“Bá Doãn thác rồi thôi bắt cọp”
Chúng tôi về thôn Dùi Chiêng nay thuộc xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam để được tận tai nghe lại những câu chuyện về những người không ngại hiểm nguy lao vào bắt cọp mong giữ bình yên cho dân làng. Theo những người dân nơi đây thì đến những năm 80 của thế kỷ XX, những con hổ to vẫn còn xuất hiện ở khu vực này, nhưng đến nay thì tuyệt nhiên không còn con nào lai vãng.
Sau chiến tranh, nhiều người gánh cá, thực phẩm từ dưới xuôi băng qua đèo Le lên Nông Sơn thường thấy hổ xuất hiện và các dấu tích cào bới của nó. Nhiều người phải bỏ gánh giữa đường vì khiếp sợ không dám bước tiếp, họ phải đi từng đoàn người để tránh hổ ăn thịt.
Ông Nguyễn Tửu kể lại chuyện những người bắt hổ một cách hào hùng.
Tại Dùi Chiêng, chúng tôi được ông Nguyễn Tửu (89 tuổi) là một trong số ít người còn biết rõ những câu chuyện bắt cọp khi xưa và việc hổ thường xuyên quấy phá. Theo ông Tửu, từ thời ông nội đến đời cha của ông thì khu vực này rừng núi rậm rạp, dây leo chèn chéo qua các cây cổ thụ ăn ra sát làng nên vẫn còn nhiều hổ xuất hiện. Người dân sinh sống thưa thớt, chỉ có một số ngôi nhà nhỏ bằng ván được dựng lên tạm bợ. Một số ít nhà giàu thì làm nhà sàn để đêm đến được yên giấc. Khi trời chập tối thì người dân nơi đây liền đóng sập cửa, không dám bước ra ngoài vì sợ hổ dữ. Ngay đến đi tiểu tiện, họ cũng phải dùng bẹ chuối nối từ trong nhà mà tiểu ra. Mệnh ai nấy lo và người ta trốn biệt khi hổ đến. Do vậy lũ hổ càng trở nên dạn dĩ, thường tiến sát vào làng để bắt heo, trâu bò và tấn công người.
Ông Tửu cho biết: "Khu vực hố Ông Bình, hố Dòng Dĩnh là nơi tập trung hổ nhiều nhất. Thời trước tại đây nhiều người đi làm trên núi bị hổ ăn thịt là có thật. Có người nhìn thấy, khiếp sợ chạy về thông báo với làng, khi đến nơi thì chỉ còn những mẩu xương của người xấu số. Lũ hổ thường xuất hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối và gầm gừ ở cửa Truông (đường vào núi). Chúng bắt trâu bò chăn thả ở bìa rừng", Theo ông Tửu, nhiều người dân nơi đây còn nhớ nhiều lần hổ tiến vào làng tại khu Cán Dù, khe Xé thuộc xã Quế Lâm (Nông Sơn). Mọi người tìm chỗ trú ẩn nín thở chờ cho hổ đi, trong khi nó cứ quanh quẩn để tìm mồi. Hổ phá chuồng heo, bắt được một con thì mới chịu vào rừng.
Trước sự hung dữ của hổ, mọi người ai cũng khiếp vía thì có ông Phạm Bá Doãn, khoảng thời kỳ chống Pháp nức tiếng là người bẫy hổ giỏi. Đến nay, người dân nơi đây vẫn còn ca tụng: "Bá Doãn thác rồi thôi bắt cọp" để tưởng nhớ công ơn của ông. Ông Doãn vốn là địa chủ nhưng gan dạ và mưu trí. Ông đã nghĩ ra được cái bẫy để dụ con hổ vào tròng để bắt. Theo những vị cao niên, đó là một khung gỗ gọi là chòi (hiện nay vẫn còn địa danh Kiệt chòi tại đây), rộng 1m và dài khoảng 5m, bên trong có để một con chó làm mồi nhử, phía trên thì có lưới bao phủ. Khi cọp phát hiện nó sẽ nhảy vào bắt chó, khi tiến vào lập tức nó bị sập xuống bẫy và lưới sẽ phủ lên mình cọp khiến nó không thể chạy thoát.
Từ ngày có bẫy chòi của ông Doãn, cọp không dám tiến sát làng như trước, chúng chỉ ở bìa rừng rình bắt trâu bò. Nhiều người nhìn thấy trâu nhà mình bị bắt đi nhưng chẳng biết làm gì. Về sau ông Bá Doãn lại sáng chế ra chiếc bẫy kẹp bằng sắt, nghe nói chiếc kẹp này nặng đến gần 50kg. Khi hổ bắt trâu, chúng thường ăn trước bộ lòng, sau đó đem giấu phần thịt ở một nơi kín rồi khi đói tới ăn. Lúc đó người dân sẽ theo dấu con hổ và nhờ ông Doãn đem bẫy đến đặt. Thường thì bên cạnh xác con trâu đó, ông sẽ cho phát một luồng sáng nhỏ để chắc chắn hổ đi vào lối này. Rồi ông đặt bẫy để hổ giẫm vào.
Cứ như vậy ông Doãn bắt được rất nhiều hổ. Ông Doãn có ba người con trai, trong đó phải kể đến ông Hội Hồng (Phạm Trinh) là người con thứ 2 cũng nối nghiệp cha bắt hổ rất giỏi và được dân làng ca tụng. Từ đó hổ bắt đầu sợ và lui vào ở rừng sâu, không còn ra ngoài quấy phá dân làng nữa.
Dinh thờ “ông Trùm” tại thôn Dùi Chiêng.
Đến dinh thờ “ông Trùm” bắt hổ
Trở thành văn hóa tín ngưỡng của người dân Ông Ngô Sáu, Trưởng thôn Dùi Chiêng cho biết: "Ngày xưa làng Dùi Chiêng nổi tiếng với sự xuất hiện của hàng loạt con hổ lớn chuyên bắt trâu bò và cả người. Dù kinh hãi nhưng không chịu khuất phục, nhiều người đã đứng lên bắt hổ, giúp an dân, ổn định cuộc sống. Thờ cúng dinh “ông Trùm” đã trở thành nét văn hóa và là niềm tự hào của người dân nơi đây". |
Tại làng Dùi Chiêng hiện nay, có một dinh thờ "anh hùng đả hổ" được gọi là dinh “ông Trùm”. Theo những cao niên thì ngôi miếu này có khoảng 200 năm và nay được trùng tu mới. Cũng theo ông Tửu, sở dĩ có dinh thờ này là tương truyền thời xưa, tại khu vực này hổ nhiều và thường xuyên bắt người vào núi ăn thịt và cũng chính nơi đây đã có một anh hùng giết được hổ lớn nên người dân lập dinh thờ. Người xưa vẫn luôn truyền miệng nhau về huyền thoại cuộc tranh đấu "song tử" giữa người và hổ lớn.
Tương truyền lúc đó có một anh tiều phu dáng người to lớn, cơ bắp tráng kiện, lại tinh thông võ nghệ. Sáng sớm hôm ấy, anh tiều phu lên rừng đốn củi, trên tay mang một đùm cơm và vác rìu lên núi. Khi vào tới cửa Truông, anh gặp ngay phải một con hổ to lớn, gầm gừ và lao vào tấn công trong chớp nhoáng. Nhờ có võ nên cú đầu anh tránh khỏi nanh vuốt của nó. Biết không thể chạy thoát, tay anh buông đùm cơm và cầm rìu chiến đấu với con hổ dữ này. Suốt hàng tiếng đồng hồ, anh tiều phu vẫn liên tục tránh né để tận dụng cơ hội ra búa vào chỗ hiểm mong hạ gục hổ dữ. Cuộc chiến đấu đến trưa mới ngã ngũ khi cả hai đều bị thương quá nặng và lăn ra chết ở đó. Sau này anh tiều phu đó được gọi là “ông Trùm” vì có sức mạnh tựa hổ, người dân nơi đây đã lập miếu thờ và xem ông như một vị thần giúp dân trừ quái vật.
Người dân tổ chức lễ cúng “ông Trùm” vào ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm, họ làm heo, gà để dâng lên ngài. Sau khi cúng xong, dân làng phải để lại nguyên cái đầu heo trên bàn thờ để hổ ra ăn (lý giải phong tục này là do hổ có sức mạnh lớn và họ cũng rất tôn sùng con vật này). Còn phần thịt heo, gà, cơm, rượu, mọi người cùng tề tựu ăn uống, vui chơi. Sau khi dân làng về, thường thì cái đầu heo đó được hổ ra tha về núi để ăn. Về sau, khi lượng hổ ít dần, đầu heo được để đây 3 ngày, nếu hổ không ra ăn thì người dân mới được mang về nhà. Do vậy mỗi tối người cai quản miếu thường mang đầu heo về nấu lại cho khỏi hỏng, sáng mai lại tiếp tục mang lên bàn thờ miếu. Cứ như vậy sau ba ngày họ mới được đem đầu heo đó về "hưởng lộc".
Hiện nay người dân nơi đây đã xây dựng một dinh thờ lớn, là nơi tưởng nhớ “ông Trùm” và cũng là lễ cúng khai sơn của cư dân nơi đây. Trong dinh có vẽ hình “ông Trùm” ngồi trên lưng đánh nhau với hổ tựa Võ Tòng giết hổ. Do sống chủ yếu nhờ rừng nên mỗi khi đến tháng giêng, khu dinh thờ chật kín người đến thắp hương, hội làng để chuẩn bị vào năm làm rừng mới.
SƠN PHÚ