Chuyện về quan tham khét tiếng vùng Giang Đô

Chuyện về quan tham khét tiếng vùng Giang Đô

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Viên quan huyện này không cần danh vọng, cũng chẳng muốn thăng quan, ông ta làm quan là chỉ mong sao kiếm được nhiều tiền của, sau này dưỡng già và để lại cho con cháu.

Vào thời Thuận Trị, ở Giang Đô, Trung Quốc có một vị quan huyện, 60 tuổi, song ông ta chỉ khai mới 51 tuổi. Râu đã bạc trắng nhưng ông ta dùng thuốc nhuộm cho đen lại.

Pháp luật - Chuyện về quan tham khét tiếng vùng Giang Đô(Ảnh minh họa)

Một hôm cấp trên gửi về một bức công văn, đó là một tờ trát mật của Phủ Viện gửi cho quan huyện.

Ông ta vội mở ra xem, trong đó có viết: "Bản viện thấy ông, vì nhậm chức quan huyện mới được nửa năm, khắp nơi ca thán, dân chúng oán hận. Lại nghe nói bọn tay chân bắt người vô tội, quyền hành rơi vào tay sai nha, nên nhiều việc bê trễ, công khai đòi hối lộ, phép quan bại hoại.

Độc ác như thế khiến dân sống trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng: Lẽ ra phải bắt tức thời, song ta khoan thứ, từ nay phải làm lại từ đầu, nhanh chóng gột rửa tội lỗi. Nếu vẫn còn u mê như cũ, tuổi già muốn trở về quê liệu có được không? Đừng bảo bản viện không nói trước? Hãy thận trọng đừng xem thường".

Xem xong quan huyện vô cùng kinh sợ, không còn cách nào bèn gọi đứa con cả lên bàn: Quan trên nghiêm khắc, ta phải thu gom tiền bạc, nhân tháng tư này là dịp tấu trình, ta sẽ đích thân tới Tô Châu đút lót cho Viện đài, xin ông ta che chở. Nếu ông nhận lễ vật thì yên tâm, còn không, e rằng chức quan huyện khó mà giữ được.

Ý đã quyết ông ta thu xếp mang đi hơn hai ngàn lạng bạc. Tới phủ, ông ta nộp giấy xin được gặp Phủ Viện. Song đợi đến 3 ngày vẫn không được lệnh cho vào. Quan huyện rất lo sợ lại chuẩn bị thêm lễ vật.

Nhờ người chức trách ở làng nọ thuộc huyện Ngô dâng lên Phủ Viện một ngàn lạng bạc, sau lại tăng lên tới ba ngàn lạng. Bạc mang theo không đủ, ông ta lại vay thêm ở Tô Châu với lãi suất cao, đủ số tiền dâng lên. Phủ Viện mới chịu nhận, sau đó mới lệnh cho vào gặp. Phủ Viện dặn: "Về huyện, phải cố gắng sửa chữa lỗi lầm. Ngươi phải biết ơn, con mắt ta rất sáng suốt".

Quan huyện vô cùng sung sướng, vâng dạ rồi xin cáo từ, yên tâm trở về nhà trọ. Đang lúc tới nhà một người chức trách ở làng nọ tạ ơn, bỗng thấy hai người nhà từ Dương Châu đi suốt đêm tới báo tin khẩn cấp.

"Nguy to, nguy to rồi! Sau khi ngài tới Tô Châu, thì vào nửa đêm hôm sau, bỗng thấy người ta khiêng tới một cỗ kiệu lớn theo sau là 6 người đàn ông lực lưỡng, mặc áo the Quảng, đai mũ chỉnh tề, tự xưng là người ở Bộ phủ từ Bắc Kinh về hội kiến, họ nói có việc khẩn, cậu chủ ra tiếp.

Lúc đó, một người từ trong kiệu bước ra, giữ chặt lấy công tử. Sáu người đàn ông cùng với phu khiêng kiệu tất cả là 10 người, rút dao sáng loáng kề vào cổ công tử uy hiếp bắt mang hết tài sản trong nhà ra giao nộp. Bây giờ chỉ mong ngài về gấp bàn cách đi bắt".

Quan huyện nghe xong liền ngất xỉu. Người nhà vội đi mời thầy thuốc cứu chữa, song thuốc thang không uống được, chưa đầy nửa tháng thì chết tại quán trọ. Vì tiếc số của trước đó mang cho Phủ Viện, người nhà quan huyện đã đi đòi lại tiền nhưng cũng không thể lấy lại được nữa. Người thì mất mà tiền cũng mất theo.

Luật nay: Phải điều tra việc Phủ Viện nhận tiền chạy tội

Thói đời là vậy, vị quan tham đã phải trả giá bằng cả tính mạng mình. Tuy nhiên, việc người nhà quan huyện đi đòi lại số tiền mà quan huyện mang đi chạy tội không thành thì phải bị truy cứu và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thực chất trong vụ việc trên, Phủ Viện là người đã lợi dụng là cấp trên, phát hiện ra sai phạm của quan huyện đã cố ý vòi tiền để bao che sự việc. Ngay sau khi có đơn tố giác của người nhà quan huyện thì cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ tiến hành điều tra làm rõ việc tố cáo đó có đúng hay không.

Khi có đầy đủ chứng cứ phạm tội thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phủ Viện về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 283 BLHS.

Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

Trong vụ án trên, Phủ Viện đã nhận của quan huyện một số tiền rất lớn. Như vậy, có thể áp dụng điểm b khoản 4 để xử phạt Phủ Viện. Ngoài ra, Phủ Viện còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.

Tường Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.