Chuyện về phủ Tây Hồ

Chuyện về phủ Tây Hồ

Hà Thị Kim Dung

Hà Thị Kim Dung

Thứ 6, 01/03/2019 11:00

Phủ Tây Hồ nằm ở làng Tây Hồ. Làng này là dải đất ăn ra hồ Tây. Thời Lý, Trần do có vị trí đẹp, khí hậu tốt nên các vua xây cung ở đây nghỉ ngơi mới có tên là xóm Cung, rồi cung đổ nát, các quan xây phủ, dân quanh vùng gọi là xóm Phủ.

Đời Hậu Lê, làng là nơi binh sĩ triều đình luyện tập bắn cung vì thế làng lại có tên Trường Bắn. Sau 1954, xóm Cung đổi thành Quảng Khánh và làng Tây Hồ nay thuộc phường Quảng An quận Tây Hồ. Xưa dân Tây Hồ chủ yếu làm ruộng, hái sen và đánh bắt cá hồ Tây. Trong làng có vài nhà làm nghề xe chỉ, có nhà làm “bùa tua bùa túi” tức là khâu các quả bằng mụn vải nhiều màu sắc cho trẻ đeo vào dịp Tết Đoan ngọ.

Văn hoá - Chuyện về phủ Tây Hồ

Đầu thế kỷ XX, Tây Hồ có thêm nghề mới là trồng hoa và quất chơi Tết. Quất thì nhiều làng trên đất Việt Nam trồng nhưng trồng quất ép quả chín vàng vào đúng dịp Tết thì chỉ có dân Tây Hồ làm được. Và từ Tây Hồ, trồng quất chơi Tết lan ra Tứ Liên. Dù quất cảnh chơi Tết lan tỏa khắp nơi nhưng người ta biết đến làng Tây Hồ vì phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh.

Theo nghiên cứu và công bố năm 2008 của Chu Xuân Giao và Phan Lan Hương (viện Nghiên cứu văn hóa), sau đó là nghiên cứu khá toàn diện của Chu Xuân Giao đã đưa ra quan điểm khác. Từ đọc các văn bản liên quan, đi thực tế, đọc các câu đối và cả các sắc phong ở phủ, Chu Xuân Giao đi đến kết luận: “Định thuyết trước nay cho rằng phủ Tây Hồ được xây dựng vào thế kỷ XVI là không có cơ sở tư liệu vững vàng; nói cách khác không thể có phủ Tây Hồ từ thế kỷ XVI”.

Cũng theo ông Chu Xuân Giao thì phủ Tây Hồ như ngày nay được hình thành rất muộn, có lẽ là vào giai đoạn cuối của thời Nguyễn (thời Bảo Đại, thậm chí có thể là trong thập niên 1940). Ông Giao đưa ra mốc thời gian năm 1943 vì năm này có một cuộc đại trùng tu tại khuôn viên phủ ngày nay. Bởi vậy, có thể bức hoành phi mang niên đại 1943 đã được dâng tiến trong hay sau cuộc trùng tu đó.

Thêm nữa, cùng năm 1943, người trưởng họ Trần ở Tiên Hương, tỉnh Nam Định là Trần Cung Phức cũng đã dâng tiến phủ Tây Hồ một đôi câu đối có ghi niên đại rõ ràng (mùa xuân năm Qúy Mùi niên hiệu Bảo Đại). Ông Chu Xuân Giao kết luận: “Phải chăng lần trùng tu năm 1943 là lần trùng tu mang tính quyết định, đã tạo ra sự chuyển đổi một cách cơ bản về nội dung tín ngưỡng của ngôi đền Bảo Khánh linh từ, đưa nó sang thành dạng như phủ Tây Hồ ngày nay”.

Bảo Khánh linh từ là ngôi đền của thôn Bảo Khánh, bên cạnh đền này có một ngôi chùa nhỏ. Một cách chính xác: Cả khuôn viên phủ Tây Hồ ngày nay được gọi chung là Bảo Khánh linh từ. Trong linh từ đó, có phần thờ thần (bên đền) và phần thờ Phật (bên chùa). Nhưng, vì sao Bảo Khánh linh từ lại chuyển thành phủ Tây Hồ? Ai đã bỏ tiền xây dựng? Tại sao đang gọi là đền lại chuyển sang gọi thành phủ? Hai câu hỏi trên chưa có lời giải đáp còn câu thứ ba thì Chu Xuân Giao giải thích: “Bản thân chữ “phủ” như trong cách gọi “phủ Giầy”, “phủ Tây Hồ” hay “phủ Na”… không thấy xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí”.

Chu Xuân Giao cho rằng chắc chắn trước thế kỷ XVIII, chữ “phủ” hay “phủ thờ” đã rất thông dụng trong tiếng Việt. Trong cuốn Mặt gương Tây Hồ nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc nhận định: “Những nơi thờ mẫu gọi là đền nhưng đặc biệt những nơi có liên quan mật thiết với Mẫu Liễu Hạnh (nơi sinh, nơi hiển thánh)… thì gọi là phủ”. Lý giải đó nghe hợp lý.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.