Thầy Phước Thiện cùng các em dọn vệ sinh trên đồi cát
Sống để thấy mình không vô nghĩa
Một cú ngã định mệnh đã cướp đi nguồn sáng thiêng liêng của Nguyễn Phước Thiện khi anh vừa bước sang tuổi lên 10. Hình ảnh cuối cùng anh nhìn thấy mẹ mình còng lưng mỗi ngày trên gánh trái cây rong ruổi đây đó kiếm từng đồng xu, bạc lẻ để nuôi con. Trong tiềm thức, anh nhận ra khuôn mặt già nua, nhăn nheo của mẹ, những giọt nước mắt mẹ lặng lẽ rơi giấu không cho anh biết, để mỉm cười với con mỗi khi con buồn. Giọng mẹ nặng trĩu nén chặt trong lòng để luôn lạc quan động viên con không được buông xuôi, từ bỏ ý chí.
Thiện lớn lên trong tình thương vô hạn của mẹ, trong bàn tay gầy guộc, chai sần mẹ nắm chặt anh trên con đường đến trường. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, học trong một ngôi trường bình thường, Thiện trở nên lạc lõng, trơ trọi và biệt lập với thế giới của riêng mình. Thiện bắt đầu làm quen với chữ nổi. Học xong chương trình chữ nổi, mẹ anh quyết định xin cho con vào học với những học sinh bình thường.
Vượt qua được cửa vào anh bắt đầu gặp khó khăn trong việc tiếp thu chương trình giảng dạy của thầy cô giáo trên lớp. Để theo học với những bạn bình thường, Thiện phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo và thiết kế riêng cho mình một mô hình học. Anh học bằng ý chí để khẳng định rằng “sống để thấy mình không vô nghĩa”.
Năng khiếu Tiếng anh của Thiện nổi trội hơn các bạn trong lớp. Năm học lớp 11, anh đã có chứng chỉ C tiếng Anh. Thiện được các bạn tôn làm thầy khi anh đứng ra dạy học cho một nhóm bạn cùng lớp. Học xong cấp 3, được sự tư vấn của mẹ và bạn bè, thầy cô, Thiện thi vào trường Đại học sư phạm khoa Tiếng anh và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường.
Sau 4 năm dùi mài đèn sách, Thiện ra trường với vốn kiến thức uyên bác về ngoại ngữ. Anh tình nguyện về dạy ở những trung tâm nhân đạo với mong muốn góp một phần tri thức của mình, giúp đỡ những hoàn cảnh không may như anh. Bất kể ở đâu, bất kể thời gian nào, hễ có lời mời giúp đỡ người khuyết tật là anh đều xung phong.
Bằng tài năng và tấm lòng của mình, thầy giáo Thiện đã giúp cho nhiều số phận không may có vốn hiểu biết cơ bản về Tiếng Anh. Sau nhiều năm dạy học ở các trung tâm, Thiện quay về mở lớp học tại nhà. Học viên của anh là những sinh viên sáng mắt đang theo học các trường Đại học trên địa bàn thành phố. Phương pháp dạy học của thầy Thiện chủ yếu thực hiện trên giáo án điện tử. Học viên nào không có điều kiện tới học trực tiếp có thể học qua mạng hoặc trên điện thoại.
Ngôi nhà ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q3, TP.HCM) của thầy Thiện chủ yếu trưng dụng các loại đài, radio và mic để phục vụ học Tiếng Anh trực tuyến. Trên chiếc bàn làm việc đặc biệt, thầy Phước Thiện đã sáng tạo ra những giáo trình cùng phương pháp dạy học độc đáo. Các lớp học viên ra đời đều có khả năng Tiếng Anh đạt chuẩn.
Ông bụt của những đứa trẻ trên đồi cát Bay
Ông bụt trên đồi cát Bay
Cách đây 2 năm, trong một chuyến đi thực địa tại đồi cát Bay Mũi Né, thầy Thiện cùng các học trò của mình bắt gặp những đứa trẻ lấm lem cát bụi, mặt mày cháy xém, đội nắng đội mưa đi chèo kéo khách thuê tấm trượt. Công việc mưu sinh của chúng vất vả hơn những công việc bình thường vì vừa làm vừa phải canh chừng bảo vệ rượt đuổi, thu hồi đồ nghề.
Chúng bị người đời dè bửu, coi thường cũng vì những thủ đoạn, mành khóe cạnh tranh khốc liệt trên đồi cát. Nhóm của thầy Thiện cũng là nạn nhân của chúng, khi chúng chèo kéo không được thì quay ra chửi thề, hăm dọa khách. Nhìn chúng, anh nghĩ: “Thật ra, bản thân chúng không phải là người xấu, chúng là những đứa trẻ đáng thương và tội nghiệp. Vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống nghèo khó đã đẩy chúng vào hoàn cảnh đó, tôi thấy chúng quá thiệt thòi. Lẽ ra, chúng phải được nhận tình thương của mọi người hơn là sự xa lánh”.
Sau lần đó, thầy Thiện về lại Sài Gòn nhưng trong lòng luôn canh cánh một nỗi niềm. Hình ảnh những đứa trẻ “đầu trần chân đất” giữa cái nắng như nung trên đồi cát Bay lúc nào cũng ở trong tâm trí anh. Nhiều đêm trăn trở, suy tư, thầy Thiện quyết tâm ra đồi Hồng, Phan Thiết tìm gặp những đứa trẻ ấy để dạy cho chúng cái chữ. Lúc đầu, chúng còn ái ngại, e dè nhưng sau lần thứ hai thầy quay trở lại thì chúng quen dần.
Phước Thiện đi gom hết những đứa trẻ đang làm nghề thuê ván trượt trên đồi cát thành một lớp để dạy Tiếng anh cho chúng. Nhận thấy, nhiều khách du lịch nước ngoài tới đồi cát thăm quan, du lịch nhưng vốn Tiếng Anh của chúng thì quá ít ỏi, thầy Thiện quyết định sẽ trau dồi và củng cố vốn Tiếng anh cho các em. Lớp học có lúc cao điểm lên tới cả trăm em.Anh mượn được khoảng sân nhà người bạn là lao công trên đồi cát và tập trung các em lại. Thầy chia ra thành nhiều lớp nhỏ theo độ tuổi và trình độ nói Tiếng Anh của mỗi em.
Ban ngày, lớp học mở ngay trên đồi cát để tiện không gian và công việc cho bọn trẻ. Dưới cái nắng như đổ lửa của vùng quê Phan Thiết, gió hanh gay gắt từ biển thổi vào cuốn theo cát phả vào mặt thầy trò của lớp học giữa sa mạc cát, vậy nhưng không ngăn được tiếng đọc bài trong veo, khỏe khoắn của những học sinh da đen, tóc khét mùi nắng. Chúng say sưa hòa vào lời giảng của thầy giáo mù ở một miền quê xa lạ. Có lẽ, đối với chúng, từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến khi ra đời, chưa có ai tốt với chúng như thầy Thiện.
Tuổi thơ của chúng suốt ngày vùi mình với cát, nắng và gió. Thế giới của chúng là những tiếng chửi rủa, đuổi bắt của người lớn hay những tiếng rì rầm đếm đồng bạc lẻ sau mỗi ngày từ việc thuê ván trượt. Chỉ sau hai tuần thầy giáo mù về đồi cát, tình cảm thầy trò được gắn kết bền chặt. Trò yêu quý thầy, thầy dành tình thương hết mình cho trẻ, mỗi lần chia tay là một lần lưu luyến, bịn rịn.
Ga Sài Gòn cuối tuần dù mưa hay nắng, người ta đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông mù, chân bước chầm chậm lần tìm đường lên tàu lửa hướng về ga Phan Thiết. Trên đồi cát Bay, những đứa trẻ thì ngóng trông từng ngày, từng giờ để được gặp thầy. Những ngày ngắn ngủi cuối tuần trên đồi cát, thầy trò đã trao cho nhau hết cái nghĩa, cái tình của những con người cùng khổ được thương yêu. Không những dạy chữ, thầy Thiện còn dạy các em văn hóa “đối nhân xử thế” trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Thầy tâm sự: “Vì không được học, phải ra đời quá sớm nên các em không biết cách giao tiếp với người lớn. Chính vì thế, các em bị quy vào cái tội vô văn hóa. Tôi là người xa lạ, nhưng tại sao chúng lại chịu cho tôi dạy chúng, chịu nghe lời tôi? Là vì, tôi cùng ăn cùng ở với các em, tôi thương các em và thấu hiểu được hoàn cảnh của các em để sẻ chia cùng. Có em ôm cổ tôi, hít hà khắp người tôi rồi khóc, em nói thầy giống ba của em quá. Ngày xưa còn sống, ba cũng thương em như thầy. Nói như vậy để thấy rằng, tâm hồn chúng đã bị khép lại vì hoàn cảnh chứ thực chất các em rất đáng thương”.
Hành trình đi và về dài hơn 420km mỗi tuần từ Sài Gòn về Phan Thiết dạy học của thầy Phước Thiện đã làm thay đổi rất nhiều số phận những đứa trẻ thất học trên đồi cát Bay. Đến nay, đa số các em đã có vốn Tiếng anh sơ đẳng nhất để phục vụ cho công việc trong khu du lịch. Từ những đứa trẻ có vốn văn hóa “chợ búa”, nay chúng đã thay đổi hoàn toàn. Chúng trở thành những đứa trẻ biết sống làm hài lòng người lớn, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người. Nhiều em khi rời đồi cát đã tìm cho mình những công việc ổn định ở các khu du lịch khác. |
Hoa Nguyên