ chồng lại hồi tưởng những ngày còn thiếu thốn khi bắt đầu chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua đây. Trào dâng nỗi nhớ quê nhà, nhớ cảnh giáp Tết cả xóm chung nhau ăn "đụng lợn", nhớ chiếc áo mới mẹ mua sau cả năm dành dụm từ việc đồng áng và nhớ cả những nụ cười trong veo bên đám bạn ồ ra như đàn ong vỡ tổ sau thông báo nghỉ Tết của nhà trường. Xa quê đã nhiều năm, nhưng mỗi lần chuẩn bị cho dịp Tết, từng thước phim thơ ấu cứ lần lượt hiện về đầy xúc động”, bà Thơm chia sẻ trong xúc động.
Nhấp chén trà nóng, ông Hiểu tiếp lời vợ: “Giờ đây, chúng tôi cũng muốn con cháu mình giữ được những khoảnh khắc như thế. Để rồi sau này khi các cháu trưởng thành, ở bất cứ đâu trên thế giới cũng gìn giữ được những nét đẹp của cha ông, biết trân trọng những giá trị truyền thống và truyền lại ngọn lửa cho những thế hệ mai sau".
Chia sẻ với chúng tôi, anh Ngô Triệu Tuấn - con trai bà Thơm cũng vui mừng tiết lộ rằng, Tết Giáp Thìn 2024 này anh cũng đã cố gắng chuyển được một cành đào rừng từ Việt Nam sang để gia đình đón xuân thêm ý nghĩa. "Tôi xa quê hương từ nhỏ nên cái Tết truyền thống không còn đọng lại quá nhiều trong kí ức. Được tiếp xúc sớm với phong cách sống hiện đại và có thời gian đủ để trải nghiệm những ngày lễ ở nước ngoài như Noel, tết Tây,... thì Tết cổ truyền vẫn là thứ cô đọng lại nhiều nhất. Năm nào cả nhà cũng đón giao thừa cùng nhau, rồi chờ đợi khoảnh khắc sang năm mới để gọi điện về quê nhà, dành những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa nhất đến cho người thân, họ hàng”.
Năm nay, anh Tuấn có ý định mời thêm những người bạn nước ngoài đến nhà để cùng cảm nhận không khí Tết của người Việt. "Người nước ngoài rất thích cái Tết của người Việt Nam, năm ngoái gia đình chúng tôi tổ chức gói bánh chưng. Lần đầu tiên họ cảm nhận được thế nào là sự gần gũi khi cùng nhau trông nồi bánh chưng chờ trời sáng. Đợt Tết Dương lịch, một vài người bạn nước ngoài cũng hỏi năm nay gia đình tôi có gói bánh chưng không để tới góp vui. Thật sự, tôi thấy rất vui và tự hào khi lan tỏa được nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương mình tới bạn bè quốc tế”.
Và những nỗi niềm của người con xa quê
Hoà vào niềm vui chung của cả nước đón tết Nguyên đán, hoạt động chuẩn bị đón Tết của gia đình ông Đỗ Văn Thắng (định cư tại Bratislava, thành phố Kosice của Slovakia hơn 10 năm) cũng diễn ra hết sức sôi động. Năm nay, gia đình ông Thắng có dâu mới lại đón thêm cháu nội chào đời nên không khí càng rộn ràng hơn. Dù mỗi người trong gia đình đều có công việc riêng, nhưng tất cả đều hào hứng, “xắn tay” chuẩn bị mọi thứ để đón một cái Tết vẹn tròn.
"Đón Tết thời bây giờ tiện lắm, cái gì cũng có thể mua được nhưng không vì thế mà quên đi bản sắc và ý nghĩa của Tết Nguyên đán. Mọi người cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau làm mới làm nên sắc xuân. Thời thơ ấu của chúng tôi đón Tết là hạnh phúc lắm, cơm ăn không đủ no nên chỉ có Tết đến mới được ăn thịt đến thoả thích - đúng với ý nghĩa của từ "ăn Tết". Bây giờ, khi không còn phải lo về vấn đề "cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm" thì đón cái Tết ý nghĩa, sum vầy được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Ở Slovakia, cộng đồng người Việt định cư rất đông nên không khí đón Tết sôi nổi không khác gì tại quê hương. Dù làm bất cứ công việc gì chúng tôi cố gắng sắp xếp nghỉ trọn vẹn 3 ngày Tết đến nhà nhau chơi nhấp chén rượu xuân cho vơi đi nỗi nhớ nhà”, ông Thắng bộc bạch.
Với những thế hệ 9X như anh Đỗ Việt Thường – sang định cư tại Slovakia khi vừa tròn 18 tuổi cho biết: "Năm đầu tiên ăn Tết bên nước bạn là một cảm giác rất khó tả, mâm cơm ngày Tết không thiếu thứ gì so với ở quê hương nhưng cảm giác hụt hẫng lắm. Vẫn có một chút gì đó thiếu thiếu không giống như ăn Tết ở quê hương. Nó giống như cảm giác trọn vẹn nhưng không đủ đầy”.
Có lẽ tâm tư như anh Thường là một điều không quá khó hiểu. Tết Nguyên đán thiêng liêng ngay từ trong tiếng gọi của nó. Tết là đoàn viên, Tết sao có thể đủ đầy khi thiếu vắng đi “món ăn tinh thần” quan trọng nhất là hai chữ quê hương, là tình thân họ hàng, là nỗi niềm quây quần bên gia đình. Đón Tết ở xứ người, thứ gì cũng có thể mua được nhưng vẫn thiếu không khí Tết đoàn viên.
Trung Nguyễn