Nhắc đến Cử Đa, dân Thất Sơn kể về một kỳ nhân võ công tuyệt thế, cưỡi hổ mun về Núi Bảy thăm đệ tử, kêu gọi người dân kháng chiến, về một tiên ông tương truyền mất tích trên Thất Sơn nhưng nhiều lần hiện thân giữa chợ Bến Thành. Nay, một trong những huyền tích của vị Phật sống này là cặp đàn độc nhất vô nhị tại Năm Căn cổ tự nơi miền biên viễn.
Huyền thoại Phật sống hóa tiên
Theo những tư liệu của Phật giáo Hòa Hảo, Phật sống Cử Đa tên thật Nguyễn Thành Đa hay Nguyễn Đa, sinh ra và lớn lên tại làng Phù Cát, huyện Bình Khê, tỉnh Quy Nhơn (xưa). Trong nhiều giai thoại của người dân Bảy Núi, sinh thời, ông Cử Đa có thiên phú về võ thuật. Lớn lên, ông từng đơn thân độc mã tìm ra Bình Định tầm sư học võ. Tại đây, ông thụ học võ thuật với những danh sư tinh thâm ẩn mình và sớm trở thành nhân tài khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người khẳng định, biệt danh Cử Đa của ông bắt nguồn từ việc ông thi đỗ cử nhân võ thời vua Tự Đức.
Trong những ghi chép cũng như truyền thuyết, thuở thiếu thời của ông Cử Đa ít được đề cập. Cuộc đời ông Cử Đa được cả xứ Nam Bộ ngưỡng mộ khi ông hăm hở tầm sư học đạo, lưu lạc nhiều nơi trong tỉnh Châu Đốc. Theo "Sử tích ông Cử Đa đi tu" của Trương Tấn Ngọc ở Vĩnh Kim (quận Long Định, tỉnh Mỹ Tho), năm 1896, ông Cử Đa thí phát quy y khi vừa bước qua tuổi tứ tuần. Từ đây, cuộc đời của con người này bước sang một trang mới với những câu chuyện ly kỳ, bí ẩn.
Thích Phước Thiện, trụ trì chùa Năm Căn cho biết: "Cuộc đời Phật sống Cử Đa phải kể đến khi ông dấn thân vào con đường cứu nước. Chính con đường cứu nước đã đưa ông đi từ huyền thoại này đến truyền thuyết nhiệm màu khác". Theo vị sư trụ trì, một trong những chuyện kể được nhắc nhiều nhất về ông Cử Đa là truyền thuyết ông "cãi" lời tiên tri của Đức Bổn Sư (Ngô Lợi - PV) quyết tâm dấn thân trên con đường cứu nước khi "thế giặc đương lúc thịnh".
Tuy nhiên, ông Cử Đa vẫn quyết tâm sống theo quan điểm: "Không làm anh hùng thì làm Bồ Tát". Sau những thất bại trong cuộc đấu tranh kháng tây, ông vẫn nuôi chí cứu nước và lưu lạc khắp nơi, thậm chí dạt sang núi Tà Lơn, Campuchia sống ẩn dật. Tại đây, ông gặp được minh sư và tu đạo. Dần dần, không ai thấy tin tức của ông nữa. Tuy nhiên, người dân Thất Sơn khẳng định: Dù ở vị trí nào, ông cũng không nguôi ý chí đánh tây. Do đó, sau nhiều năm không thấy ông xuất hiện, người dân Thất Sơn vẫn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, chống gậy, cưỡi hổ mun vượt rừng Thất Sơn về thăm đệ tử.
Hai cây đàn cổ trên ban thờ sư Tổ Đạt Ma trong Năm Căn Cổ tự. Ảnh: Hà Nguyễn.
Người xưa khẳng định, ông lão trên chính là ông Cử Đa đã đắc đạo thoát trần thành tiên. Kể lại chuyện ông hóa tiên, ông Bùi Văn Bá (88 tuổi ngụ, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết: "Những người theo đạo Cao Đài đều xem ông Cử Đa như Phật sống đã đắc đạo thành tiên. Những tín đồ như chúng tôi vẫn được nghe về việc ông thường xuyên "giáng cơ bút" cho những người thích "cơ bút" (nghi lễ cầu cơ và chấp bút, là một nền tảng của đạo Cao Đài - PV). Đó là một vinh hạnh cũng như may mắn lớn nhất của người theo đạo như chúng tôi". Cũng theo lời người này, mặc dù ông Cử Đa được cho là đã mất tích, tuy nhiên, người ta vẫn đồn việc có người thấy ông dạo chơi ngày tết ở chợ Bến Thành giữa Sài Gòn.
Bí ẩn cặp đàn thần diệu
Góp công khai phá thắng cảnh trên núi Tà Lơn Theo lời kể của Nhà văn Sơn Nam, Phật sống Cử Đa từng góp công phát hiện, khai phá những thắng cảnh trên núi Tà Lơn của Campuchia. Kháng Pháp thất bại, ông qua biên giới, vân du trên núi Tà Lơn thám sát những hang động, yêu chuộng các loại lan (ở vùng mà ông gọi là Lan Thiên tràn ngập giống lan "vệ hài" nguyên sinh). Ông đặt tên các trạm dừng chân dành cho người hành hương lên tận đỉnh, nào là Trung Tòa, Kim Quan, Trạm Nhất, Lan Thiên, Hàm Long, Bàn Ngự, Cán Dù, Châu Thiên, Tứ Giao,... |
Ngày nay, ngoài những khu vực núi Thất Sơn, núi Tà Lơn của Campuchia được xem là những nơi gắn liền với Phật sống Cử Đa, người An Giang còn biết đến cặp đàn hình thù bí ẩn được lưu giữ tại Năm Căn cổ tự. Trụ trì Thích Phước Thiện cho biết: "Tôi mới về chùa nên cũng chưa nắm rõ gốc tích của hai cây đàn kỳ lạ trên. Tuy nhiên, các trụ trì trước cũng như người dân nơi đây tương truyền đây là hai cây đàn do Phật sống Cử Đa chế tác với mục đích làm ám hiệu cho nghĩa quân của mình".
Quan sát tại chánh điện, chúng tôi ghi nhận hai cây đàn được đặt trên ban thờ trang trọng. Thân hai cây đàn đều được chế tác bằng gỗ mô phỏng theo hai loại động vật khác nhau. Một cây chế tác theo tích cá hóa rồng nên có tên "Kình ngư hóa long", cây còn lại chạm theo tích cá sấu nghe thuyết pháp có tên "Linh cù nghênh pháp". Trụ trì Thích Phước Thiện giới thiệu: "Hai cây đàn này được chế tác theo dáng độc huyền cầm. Ngoài dáng vẻ khác nhau, số dây trên hai cây đàn cũng khác nhau đều được làm bằng thép. Cây "kình ngư hóa long" có 9 dây, cây còn lại chỉ có 3 dây".
Hiện nay, chùa không lưu giữ bất kỳ tài liệu nào về xuất xứ, công dụng của hai cây đàn huyền bí. Nhiều người dân sống quanh khu vực Năm Căn cổ tự và du khách đều thấy hai cây đàn rất lạ mắt. Người dân khẳng định, chưa từng thấy loại đàn này trong các loại nhạc cụ dân tộc cũng như hiện đại trong và ngoài nước. Người dân nơi đây luôn nhất quán tin hai cây đàn thần diệu trên do tay ông Cử Đa chế tác với những câu chuyện ly kỳ.
Tương truyền, trong bước đường chống giặc của mình, Phật sống Cử Đa chọn cửa ngõ huyết mạch nối liền Cao Miên (Campuchia) đến Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) và Ngọa Long Sơn (núi Tượng) cất một cái miếu để thờ cặp đàn. Khi khu vực này thất thủ, giặc Pháp điên cuồng đốt phá chùa chiền, tông miếu. Ngôi miếu nhỏ được ông dựng cũng chung số phận. Tuy nhiên, cứ mỗi lần bị đốt, người dân trong vùng lại phục dựng. Trong những lần phục dựng ấy, người ta luôn thấy mọi vật dụng trong chùa bị cháy thành tro than nham nhở, thế nhưng, hai chiếc đàn quý tuyệt nhiên không hề hấn gì.
Cụ Bùi Văn Bá (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) kể: "Ngôi miếu của ông Cử Đa dựng lên bị Pháp đốt phá liên tục và được người dân ở đây phục dựng nhiều lần. Điều kỳ lạ là hai cây đàn không bao giờ bị cháy trong các cuộc hỏa hoạn. Sau cuộc đốt phá cuối cùng của giặc, ngôi miếu bị bỏ hoang khá lâu. Mãi sau này mới được một tín đồ nhà Phật đến xây cất ngôi chùa lá trên nền miếu hoang. Vị này thấy hai cây đàn kỳ lạ bèn lau chùi để lên am thờ trong chánh điện".
Về công dụng của cặp đàn bí ẩn, người dân biên giới cũng truyền nhau những câu chuyện thực - hư kỳ ảo. Một trong nhiều câu chuyện được lan truyền hơn cả là ông Cử Đa dùng hai cây đàn làm tín hiệu khởi binh cho nghĩa quân của mình đang đồn trú tại khu vực Thất Sơn. Truyện kể, sau khi thất bại nhiều lần trong cuộc chiến chống Pháp, ông Cử Đa bị bọn thực dân truy lùng ráo riết. Để thoát nanh vuốt, tránh tai mắt giặc, ông đóng giả thành một vị sư có tên Sư Bảy mượn chuyện truyền đạo để chiêu tập nghĩa quân. Với vỏ bọc trên, ông nhiều lần tìm về núi Cấm xây điện Bồ Hong, điện Trung Tòa, động Cao Vân quy nạp đệ tử, kiểm tra tình hình, dặn dò các nghĩa binh không được động binh nếu chưa được lệnh của ông.
Chính trong giai đoạn này, ông chế tác hai cây đàn kỳ bí trên với mục đích làm ám hiệu cho nghĩa quân. Cụ Bùi Văn Bá cho biết: "Người xưa kể, ông Cử Đa dùng hai cây đàn thần diệu làm ám hiệu đánh giặc. Hai cây đàn nhỏ bé thế thôi nhưng dưới tài phép của ông thì có âm thanh vô cùng vang vọng. Người có tuổi ở xứ này đều thuộc hai câu "cửu thinh bất động", "tam thinh khởi biến" có nghĩa là "tiếng đàn 9 dây cất lên thì chưa đến lúc khởi binh, khi tiếng đàn 3 dây cất lên thì chuẩn bị khởi binh như minh chứng cho quan điểm trên".
Hà Nguyễn - Ngọc Lài