Chuyện về vị doanh nhân tuổi rồng được thoát án tử

Chuyện về vị doanh nhân tuổi rồng được thoát án tử

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Có một doanh nhân, cứ mỗi khi nhớ về ngày này là ông lại nghĩ đến nước mắt, khổ đau và tuyệt vọng đã phải trải qua. Có lẽ không ai còn xa lạ với cái tên Lê Minh Hải, hay còn gọi là Hải Robert, tử tù trong vụ án Tamexco nổi tiếng năm 1995. Nhưng sau đó, ông may mắn thoát án tử hình.

Mọi người nhắc nhiều đến Hải Robert bởi những gì con người ấy đã làm và đã phải trải qua, bởi những việc được cho là kỳ lạ, không tưởng. Còn đây, ngày hôm nay, vẫn Hải Robert thích diện đồ bò, đội mũ phớt nhưng đã đằm mình hơn và trăn trở hơn với hàng loạt dự án còn dang dở.

Xã hội - Chuyện về vị doanh nhân tuổi rồng được thoát án tử

Cuộc đời lận đận

Lê Minh Hải sinh năm 1952 (Nhâm Thìn) trong một căn cứ kháng chiến của rừng U Minh Thượng, nơi bố anh là kỹ sư quân khí. Năm 1954, cậu con trai duy nhất của người Anh hùng Lao động đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Lê Minh Đức theo cha tập kết ra Bắc. 16 năm sau (1970), nhờ thành tích học tập xuất sắc, anh được đích thân bộ trưởng Tạ Quang Bửu lúc bấy giờ gặp và cho chọn ngành nghề cũng như tự chọn quốc gia để theo học. Anh đã sang Liên Xô và chọn học về hàng hải.

Năm 1976, Lê Minh Hải về nước làm máy trưởng tàu viễn dương, bắt đầu cho những cuộc phiêu lưu khắp thế giới. Đến năm 1989, anh tham gia thi tuyển giám đốc (đây là cuộc thi giám đốc đầu tiên và duy nhất của thời bao cấp) tại Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn.

Cái chất sống hảo hán mang nặng tình người và bản thuyết trình về đường lối phát triển doanh nghiệp của anh đã thuyết phục hầu hết cán bộ, nhân viên và công nhân trong công ty. Và anh đã không phụ lòng họ. Trong suốt 6 năm làm giám đốc, anh luôn tìm tòi, đổi mới phương thức kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ công nhân. Thế nhưng năm 1992, anh bất ngờ bị cách chức dù ngay trước đó, trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của cán bộ, công nhân viên công ty, anh được tới 96% số phiếu ủng hộ. Năm 1993 anh làm tổng giám đốc Liên doanh Vim Sài Gòn.

Đến đầu năm 1995 rời cơ quan nhà nước, Lê Minh Hải thành lập Công ty TNHH Dolphin Vũng Tàu và đây là bước khởi đầu dẫn đến vụ án Tamexco nổi tiếng trong lịch sử kinh tế Việt Nam. Đúng vào thứ 6 ngày 13 (theo quan niệm của người phương Tây, thứ 6 trùng với ngày 13 là ngày đen tối) tháng 10 năm 1995, Hải Robert bị bắt và sau đó bị tòa tuyên án tử hình.

Cuộc đời tưởng như chỉ còn là một bờ vực đen ngòm trước mắt thì bỗng như có phép lạ. Một buổi sáng, anh nhận được tin mình đã được nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tha tội chết, giảm xuống án chung thân. Nhờ cải tạo tốt và có nhiều sáng kiến đóng góp cho trại như nuôi đà điểu, nuôi cá hay các kế hoạch trồng cây gây rừng... đồng thời nhờ sự ân xá của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Quốc khánh năm 2005, anh được đặc xá, kết thúc 10 năm tù đày ròng rã.

Gian nan làm lại cuộc đời

Khi ra tù vào năm 2005, việc đầu tiên Hải Robert làm là về xin lỗi bố mẹ, ông bà, vợ con, tổ tiên vì những gì ông làm đã gây liên lụy và đau khổ cho mọi người. Sau đó, ông ăn bữa cơm đầu tiên với gia đình sau 10 năm xa cách. Rồi ông làm các thủ tục để trở lại một công dân bình thường (như hộ khẩu, chứng minh thư...), nhờ con trai đứng tên mở công ty và sau 6 tháng thì lập công ty và tiếp tục thực hiện các công việc mà trước đây ông đã làm, đồng thời tìm hướng đi mới mẻ, mạo hiểm trong công việc.

Ông tiếp tục các dự án lớn như mua ụ nổi về Việt Nam (ụ nổi chuyên dụng để đóng mới, sửa chữa tàu biển), mua tàu cánh ngầm nhằm tiếp tục khai thác Ngọc san hô đỏ có ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa của nước ta. Hiện, Hải Robert là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam về việc nuôi cấy cá tầm tại Việt Nam và Myanmar, loài cá được đánh giá là quý và đắt. Tại thị trường Myanmar, ông nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp nước bạn.

Xã hội - Chuyện về vị doanh nhân tuổi rồng được thoát án tử (Hình 2).

Suốt bao nhiêu năm làm việc, từ trước khi vào tù cho tới sau này, Hải Robert chưa một ngày nghỉ phép

Dường như những khó khăn, gian truân chưa bao giờ tha cho Hải Robert. Bên cạnh việc nuôi cá tầm, ông tiếp tục kế hoạch mua ụ nổi từ Nga về Việt Nam. Song “tai nạn” lại bắt đầu từ đây. Dưới tư cách pháp nhân chủ tịch HĐQT của Vinashin Vũng Tàu, Hải đã cùng người Nga mua 1 ụ nổi từ Vladivostok về. Ngày 22/6/2006 đoàn rời Nga, đi đến Đài Loan, gặp siêu bão Billis ngày 14/7/2006, ụ nổi bị chìm.

Mặc dù mua bảo hiểm 110% của Công ty bảo hiểm Bảo Minh nhưng Bảo Minh vẫn không đền bù. Cực chẳng đã, Hải đã cùng một công ty của Nga gửi đơn lên tòa án London, Anh. Ngày 19/10/2010, vụ án được đưa ra xét xử và theo phán quyết của tòa án, Vinashin Vũng Tàu Việt Nam và một công ty khác của Nga được bồi thường tổng số tiền là 8.388.600 USD.

Hải Robert tâm sự, ông thiếu nhất hai thứ trên đời để làm việc. Một là thời gian, vì ông đã già do ngồi tù lâu quá nên quỹ thời gian còn lại quá ít, mặc dù ông luôn cảm giác như đang ở tuổi 30 và làm việc không mệt mỏi. Hai là tiền mặt để thực hiện dự án lớn. Ông rất cần những người có năng lực tài chính và kiến thức muốn cộng tác làm các dự án lớn, hữu ích cho xã hội.

Hải Robert may mắn có được người vợ tảo tần, chung thủy và 2 đứa con ngoan hiền, tài năng. Thời gian chịu án phạt tù, vợ ông, chị Nguyễn Thanh Hồng đã phải nghỉ dạy học, tần tảo chạy chợ để nuôi con và theo chăm nuôi chồng ở trại. Hiện nay, hai con trai của ông, một đang học ở Mỹ, đi theo con đường khoa học, còn một đã tốt nghiệp Quản trị kinh doanh ở Mỹ và sẽ về làm việc cùng ông tại Myanmar (vì theo Hải Robert đây là một đất nước còn nhiều bí ẩn và đầy tiềm năng). Còn ở Việt Nam, Hải Robert vẫn miệt mài lao động để làm điểm tựa cho hai con mình thực hiện những gì ông mơ ước, mà không làm được vì rất nhiều lý do.

Lửa vẫn “cháy” trong Hải Robert

So với thời kỳ trước khi thụ án, giờ đây, tóc đã bạc, sức khỏe có phần yếu hơn thời trai trẻ, nhưng Hải Robert vẫn mạnh mẽ và táo bạo hơn rất nhiều. Song đó là ngọn lửa đam mê “trả mối hận” nhằm rửa sạch vết nhơ của cuộc đời. Hải may mắn được trở về với cuộc sống, nỗi nhục 5 đời gần như đã có lối thoát. Và những ngày tháng ở tù, là nỗi nhục nửa đời của Hải mà thôi.

Từ cõi chết trở về, biết rằng đã thoát được án tù nhưng sao thoát được án đời. Thời gian sống sẽ còn chẳng bao lâu, nên hơn lúc nào hết, Hải sẽ phải mạnh mẽ và quyết tâm để làm việc, cống hiến sức mình cho xã hội, thực hiện nhiều ý tưởng “mới, táo bạo”, đó là mục đích sống của Hải Robert, kẻ trở về từ cõi chết.

Nhắc đến Hải Robert, người ra nghĩ ngay đến hình bóng một người lữ hành kỳ dị, nhưng từ con người ấy luôn toát lên cái phong thái lịch lãm và đặc biệt luôn galant với phụ nữ, cảm thông với những người khốn khó, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong lao tù. Người ta đồn Hải Robert có tới 15 bộ quần áo jeans và 6 chiếc mũ cao bồi đều mua ở nước ngoài. Ông chỉ thích mặc quần jeans, áo phông.

Hồi trước khi vào tù năm 1995, ông cao lớn, nặng 84 kg và luôn dùng đồ hiệu. Trông ông không khác nào một “tay chơi quý tộc” khi đi ô tô đẹp, xài đồng hồ đắt tiền hiệu Rolex, rượu ngon, thuê hẳn thư ký là người Nga... Sau 10 năm tù đày, giờ ông sụt mất 15 kg, rắn chắc lỳ lợm, trông rõ nét người đàn ông bụi đời quý tộc, phong trần nhưng rất cương nghị. Cộng thêm bộ râu quai nón càng làm tăng vẻ “manly” (đàn ông).

Hải Robert tâm niệm, mọi thứ trên đời nhanh đều tốt nhưng có hai việc cần chậm là yêu và ăn uống. "Nhưng tôi vẫn không có thời gian để thưởng thức hai việc đó vì thời gian được sống ở đời là vô cùng quý và tôi đã đối diện với cái chết nên yêu quý tự do hơn bất cứ ai trên đời này. Vì vậy, tôi đang nỗ lực làm lại tất cả chỉ để xin một đồng danh dự cho cuộc đời một doanh nhân", ông nói.

Tôi hiểu, đối với một người chọn Napôlêông làm thần tượng như anh, sự đầu hàng là hành động hèn nhát, không thể có dù là đầu hàng trước số phận đầy giông bão của cuộc đời mình. Anh như được kết tụ bởi cái tính khí kiên cường, hảo hán của người miền Tây Nam Bộ, sự mạnh mẽ, chân thành, đôn hậu của người Nga, cái tính cách ngang tàng, thích phiêu lưu, mạo hiểm của thủy thủ tàu Viễn dương và dòng máu của người cha là anh hùng Lê Minh Đức.

Cha của Lê Minh Hải là Lê Minh Đức, vị Anh hùng lao động đầu tiên của nước ta. Những ngày đầu của năm 1947 với hai bàn tay trắng, với tay thợ biết được nhiều nghề Lê Minh Đức xin tỉnh cho phép tổ chức sản xuất vũ khí: Súng tiểu liên và súng lục (Rouleau). Làm súng thành công, Lê Minh Đức được tỉnh công nhận là Công An Xưởng tỉnh Vĩnh Long. “Trong cuộc đời mình, tôi đã sửa chữa biết bao nhiêu máy móc, đầu máy, toa xe, cầu đường. Vậy nhưng thử hỏi, trên thế gian này, có người thợ chân chính nào chữa lành được nỗi đau của con người?”, ông Lê Minh Đức tâm sự.

Trần Ngân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.