Chuyên viên đánh người: Hối hận muộn màng

Chuyên viên đánh người: Hối hận muộn màng

Thứ 7, 18/05/2013 09:44

Sáng 17-5, hội đồng kỷ luật Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Minh Hoài, 51 tuổi, chuyên viên phòng nuôi dưỡng người già, vì đã đánh cụ bà 78 tuổi và một phụ nữ khác.

Đây cũng là mức kỷ luật mà trong bản kiểm điểm của mình, ông Hoài đã tự nhận trước hội đồng kỷ luật cơ quan.

Miền trung - Chuyên viên đánh người: Hối hận muộn màng

Các văn bản làm rõ vụ đánh người ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: T.T.D.

Vi phạm nghiêm trọng

Phẫn nộ

Đó là tâm trạng chung trong 180 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Nhiều bạn đọc đã dùng các cụm từ như vô nhân tính, tàn nhẫn, lạm dụng quyền lực... cho hành động đánh cụ già 78 tuổi đang được bảo trợ tại trung tâm. Bạn đọc Thùy Vân viết: “Những người được bảo trợ thường là những số phận không may mắn, cần sự giúp đỡ và cần lòng yêu thương. Sao ông Hoài lại đối xử tàn nhẫn như thế với họ, ngay tại nơi mà người ta tìm đến để được giúp đỡ?”.

Nhiều bạn đọc đề xuất phải nghiêm trị đối với chuyên viên này, vì như phân tích của bạn đọc dttnnh@...: “Hành động này đã làm mất tư cách của người cán bộ ở cơ quan bảo trợ xã hội. Nếu ai cũng như ông này thì người dân sẽ không còn lòng tin vào các trung tâm bảo trợ xã hội”.

N.N.

Trước đó, ngày 30-4, do nghi cụ Nguyễn Thị Cúc (78 tuổi, quê huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, vào trung tâm từ tháng 2-2013) lấy trộm tiền, ông Hoài đã dùng một khúc cây khô đánh cụ Cúc gây sưng bầm bốn vết ở tay và mông.

Chị Nguyễn Thị Thắm (31 tuổi, ở P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang, cũng là người được bảo trợ) thấy vậy đã can ngăn và la ông Hoài khiến ông này nổi xung dùng khúc cây đánh chị gây bảy vết sưng bầm ở đùi, chân.

Ông Trần Hiệp - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa - cho biết hành vi trên của ông Nguyễn Minh Hoài đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước.

“Cụ thể đó là vi phạm quy định những điều viên chức không được làm trong Luật công chức - viên chức, vi phạm quy định cấm đánh đập đối tượng được bảo trợ theo thông tư số 04 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Hành vi của ông Hoài không những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân mà còn ảnh hưởng đến cơ quan và ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa, gây dư luận không tốt đối với xã hội” - ông Hiệp nói.

Với những vi phạm ấy lẽ ra ông Hoài sẽ bị xử lý kỷ luật rất nặng. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hội đồng kỷ luật Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đã phân tích, thấy rằng đây là vi phạm lần đầu, ông Hoài là người có nhân thân tốt (cháu bà mẹ VN anh hùng, con liệt sĩ), trong quá trình làm việc tại trung tâm từ năm 2000 đến nay có nhiều cống hiến... do đó đã thống nhất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với chuyên viên này.

Ông Hiệp cho biết thêm tuần tới sẽ tổ chức họp toàn trung tâm để thông báo quyết định kỷ luật đối với ông Hoài, để toàn bộ cán bộ, viên chức của trung tâm xem đó là bài học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì để xảy ra sự việc này ngay trong trung tâm, một nơi làm công tác bảo trợ xã hội. Là lãnh đạo, chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra việc này. Tôi đã trực tiếp xin lỗi cụ Cúc, cháu Thắm và mong gia đình hai người cùng xã hội thông cảm. Chúng tôi hứa đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất để xảy ra việc chuyên viên trung tâm đánh người được bảo trợ xã hội” - ông Hiệp cam kết.

Hối hận muộn màng

Chiều cùng ngày, khi chúng tôi liên lạc, ông Hoài bày tỏ: “Bây giờ có nói gì đi nữa cũng không thể chuộc lại hết những lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Tôi rất ân hận vì đã có hành vi không phải đạo đối với cụ Cúc và cả cháu Thắm.

Ban đầu tôi chỉ định dọa họ để ai có lỡ lấy tiền thì trả lại cho người mất, nhưng vì tôi quá nóng nảy, không kiềm chế được bản thân nên mới để xảy ra sự việc đáng tiếc này”.

Theo lời ông Hoài, khi nghe chị Nguyễn Thị Vân (21 tuổi, bị tâm thần nhẹ, đang được nuôi dưỡng ở trung tâm) la khóc kêu bị trộm mất tiền, ông đã đến phòng kiểm tra nhiều nơi nhưng không tìm thấy, sau đó thấy cụ Cúc có nhiều tiền nhưng giải thích không rõ ràng, ông đã có những hành động như trên.

“Thật sự tôi thấy cháu Vân đáng thương quá, bị bệnh mà thỉnh thoảng còn bị mất vặt thứ này thứ kia nên muốn nhanh chóng tìm lại số tiền giúp cháu, chứ không có định kiến gì với cụ Cúc hay cháu Thắm cả” - ông Hoài nói.

Hôm qua, tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân, người mất tiền, cho biết chị cũng rất buồn khi có liên đới đến vụ việc. “Khi phát hiện mất tiền, tôi nghi cụ Cúc lấy nên vội báo cho cán bộ Hoài, nên cụ Cúc và chị Thắm bị đánh đau, oan. Không ngờ có một người khác đã giấu số tiền đó dưới gầm giường. Tôi rất hối hận, tôi đã xin lỗi và mong hai người tha thứ” - chị Vân nói.

Theo ông Nguyễn Hiệp, thường những người ăn xin, lang thang như cụ Cúc, chị Thắm được đưa vào trung tâm chỉ ở trong thời gian ngắn không quá 30 ngày, trường hợp đặc biệt thì không quá 90 ngày là phải lập hồ sơ gửi về lại địa phương. Theo quy định, những người này không được giữ tiền mà phải nộp cho trung tâm giữ hộ, khi nào rời trung tâm mới được nhận lại.

Riêng số tiền mà cụ Cúc, chị Vân có được là do các nhà hảo tâm đến thăm đã cảm thương nên gửi tặng.

Sau khi bị đánh và được chữa trị vết thương, cụ Cúc, chị Thắm đã rời Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi đã cố gắng nhưng không tìm được họ vì địa chỉ không rõ ràng.

Ông Nguyễn Trọng Đàm (thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội): Trường hợp hi hữu!

Có 400 cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc nhưng chúng tôi chưa có số liệu nào về các vụ ngược đãi đối với những cá nhân được bảo trợ tại các trung tâm. Vụ ngược đãi diễn ra ở Khánh Hòa là rất hi hữu.

Muốn hay không thì hành vi của chuyên viên bảo trợ xã hội đó là sai phạm. Còn sâu xa về vấn đề pháp luật, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ cũng đã có quy định hết. Hiện vụ việc xảy ra tại Khánh Hòa nên chúng tôi cũng chưa nhận được báo cáo, tuy nhiên chúng tôi sẽ cho kiểm tra thông tin báo Tuổi Trẻ nêu.

Và đương nhiên sai phạm đến đâu phải xử lý đến đó tùy theo mức độ và không thể bao che. Tôi cũng sẽ yêu cầu Cục Bảo trợ xã hội kiểm tra và báo cáo thông tin về vụ việc cũng như phương hướng xử lý của địa phương.

Chị Lê Minh Hiền (giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai, quận Ba Đình, Hà Nội): Phải xử lý nghiêm

Người lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn nên mới được đưa về trung tâm để được chăm sóc và hưởng chế độ của Nhà nước, đương nhiên hoàn cảnh của họ đã là hết sức đáng thương rồi. Nhưng không phải bởi người ta là người ăn xin hay lang thang và nghèo mà có lòng tham. Không nên phân biệt đối xử với họ, không được nhìn người nghèo khổ và kém may mắn dưới con mắt khác. Và đương nhiên, việc đánh đập người được bảo trợ, người yếu thế dù họ có lỗi hay không cũng là không được.

Khi nhân viên bảo trợ xã hội kết tội oan cho người ta thì ban lãnh đạo trung tâm phải xử lý nhân viên của mình một cách công khai và tương xứng để những người khác hiện đang sinh sống tại các trung tâm cảm thấy mọi việc được minh bạch và họ được đối xử công bằng.

Hơn nữa, phải đặc biệt tôn trọng quyền bình đẳng của mọi người sống trong trung tâm bảo trợ xã hội, tất cả mọi thứ phải được góp ý minh bạch từ việc nhỏ như việc giám sát thực phẩm và chất lượng bữa ăn cũng nên để họ tham gia.

H.Điệp ghi

Theo Duy Thanh - Văn Kỳ (Tuổi trẻ)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.