Chuyện vui học tiếng Anh

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 6, 04/10/2024 07:00

Trong nhà trường hiện nay, tiếng Anh cũng đã được học từ cấp 1 (lớp 3), tiếng Anh tự chọn thì học từ lớp 1. Tức là tiếng Anh đã được dạy từ rất sớm cho học sinh. Nhưng quả là, chất lượng giao tiếp vẫn là điều... rất khó nhận xét.

Bộ chính trị vừa có kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 về việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học đã khiến rất nhiều người vui mừng, vì nó quá đúng và trúng.

Người viết bài này, cấp 3 thì học tiếng Nga và Trung, vào đại học thì học tiếng Nga và Pháp, ra trường làm cán bộ thì học tiếng Anh bằng A, thời còn phải khai lý lịch luôn kiêu hãnh ghi trong mục "ngoại ngữ": Nga, Anh, Pháp, Trung.

Nhưng sự thực là, gặp người bản xứ thì chạy trối chết. Hoặc không chạy kịp thì nói chuyện mỏi hết cả... tay.

Và không chỉ tôi, nước ta rất nhiều người từng học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, nhưng rồi đều... không giao tiếp được.

Có thời kỳ nhà nhà tiếng Anh, người người tiếng Anh, các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm sau mưa, sáng đèn hàng đêm. Nhà nước có hẳn đề án dạy tiếng Anh cho cán bộ học miễn phí. Hồ sơ xin việc luôn phải có bằng hoặc giấy chứng nhận tiếng Anh, ít nhất là bằng A.

Nhưng chất lượng thì vẫn chỉ ở trình... yes, no. Bí quá thì... nô tế bồ (không bàn).

Trong nhà trường hiện nay, tiếng Anh cũng đã được học từ cấp 1 (lớp 3), tiếng Anh tự chọn thì học từ lớp 1. Tức là tiếng Anh đã được dạy từ rất sớm cho học sinh. Nhưng quả là, chất lượng giao tiếp vẫn là điều... rất khó nhận xét.

Theo tôi có lẽ là do cách dạy của chúng ta.

Ngay từ khi học bằng A đại trà chúng ta đã dạy cho những người bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh (và không chỉ tiếng Anh) học chương trình của những chuyên gia... ngữ pháp.

Chuyện vui học tiếng Anh- Ảnh 1.

Học sinh giao tiếp tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài. (Ảnh minh hoạ)

Tôi nhớ cả mấy ngoại ngữ tôi học trên kia, từ thời cấp 3 tới đại học, tức là rất trẻ, khả năng tiếp thu còn rất tốt, mà suốt ngày ngắc ngứ với mấy cái động từ trong khi từ thì chả nhớ.

Sau này mới biết, quả là cách dạy ngoại ngữ của chúng ta một thời bị lệch. Ấy là, nhẽ phải học nói trước thì chúng ta lại nhăm nhăm dạy ngữ pháp, chia động từ như những nhà ngôn ngữ chuyên sâu. Kết quả đa phần là, chả cứ loại ất ơ như tôi, mà ngay sinh viên học chuyên ngoại ngữ ra đường gặp người bản xứ, nói chuyện... mỏi cả tay.

Hồi 2 đứa con gái học cấp 3, tôi bảo sao các con ít nói, học ngoại ngữ mà toàn thấy cắm cúi như học văn á, chúng bảo, sau này lên đại học tính sau, giờ thi gì phải học nấy ba ạ, lấy điểm tốt nghiệp đã.

Sau này ra trường, đi làm cho công ty nước ngoài, chúng phải đăng ký học trực tiếp với giáo viên bản xứ, tất nhiên là học online, chủ yếu là học nói cho đúng, bởi đa phần khi nói với người nước ngoài, chúng bảo tao hiểu mày định nói gì, nhưng người khác chưa chắc đã hiểu bla bla...

Đến thế hệ cháu ngoại tôi, may mắn, sự học ngoại ngữ đã khác. Vợ chồng anh bạn nhà báo ở VTV, nói tiếng Anh như gió (thu) rồi, giờ có thằng cu 7 tuổi, về nhà toàn nói tiếng Anh với bố mẹ. Trong khi bố vặn người để hiểu con nói gì thì mẹ lăm lăm cuốn từ điển.

Như tôi, dăm lần đi nước ngoài, vài lần tiếp khách quốc tế, có lần làm hẳn MC một cuộc với các nhà văn nước ngoài mà... không nói được tiếng Anh, dù có bằng tiếng Anh, bị ông bạn nhà văn Trần Kỳ Trung miêu tả thế này trong một bài báo: "Lần đầu tiên mình chứng kiến nhà thơ Văn Công Hùng làm MC, may mà ông ấy không biết tiếng Anh, chứ biết tiếng Anh, chắc còn vui hơn nữa. Nhà thơ Văn Công Hùng hoạt náo, gần như cuộc vui không dừng lại, ai cũng muốn lên hát, lên đọc thơ". 

Còn đây là chuyến đi Ấn Độ với tư cách trưởng đoàn nhà Văn Việt Nam tôi ghi lại: "Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch hội nhà Văn Việt Nam điện từ Hà Nội: Hùng ơi, ông sẽ làm trưởng đoàn nhé. Tôi hốt hoảng: Anh ơi, em tiếng tăm chả biết, tài năng thì loàng nhoàng... làm trưởng đoàn thế nào được. 

Tiếng anh Thỉnh cười trong điện thoại: Yên tâm, có em Di Li làm phiên dịch rồi... Một lần tôi ngồi nói chuyện, tức làm việc, với một đối tác Ấn Độ, ông này có chân trong ban tổ chức liên hoan thơ, và ông ta hẹn tôi làm việc để gút giờ giấc kế hoạch gì đấy. Tất nhiên là Di Li ngồi cạnh phiên dịch. Một lúc, đang mặn chuyện, tôi quay sang hỏi Di Li, ông này vừa nói gì đấy em? Nàng ngơ ngác một lúc rồi cười rất tươi: ơ em không biết."...

Thế nên, cái sự học ngoại ngữ cho người Việt nó hết sức quan trọng như lâu nay vẫn, nhưng phải có phương pháp mới, cách dạy mới, chứ học mười mấy năm rồi mà thấy Tây là... chạy mất dép như tôi nó lãng phí vô cùng. Sang Ấn Độ, Philippine, Singapore... mà thèm khi thấy họ xài tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. May còn có anh Tàu khinh khỉnh với tiếng Anh để mình có thể tự hào...

Hôm kia ngồi với một cô hiệu trưởng, một hiệu phó của 2 trường phổ thông cơ sở, các cô kể chuyện mà chết cười.

Rằng có một cái lễ "phát động" học tiếng Anh chi đó, phân công một cô giáo dạy tiếng Anh trong trường lên đọc cái diễn văn, cô chối đây đẩy, sau phải nói thật, học sinh nó giỏi hơn em, em mà đọc chúng cười chết. Cô kia thì kể một học sinh cũ giờ là tiến sĩ ở Pháp về thăm trường, dẫn theo mấy chuyên gia. 

Các cô giáo tiếng Anh lẩn sạch, đẩy học trò ra nói chuyện (họ giao tiếp bằng tiếng Anh). Rồi có một cái seminar nhỏ trong trường về tiếng Anh thì cũng cũng cử 1 học sinh lớp 9 làm MC, và khi cháu làm thì, các cô dạy tiếng Anh ngồi ngơ ngẩn.

Từ đấy dẫn tới việc nữa là, các thầy cô bộ môn sẽ dạy môn của mình bằng tiếng Anh như thế nào?

Thế nên có lẽ việc đầu tiên của kế hoạch đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 là phải xem lại cách dạy. Phải chú trọng học nói, như trẻ em ấy, mới tập nói nó có biết ngữ pháp là gì đâu, cứ bập bẹ cái đã, và rồi hiểu nhau hết, lớn lên tới trình nào thì học ngữ pháp trình ấy. Ngay nhà báo chả hạn, viết tin thì không cần câu phức và ngược lại. Chả thế mà, đa phần các báo phân công, ai viết gì cứ chuyên sâu cái ấy mà viết, chả ai viết tin thành phóng sự mà phóng sự thành tùy bút cả.

Chị Đào Diệu Nhật, một chuyên gia kinh tế đang sống ở Úc, người cũng đau đáu với việc dạy tiếng Anh trong nước nhắn cho tôi: "Về việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam, vấn đề là ở cách dạy anh ạ. Trẻ con học nói rồi mới học viết, ở đâu cũng thế thôi. Bắt đầu nói những chuyện hàng ngày, rồi mới chuyên sâu. Mà nói thì học từ nghe. Trẻ nghe người lớn nói rồi nói theo. Cơ mà Việt Nam dạy tiếng Anh kiểu hàn lâm. Nặng về ngữ pháp quá, không phải thứ ngữ pháp trong câu cú thông dụng mà nó ở cái tầng mà chẳng những em, đồng nghiệp Úc của em, những người sinh trưởng ở Úc, thuộc dân chữ nghĩa, cũng bó tay với phần thi lớp 12 môn tiếng Anh mảng ngữ pháp của Việt Nam anh ạ. Em có một số bạn bè ở Việt Nam, là giáo viên Anh văn, mở lớp đào tạo/dạy Anh văn, nổi tiếng giỏi luôn. Mà nhiều khi các bạn ấy viết tiếng Anh em chỉ biết thán rằng dân Úc không nói như thế. Nên cái "thử thách" muốn vượt qua thì đơn giản là thực hành, trong giờ tiếng Anh chỉ nói tiếng Anh thôi. Và không chêm tiếng, kiểu "Hôm nay anh ra ngoài ăn lunch".".

Té ra ý kiến của chị này, tôi cũng từng đề cập cách đây cả hơn chục năm rồi, hồi tôi đi học tiếng Anh, ngạc nhiên thấy cái giáo trình học của ta nó chả giống ai, mỗi mình mình một kiểu...

Hiện nay có một thế hệ học sinh nói tiếng Anh rất tốt, các cháu học thêm online, kể cả với người nước ngoài, và học thêm ở các thầy cô giỏi trong nước, nên dễ hiểu khi chúng vào lớp, có phần giỏi hơn cô giáo, nhất là ở cấp 2 (phổ thông cơ sở).

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.