Tết Nguyên đán có từ bao giờ?
Ai cũng biết Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam là vùng ngoại biên của văn minh Trung Hoa. Tùy theo sức mạnh nội tại của từng dân tộc mà các nước tiếp nhận văn minh này khác nhau với độ nông sâu khác nhau và những góc khúc xạ khác nhau của văn minh Trung Hoa. Vì cả 4 nước cùng ăn một cái Tết nên dễ cho người ta thấy Tết có cội nguồn từ Trung Hoa.
Trong cộng đồng người Việt thì người Kinh (xưa gọi là tộc Việt) chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa sớm nhất và mạnh nhất. Tuy nhiên không phải cái gì của văn minh Trung Hoa cũng được người Việt tiếp thu nguyên xi mà có sự lựa chọn biến đổi cho phù hợp, trong đó có cả sự giao thoa văn hóa.
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, cái Tết như hiện nay bắt đầu từ khoảng hơn 100 năm trước Công nguyên, đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hóa Việt-Hoa. Cũng theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, cơ sở để tính Tết là thời Hán Vũ đế đã theo lịch “kiến Dần” nghĩa là lấy tháng Dần làm tháng đầu năm. Và trong quá trình đó, yếu tố Hoa và Việt đan xen cho nên có thể nói Tết Nguyên đán là Tết Việt-Hoa.
Nguyên Đán theo âm Hán-Việt thì Nguyên có nghĩa là đầu tiên, Đán có nghĩa làm buổi sớm, Tết Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên. Ngoài gọi là Tết Nguyên đán, người Việt gọi là Tết Cả hay Tết Lớn, điều đó có nghĩa là còn các Tết nhỏ, Tết con bao gồm: Tết Trung thu, Tết Thường tân (Tết Cơm mới, tùy theo vùng có thể là ngày 10/10 hay 1/10 Âm lịch), Tết Đoan ngọ...
Bắt đầu từ ngày Ông Công, Ông Táo
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp người ta đã gọi là tết Ông Công, Ông Táo. Và Ông Công, Ông Táo cưỡi ngựa cá chép bay lên trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng hỗn loạn vô chủ về tâm linh. Người ta làm cỗ cúng tiễn ông chầu giời bằng cách mua cá chép sống thả phóng sinh xuống ao hồ. Ý nghĩa ở đây là từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Và cũng ý đó ngày nay nhà nhà trồng cây nêu trước sân. Ngọn cây nêu là túm lông gà và miếng vải đỏ.
Sự tích cây nêu Việt Nam là một huyền thoại cổ đã được Phật hóa, trên cành tre treo áo cà sa của đức Phật để xua đuổi bầy quỷ (tượng trưng cho thế lực hắc ám, cho bóng tối) lợi dụng lúc cuối năm vô chủ thần linh đã tiến vào đất liền tranh giành lãnh thổ với con người. Việc người xưa dùng vôi trắng (tượng trưng cho ánh sáng) vẽ cung tên trên sân nhà hướng về phía Đông cũng xuất phát từ ý nghĩa là xua tan đêm tối. Và mặt trời đi ngủ nên phải dựng cây nêu đón ánh mặt trời để mặt trời có chỗ đậu.
Cổ xưa, sau ngày Tết Ông Công, Ông Táo, các cơ quan công quyền đóng cửa và làm lễ “hạp ấn” (đóng ấn). Rừng cũng đóng cửa, nhà nông không đi làm. Nhà tù cũng không nhận tù nhân mới. Từ ngày 23 tháng Chạp tức là 7 ngày trước năm mới theo ước lệ là cái chết tạm thời của vũ trụ. Tại sao lại là con số 7? Số 7 là con số thiêng biểu tượng của vũ trụ như 3 hồn ở tim 7 vía ở rốn trong toàn thể hồn vía của một người đàn ông, như Đức Phật sơ sinh bước 7 bước là đi khắp thế gian.
Nghi thức quan trọng thứ 2 sau lễ Ông Công, Ông Táo là cúng giao thừa. Vì đêm 30 Tết tối đen như mực, dân gian ví đêm 30 uy lực như “ông hổ” nên gọi là “ông ba mươi”. Thời điểm chuyển tiết giữa năm cũ và năm mới được huyền thoại hóa như quan niệm âm dương giao hòa, phối ngẫu đất trời để từ trong cái chết cũ nảy sinh sự sống. Cùng với cúng tổ tiên ở bàn thờ trong nhà thì nhà nhà bày một mâm cỗ ở ngoài sân cúng đón Ông Công, Ông Táo về lại. Người ta còn thay ông đầu rau cũ bằng ông đầu rau mới. Một Ông Táo mới lại xuống trần gian làm chủ nhà, bếp và đất.
Tết là sự đón mừng năm mới mừng cái mới và hy vọng cái mới nhưng Nguyên Đán lại là ngày đổi mới quan trọng nhất vì là đầu năm mới. Sau 3 ngày Tết người ta làm lễ, cúng cỗ hóa vàng đốt tiền giấy và tiễn tổ tiên từ dương cơ người đang sống trở lại chốn âm phần. Từ phút giao thừa sự sống hồi sinh và sau 7 ngày thì được coi là hoàn toàn phục hồi. Và mùng 7 Tết là khai hạ, hạ nêu coi như Tết kết thúc.
Tết có những thủ tục như tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp chúc tụng nhau, hái lộc, khai bút, xuất hành... Đời Lý, Trần có tục lệ rất hay là trai gái nhà nghèo tự ý lấy nhau lúc giao thừa không cần cưới hỏi. Cùng với thủ tục thì có nhiều thứ phải kiêng, kiêng quét nhà vì sợ mất lộc, người có tang kiêng đi chúc Tết...
Tại sao Tết thường có màu đỏ?
Triết lý Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang màu sắc biểu tượng. Theo thang giá trị châu Âu thì màu đỏ được coi là màu của bác ái và màu đỏ được coi là màu của cách mạng. Trong khi đó theo thang giá trị văn hóa dân gian Á Đông thì màu đỏ lại là màu của may mắn, màu của sự sống, sự hồi sinh. Màu đỏ cũng là màu tượng trưng cho may mắn.
Ở góc độ tâm linh, ma quỷ sợ màu đỏ nên những ngày vũ trụ vô chủ thần linh người ta treo câu đối đỏ hay cắm hoa đào thì ma quỷ sẽ sợ không dám bén mảng. Vì thế màu đỏ là màu chủ đạo trong ngày Tết. Từ phong bao lì xì, pháo, câu đối dán cửa, miếng vải trên ngọn cây nêu đến hạt cũng được nhuộm đỏ. Và khi bánh chưng luộc chín, người ta còn buộc thêm lạt đỏ bên ngoài rồi mới đặt lên bàn thờ gia tiên.
Nguyễn Ngọc Tiến